Tham gia BHYT: Dân chưa thông, doanh nghiệp vẫn thiếu ý thức

(PLO) -Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHYT tại doanh nghiệp vẫn diễn ra khá cao; Người dân vẫn chưa hiểu hết vai trò của BHYT, thậm chí không nắm được thủ tục mua BHYT...

 


Thẻ BHYT được xem như một thẻ hộ mệnh đối với người bệnh. Ảnh: Hoài Ngân
Thẻ BHYT được xem như một thẻ hộ mệnh đối với người bệnh. Ảnh: Hoài Ngân
Đó là những thông tin, những hạn chế được nhìn nhân khiến cho hiện nay vẫn còn gần 30% người dân chưa có BHYT.

Báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 31/5/2015 số người tham gia BHYT trên cả nước ước khoảng 64,5 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số, tăng 2,7 triệu người so với cùng thời điểm năm 2014. Riêng nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng 227 nghìn thẻ, tương đương 3%. Như vậy, hiện vẫn còn 30% người dân chưa tham gia BHTY.

TS Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban chính sách BHXH Việt Nam nhìn nhận những hạn chế trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến khi mang chính sách pháp luật về  BHYT đến với người dân. Dẫn đến tình trạng dân chưa nắm rõ, chưa hiểu hết tầm quan trọng của thẻ BHYT và không tham gia.

Cụ thể, qua kiểm tra 13 tỉnh, thành phố, nhiều người dân, kể cả cán bộ xã phường cũng chưa nắm được, thậm chí chưa biết mua thẻ BHYT ở đâu, mức đóng bao nhiêu, và quyền lợi như thế nào…

Ông Sơn cũng cho biết, thậm chí hiện nay  đã có 34 tỉnh thành có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT như An Giang, Đồng Tháp giảm 10% đối với người tham gia; Thừa thiên Huế và Kiên Giang  hỗ trợ 25 đến 30% đối với hộ nghèo tham gia BHYT. Tuy vậy, người dân nhiều nơi vẫn không mấy mặn mà 

"Ví dụ điển hình như tỉnh Bến Tre, vận động người dân tham gia BHYT bằng hình thức in thẻ trước, thu tiền sau nhưng in xong thẻ rồi không thấy ai đến nhận…

Tất cả nguyên nhân trên là do dân chưa thông và hiện vẫn còn tồn tại những thủ tục phiền hà gây khó khăn cho người dân tham gia BHYT",  ông Sơn nói.

Doanh nghiệp nợ và trông đóng BHYT cho người lao động cũng là vấn đề. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện có khoảng 49% số người trong các doanh nghiệp đang trốn đóng BHYT. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được chế tài hay giải pháo nào để giải quyết vấn đề này.

Để hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT, Tiến sĩ Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho rằng, sẽ cố gắng khắc phục những vướng mắc về thủ tục hành chính, áp dụng hình thức truyền thông trực tiếp, tiếp cận cộng đồng đối với nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình.

Bên cạnh đó Ủy ban nhân dân các địa phương cần cụ thể hóa các chỉ tiêu bao phủ BHYT, nhận định rõ những vướng mắc ở địa phương để có giải pháp. Cơ quan quản lý liên quan cũng cần có chế tài đối với các doanh nghiệp nợ BHYT.

Đối với đối tượng doanh nghiệp, theo TS Phạm Lương Sơn, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn việc kiểm tra tại các doanh nghiệp và BHXH Việt Nam sẽ trực tiếp làm việc này. Đồng thời, sẽ đề xuất một số chế tài cụ thể và mạnh tay với các doanh nghiệp trốn đóng BHYT.

Về quyền lợi trong sử dụng thẻ BHYT, ôngNguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông thi đua khen thưởng Bộ Y tế khẳng định, Bộ Y tế cũng sẽ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi người dân dùng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh, để người dân yên tâm hơn với việc tham gia BHYT.

Theo ông Anh, bảo hiểm y tế là một trong hai trụ cột của chính sách an sinh xã hội. Thẻ BHYT được xem như một thẻ hộ mệnh đối với người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo.

Đọc thêm