Viết thư pháp mưu sinh
“Bỏ quên một mùa xuân, so với đời tuổi trẻ có đáng là bao. Chỉ áy náy vì đêm giao thừa không thể cùng cha mẹ thắp một nén hương lên ban thờ tổ mà thôi”- Mạnh Cường (sinh viên khoa Trung- Trung, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) bình thản tâm sự như vậy.
Cường cho biết đây là cái Tết thứ hai liên tiếp cậu không về với gia đình. Vùng quê biển miền Trung của cậu vốn đã nghèo, qua mấy mùa bão lũ càng thêm xơ xác. Cha mẹ cậu thuần nông, quanh năm nhọc nhằn một nắng hai sương với nghề muối mà cũng chỉ đủ ăn. Thêm gánh nặng ăn học của mấy đứa con, khiến gia cảnh đã nghèo lại càng túng thiếu.
Viết thư pháp mưu sinh (Ảnh minh họa từ Interrnet) |
Căn nhà không có đồ vật gì giá trị, cứ trống huơ trống hoác. Những lần ít ỏi về thăm nhà, nhìn cha mẹ còng lưng trên đồng muối trắng, Cường không thể cầm lòng... Cậu chia sẻ rằng hơn một năm nay việc ăn học không phải xin thêm tiền cha mẹ. Với kiến thức tiếng Trung là ngành học cộng chút ít hoa tay, cậu được sinh hoạt trong một nhóm viết thư pháp Việt. Ngoài thời gian lên giảng đường, cậu cùng bạn bè viết thư pháp để bán, thu nhập cũng tạm đủ để trang trải nhịp sinh hoạt đắt đỏ nơi đô hội, tất nhiên là ở mức cực kỳ tiết kiệm.
Cường tâm sự: “Tết “con dê” này, bổn cũ phải soạn lại thôi”. Nghĩa là cùng với một nhóm bạn đồng cảnh trong lớp, cậu sẽ có mặt ở các đền chùa Hà Nội, làm từ viết thư pháp cho đến đọc sớ chữ Tàu, kiếm chút tiền của du khách vui xuân.
Những bức thư pháp nhỏ thường có giá vài trăm ngàn. May mắn gặp khách tri ân, thích thư pháp viết trên hoành phi thì số tiền kiếm được cũng đến vài triệu đồng. “Lại một mùa xuân nữa em lỗi hẹn với quê hương. Chỉ mong sẽ kiếm thêm được chút tiền gửi về san bớt gánh nặng trên vai cha mẹ”. Cặp mắt Cường long lanh, trong câu nói có cả sự nghẹn ngào và niềm hy vọng.
Đến chuyện "buôn Tết" và đi hát
Nếu chịu khó dạo chân qua vài khu ký túc sinh viên, vài khu nhà trọ, sẽ thấy rất nhiều bạn trẻ vì hoàn cảnh mà chấp nhận “xuân này lỗi hẹn với quê hương”. Với những người có điều kiện, ngày thường kiếm tiền là để tiêu tết.
Minh Lý (quê ở Phú Thọ) tâm sự rằng có rất nhiều cơ hội để làm thêm trong dịp Tết. Bởi nếu nói hơi ngoa một chút, tết nhất người chơi nhiều chứ người làm có bao nhiêu. “Bình thường, kiếm một công việc chẳng dễ dàng chút nào. Nhưng ngày Tết, hình như mọi cái đều thông thoáng hơn”. Minh Lý đã xin được “chân” chào hàng cho một hãng cà phê trong Công viên nước hồ Tây.
Công việc kéo dài từ trong Tết cho đến ra giêng. Lương trả khá cao, lại thú ở chỗ có thể vừa làm việc vừa tha hồ ngắm mọi người du xuân và cảnh hồ Tây thơ mộng. Đấy là chưa kể cái lợi đầu tiên: cà phê thì cứ... thoải mái uống.
Kiếm tiền trông vào may rủi và vất vả hơn một chút là Phú Vinh quê ở Sơn La (sinh viên ĐH Thương mại, Hà Nội). Hình như nắm trong tay nhiều kiến thức kinh tế nên Vinh đã có một quyết định rất thương mại là “buôn Tết”.
Các bạn trẻ chẳng nề hà nghề gì, miễn là có ý nghĩa |
Mặt hàng cậu chọn để đi buôn là dưa hấu. Lý lẽ của cậu cũng đâu ra đấy: “Ngày tết, bánh chưng, thịt mỡ khiến dân tình chán ngấy. Chỉ thèm hoa quả thôi. Mà năm mới, dùng những thứ có màu đỏ là nhất”. Nói là làm. Vinh vay tiền của người quen và bạn bè để đi cất mối dưa. Không đủ kinh phí đi xa, cậu đành chỉ lấy hàng bên mạn Bắc Ninh, bớt lãi một chút cũng chẳng sao.
Cùng vài người bạn, tết này Vinh sẽ là ông chủ “mùa vụ” của sạp dưa ở cuối đường đi Trôi, Nhổn. Cậu chọn địa điểm ấy bởi sẽ có rất nhiều du khách đi chơi xuân ra ngoại thành ghé qua. “Em không lo bị ế. Cứ khoảng mùng ba, mùng bốn, đại hạ giá là sẽ cháy hàng ngay”. Nghe câu khẳng định và nhìn cặp mắt đầy quyết đoán của Vinh, tin tưởng rằng cậu sẽ có một mùa “buôn tết” thành công.
Có thể thấy, chấp nhận cái tết tha hương nhưng các bạn trẻ đều gắng chọn những công việc có liên quan đến ngành học hoặc là thế mạnh của mình, như Mạnh Cường, Phú Vinh. Và nếu nói về ưu thế trên thị trường làm việc ngày tết, chắc không ngành nào sánh được với nhóm liên kết Nhạc viện - Trường Múa.
Diệu Loan (quê ở Thanh Hóa) là ca sĩ chính có hẳn nhóm nhảy phụ họa do Công Huy (quê ở Tuyên Quang) dẫn đầu. Sẵn giọng hát, tiếng đàn, điệu múa, mấy ngày Tết họ cũng đã có hợp đồng “chạy sô” như ai. Diệu Loan chia sẻ rằng tất nhiên họ không thể cạnh tranh ở những sân khấu hoành tráng như vũ trường, khách sạn.
Nơi ấy dành cho dân chuyên nghiệp, đã có tiếng tăm. Nhóm của họ chỉ tung hoành được ở các quán bar quy mô nhỏ hoặc cà phê có nhạc sống mà thôi. Buổi sáng còn ở phố Vọng, buổi trưa có mặt ở Tây Hồ, thoắt cái, chập tối đã “bay” vào Thanh Xuân.
Công Huy “bật mí” rằng nhóm mình thường biểu diễn trong những tràng vỗ tay như pháo nổ, cũng đủ thấy giọng hát, điệu múa của họ đã khiến khối chàng, khối nàng không thể rời bước chân đi. “Vất vả như thế nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu. Sau khi trừ những khoản chi phí đi lại, thuê phụ kiện, đồ diễn, chia nhau mỗi đứa cũng chỉ đủ một tháng tiền nhà và tiền ăn thôi. Nhưng vui vì đã đỡ đần phần nào cho cha mẹ và cái tết xa nhà cũng ý nghĩa hơn”, Diệu Loan tâm sự.
Những giọt nước mắt đón xuân
Thật khó có thể liệt kê có bao nhiêu bạn trẻ đang chấp nhận một cái tết tha hương và cũng không thể biết cho đủ những công việc họ làm để kiếm thêm tiền trong dịp tết. Qua rất nhiều chia sẻ, chỉ có thể hiểu rằng vì hoàn cảnh gia đình mà xuân này họ đành đón một năm mới xa quê.
Họ kể rằng có thể bắt gặp vào sáng mùng hai Tết, mấy chàng sinh viên đang nằm bẹp trong ký túc xá Mễ Trì, bỗng đùng đùng xách đồ nghề vá xe ra đường Nguyễn Trãi. Hoặc vừa qua giao thừa, trên đường hồ Gươm, hồ Tây, khi đốm pháo hoa cuối cùng còn chưa kịp tắt, đã thấy một nhóm cả nam cả nữ tươi cười mời du khách mua những cây mía lộc đầu năm. Các bạn trẻ ấy nào có ngại ngần gì, sang cũng thế mà hèn cũng thế, chỉ cần biết việc làm ấy là có ích, để san bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai cha mẹ.
Nói gì thì nói, đọng lại sâu trong ánh mắt của những bạn trẻ phải sống một cái tết xa quê, vẫn là nỗi buồn khôn tả. Bà chủ khu nhà trọ ở Mai Dịch kể lại một câu chuyện mà mắt vẫn ngấn lệ vì xúc động. Vào đêm giao thừa năm ngoái, bà tưởng bọn trẻ thuê nhà ở lại qua Tết đã đi chơi hết bởi khu nhà trọ tối om.
Đang định trở vào thì bỗng có phòng lập lòe ánh nến. Lấy làm lạ vì tết nhất làm gì có chuyện mất điện, bà lọ mọ sang xem. Trong cảnh tranh tối, tranh sáng ấy, nhiều mái đầu đang ghé lại gần nhau, bên cành đào nhỏ, có hộp mứt, đĩa hạt dưa, thêm cả tiếng đàn, tiếng hát. Và năm mới, đã thấy ầng ậng nước mắt trên những khuôn mặt thanh xuân.
Hiểu ra mọi chuyện, bà chủ nhà cũng không kìm được sự xúc động dâng trào. Bọn trẻ tắt điện đi chỉ dùng nến, để có thể hình dung về hình bóng quê nhà. Và những giọt nước mắt đón xuân, để cảm thông, chia sẻ với nhau nỗi nhớ mẹ, nhớ cha da diết.
Mùa xuân năm nay dù tiết trời rất lạnh nhưng hoa đào vẫn sẽ hồng rực lên. Cũng như những người bạn trẻ dù phải đón xuân tha hương nhưng vẫn biết sống có ý nghĩa. Và dù có chạnh lòng buồn thương, trái tim họ vẫn rung lên hòa lẫn với nhịp thở của một mùa xuân mới./.