Năm nay mùa đông ấm, mai nở sớm, Tết cũng đến sớm hơn mọi năm. Sau cái Tết dương lịch vội vàng, từ đầu tháng Chạp, nhịp sống của chúng tôi - những người Việt sống ở Tokyo như được thêm một nhịp, nhịp dõi theo Tết Nguyên đán ở quê hương!
40 năm về trước, khi bà nội tôi còn sống, hình ảnh chuẩn bị Tết đầu tiên ở nhà là việc chiếc vại sành cao đến ngang bụng được lôi ra từ góc bếp. Rồi bà cất công lên chợ Bắc Qua để chọn những thứ ngon nhất cho ngày Tết.
Hàng chục cây cải bẹ được phơi khắp sân chuẩn bị muối nén nguyên cây, rồi những thau hành, kiệu được bà mang ra nhặt tỉa, khung cảnh ngày Tết bắt đầu ùa về.
Rồi bà cũng đi xa, những Tết sau được tiếp nối đến bàn tay mẹ, khi vại dưa ngon lành thơm phức nơi góc bếp, mình lại bắt đầu… đếm ngược chỉ còn vài tuần thôi. Và những hôm trời hanh nắng, dáng mẹ mang mâm ra sân, hong phơi đồ ăn Tết, từng miếng măng, cái nấm, con tôm …. mùi Tết, vị Tết từ bàn tay mẹ đang đến gần.
Nhưng việc quan trọng nhất đón Tết ở nhà luôn là việc trang hoàng, lau dọn bàn thờ tổ tiên để rước các cụ về nhà ăn Tết. Cuốn hoành phi câu đối, khám thờ được hạ xuống lau rửa cho bóng loáng, và những chiếc mâm bồng, chân nến, lư hương cũng được kê lại cho ngay ngắn, để lấy chỗ bày ngũ quả, rượu, bánh, mứt Tết những ngày tới.
Khi việc chuẩn bị đón các cụ hoàn thành thì Tết đã thực sự về đến nhà mình rồi đó!
Cỗ Tết |
Tết làm sao có thể thiếu được hoa. Tết xưa, ngắm hoa, mua hoa cũng… xưa lắm. Khi ấy phố vắng, người cũng thưa, những chiều gần Tết tan học tôi đạp xe cùng mẹ đi vào làng hoa Ngọc Hà. Đi qua những vườn hoa chen lẫn những ngôi nhà mái ngói đỏ, “Ồ nhà này có cẩm chướng!”, ”nhà này có thược dược, lay ơn!” Mẹ và tôi lại dừng xe gọi cửa vào vườn mua hoa, đi trong những luống hoa lùm lùm. Tết nở nụ cười trên khuôn mặt mẹ cùng bó hoa trên tay.
Vào những ngày giáp Tết, khi cổng chéo Hàng Lược ngăn đường họp chợ, tôi lại được cùng bố mẹ rảo bước ngắm và thưởng lãm không khí Tết của một Hà thành thật nhộn nhịp, khác với vẻ thong thả thường ngày. Chợ hoa Hàng Lược luôn là nơi tôi kiếm được thủy tiên, hải đường ưng ý, đôi khi là một chậu trà xinh xinh, hay một cây hoa bỏng, chậu cúc.
Tết của người Hà Nội không thể thiếu cây quất và cành đào. 29, 30 Tết, tôi cùng bố đi dọc đường đê, theo sau những chiếc xe đạp lọc cọc chở những bó mùi già, quyện mùi bánh chưng nhà ai đó đang vớt dọc đường Yên Phụ để lên Quảng Bá, Nhật Tân vào vườn mua đào, mua quất.
Rồi ngày mong đợi quây quần, bận rộn nhất trong năm, ngày 30 Tết cũng đã đến. Nhà cửa đã trang hoàng, sạch sẽ, giờ đến việc đi chợ Tết chuẩn bị cho mâm ngũ quả và cỗ bàn mấy ngày Tết.
Tôi cùng mẹ đi lựa từ nải chuối cong, còn đầu rồng, hay những trái bưởi còn nguyên cành lá thế rồng bay phượng múa, hay từng quả ớt con con,… ghé qua hàng gà chọn con sống hoa mào cờ lông mượt, nào thì su hào, đậu hà lan, cà rốt.
Bước chân về đến cổng, thùng bánh chưng đã được bố vớt, ép nước giữa sân, mùi bánh chưng nóng quyện mùi măng luộc trong bếp, với nồi nước mùi già… 30 Tết.
Tất bật cho mâm cỗ Tất niên xong mẹ tôi lại đánh gấc, luộc gà, tất bật chuẩn bị mũ áo để bày mâm cúng ngoài trời đón ông Ba mươi. Khi tivi bắt đầu đọc thư chúc Tết của Chủ tịch nước là tiếng pháo giao thừa rộn vang khắp xóm.
Mẹ gọi điện hỏi: “Năm nay con ăn Tết có to không?” Dạ, vẫn đầy đủ hương vị quê hương đào quất trên góc ban thờ nhỏ, dưa hành, bánh chưng, giò thủ, canh măng, mứt tết và rượu… sake! Nhưng chỉ thiếu dáng mẹ tảo tần, thiếu giọng bố ân cần ngày Tết ở đây.
Chiều 30 Tết, tôi cũng chuẩn bị một gói hạt mùi già để cho vào bồn tắm. Ở đây không có lá mùi nên phải biến tấu bằng hạt, cả nhà vẫn được tắm hương mùi, gột sạch những gì tồn đọng của năm cũ, và thơm tho đón năm mới về!
Tôi muốn nói với mẹ tôi: Ở xứ hoa anh đào con cũng có Tết của riêng mình, Tết từ trong ký ức...