Vụ án 8 năm trước
Sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 3/9/2012, một chiếc Ferrari màu đen đã tông vào xe máy của cảnh sát ở trung tâm Thủ đô Bangkok (Thái Lan) khiến sĩ quan Wichien Klanprasert bị ngã và kéo lê trên đường phố dẫn đến tử vong, sau đó phóng xe bỏ trốn.
Theo cảnh sát, vết dầu loang để lại trên đường phố của một chiếc siêu xe thể thao là manh mối dẫn cảnh sát tới biệt thự sang trọng của một trong những gia đình giàu có nhất Thái Lan, người sở hữu đế chế nước tăng lực Red Bull. Lúc đầu, lái xe của gia đình nhận trách nhiệm về vụ tai nạn song người này đã bị phạt 200 USD vì khai báo sai sự thật.
Quá trình điều tra cho thấy người điều khiển phương tiện gây tai nạn là Vorayuth Yoovidhya - “cậu ấm” của gia tộc Red Bull, đồng thời cũng là người thừa kế tập đoàn mà theo Forbes ước tính trị giá 20,2 tỷ USD. Khi bị đưa đến đồn cảnh sát để thẩm vấn, Vorayuth thừa nhận đâm xe gây chết người song cho biết mình bị chiếc môtô tuần tra tạt đầu. Vorayuth sau đó đã bị buộc tội 5 tội danh, trong đó có tội danh chạy quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn chết người, đâm người rồi bỏ chạy.
Sau khi trả 16.000 USD để tại ngoại, Vorayuth liên tục lẩn trốn lệnh triệu tập từ tòa án. Suốt 5 năm, luật sư của nghi phạm viện dẫn lý do sức khỏe hoặc đi công tác nước ngoài để không tham gia xét xử. Tháng 4/2017, cơ quan khởi tố ban hành lệnh bắt giữ Vorayuth song nghi phạm đã rời Thái Lan.
Tới tháng 9/2017, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với 4 tội danh, trong đó bao gồm lái xe quá tốc độ và gây tại nạn bỏ trốn, đã hết. Cảnh sát chỉ còn thời gian từ nay tới năm 2027 để khởi tố tội danh nghiêm trọng nhất là điều khiển phương tiện bất cẩn gây chết người.
Cho tới nay vụ án bị kéo dài suốt nhiều năm qua và rơi vào bế tắc không được xử lý. Trong khi đó những năm qua, gia đình của trung sĩ Wichien Klanprasert, người bị thiệt mạng vì vụ tai nạn vẫn chưa tìm được công lý và rơi vào cảnh khốn khó đủ đường.
Đế chế tập đoàn nước tăng lực Red Bull
Với biệt danh “Boss” (tạm dịch: ông chủ), Vorayuth sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, quyền lực nhất tại Thái Lan. Ông nội của Boss - Chaleo Yoovidhya là “cha đẻ” của nước tăng lực Red Bull, loại nước giải khát phổ biến trên toàn cầu.
Theo đó, là một người Hoa nhập cư vào Thái Lan, ông Chaleo xây dựng sự nghiệp từ đôi bàn tay trắng. Năm 1956, ông thành lập công ty dược phẩm riêng TC Pharmaceutical, chuyên sản xuất thuốc trị đau đầu và sốt.
Sau đó, ông tin rằng nước tăng lực là một sản phẩm đầy tiềm năng trên thị trường. Ông đã phát minh ra Krating Daeng, một loại nước ngọt có chứa caffein. Sản phẩm này đã được lòng tầng lớp lao động và các tài xế lái xe tải đường dài.
Năm 1984, ông Chaleo tiếp tục hợp tác với doanh nhân người Áo Dietrich Mateschitz để sản xuất Red Bull, phiên bản có ga của nước tăng lực Krating Daeng. Thức uống này đã trở thành một hiện tượng mới, được nhiều đối tượng khách hàng ưa chuộng.
Chiếc xe gây tai nạn của thiếu gia nhà Red Bull. |
Sau cái chết của ông Chaleo vào năm 2012, con trai ông là Chalerm Yoovidhya tiếp quản công việc kinh doanh. Đến nay, gia đình Chalerm vẫn đứng thứ hai trong nhóm 50 người giàu nhất tại Thái Lan.
Năm 2019, tập đoàn Red Bull bán được 7,5 tỷ lon đồ uống tại 171 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không chỉ sở hữu một nửa đế chế Red Bull, nhà Yoovidhya còn làm chủ nhiều dự án bất động sản, nhà máy rượu và đơn vị nhập khẩu xe Ferrari chính hãng tại Thái Lan.
Tập đoàn sở hữu thương hiệu Red Bull là TCP Group thì luôn cố gắng phủ nhận sự liên quan với vụ tai nạn năm 2012. TCP Group từng tuyên bố: “Vorayuth chưa từng đảm nhận vai trò quản lý hay vận hành hoạt động của TCP Group. Vorayuth cũng không phải là một cổ đông và chưa từng nắm giữ vị trí điều hành trong tập đoàn”.
Giống như ông nội và cha của mình, Vorayuth “Boss” hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Sau khi gây tai nạn vào năm 2012, Vorayuth mới trở thành tâm điểm khiến dư luận Thái Lan nhiều lần dậy sóng.
Vụ án mãi không được xử lý
Sau 8 năm vụ việc này lại một lần nữa khiến người dân Thái Lan phẫn nộ và lại thành tiêu điểm quan tâm của dư luận, khi không những không được giải quyết, mà mới đây vào ngày 23/7, CNN bất ngờ đưa tin Văn phòng Tổng chưởng lý Thái Lan (OAG) hủy truy tố và chấm dứt kỳ án này.
Công tố viên phụ trách vụ án Net Narksook không hề giải thích về quyết định trên. Song trong một bức thư gửi phía cảnh sát hôm 12/6, OAG viện dẫn nhiều “bằng chứng mới” cho rằng Vorayuth không chạy quá tốc độ khi gây tai nạn.Ban đầu, Vorayuth bị cáo buộc chạy xe vượt tốc độ cho phép, ước tính 177 km/h. Song bức thư cho biết các điều tra viên đã thay đổi ý kiến, cho rằng chiếc Ferrari chỉ giữ tốc độ 79 km/h khi gây tai nạn.Bức thư còn viện dẫn “hai nhân chứng mới được bổ sung” vào cuối năm 2019 khẳng định Vorayuth không chạy xe quá tốc độ.
Người dân Thái Lan cảm thấy giận dữ khi thấy rằng hệ thống pháp luật của đất nước quá bất công khi chỉ thiên vị người giàu. Rất nhiều người kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Red Bull. Nhiều người khác cho rằng quyết định không truy tố Vorayuth là xác nhận mới nhất và trắng trợn nhất cho văn hoá miễn trừ và coi thường pháp luật của giới thượng lưu ở Thái Lan.
Ông Ekachai Chainuvati - giảng viên luật tại Đại học Siam ở Bangkok cho rằng: “Người dân nghĩ rằng, dường như luật pháp có tiêu chuẩn khác nhau đối với người giàu và người nghèo”.
Những áp lực từ dư luận cứ thế tăng lên và gây căng thẳng, từ đây bắt buộc Văn phòng tổng kiểm toán Thái Lan (OAG), cảnh sát, Hạ viện và cả Thủ tướng Prayut Chan-ocha, người hứa sẽ “bảo đảm công lý mà không gây chia rẽ giữa các nhóm trong xã hội Thái Lan”, phải tiến hành điều tra lại vụ việc.
Sự việc không chỉ khiến xã hội Thái Lan tức giận, mà còn khiến gia tộc quyền lực vốn giữ im lặng trước sóng gió phải lên tiếng. Trong một thông báo hiếm hoi đưa ra hồi tháng 7, một số thành viên nhánh ngoài gia tộc đã nói lời xin lỗi vì “sự việc của một thành viên trong gia đình đã gây ra làn sóng giận dữ, ghét bỏ trong xã hội”. “Chúng tôi phải đưa ra những lời này nhằm thể hiện sự hối tiếc trước sự việc xảy ra, và nhằm xác nhận sự tôn trọng với pháp luật. Công lý cần phải thực thi mà không có sự phân biệt nào”, thông báo cho biết.
(Còn nữa)