Thảm họa đe dọa sự tồn vong của nhân loại

(PLO) - Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống, đe dọa sự phát triển và tồn vong của toàn nhân loại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Biến đổi khí hậu - thảm họa của nhân loại

Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 là giai đoạn nóng nhất theo các số liệu đã quan trắc được và năm 2015 - với tác động của hiện tượng El Nino - đã trở thành năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu có quan trắc khí tượng thủy văn từ thế kỷ 19. Biến đổi khí hậu phá vỡ quy luật tự nhiên của các mùa, gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng, hạn hán và mưa lũ. 

Báo cáo lần thứ 5 của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu đã cảnh báo, nếu thế giới không nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính thì nhiệt độ trái đất có thể tăng tới 4,8 độ C vào cuối thế kỷ này. Mực nước biển có thể dâng đến 2m, nhấn chìm nhiều quốc gia đảo nhỏ, các vùng cửa sông, vùng ven biển trù phú của trái đất.

Nhà kinh tế học người Anh Nicholas Stern cũng từng nhận định, biến đổi khí hậu sẽ làm cho GDP toàn cầu thiệt hại 5-10% khi nhiệt độ tăng 5-6 độ C vào cuối thế kỷ này; các nước nghèo, các nước đang phát triển sẽ phải chịu tổn thất lớn hơn 10% GDP rất nhiều.

“Các thay đổi đang hiện hữu này báo trước một tương lai mà nhân loại phải đối mặt: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn. Biến đổi khí hậu sẽ trở thành thảm họa, đe dọa tới sự tồn tại, phát triển của nhân loại trên trái đất nếu ngay từ bây giờ không có các giải pháp ứng phó hiệu quả.” - Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.

Chú trọng công tác dự báo

Các tỉnh miền Tây Nam bộ đang phải đối mặt với thiên tai lịch sử khi tình trạng khan hiếm nước ngọt và xâm nhập mặn ngày càng sâu vào nội đồng. Mới đây, Trà Vinh là tỉnh thứ 8 ở miền Tây Nam bộ công bố tình trạng thiên tai.

Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình thiên tai nghiêm trọng này có thể ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn của cả nước. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, xu thế diễn biến của thiên tai khí tượng thủy văn vẫn tiếp tục theo hướng ngày càng khốc liệt và diễn biến phức tạp, khó lường.

Với những thực tế khắc nghiệt và trọng trách nặng nề, ngành Khí tượng Thuỷ văn cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn Luật Khí tượng Thủy văn; tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020.

Bên cạnh đó là lồng ghép các nội dung liên quan tới khí tượng thuỷ văn vào Kế hoạch triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, như củng cố kiến thức khoa học về khí hậu; ngăn ngừa, giảm thiểu và giải quyết tổn thất, thiệt hại do các tác động xấu của biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác và hỗ trợ cho hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, thời tiết, sẵn sàng ứng phó khẩn cấp với thiên tai… 

Cùng với những việc làm trên, ngành Khí tượng Thủy văn cũng cần chú trọng phát triển hơn nữa công tác dự báo, đặc biệt là dự báo khí hậu, dự báo và cảnh báo thiên tai, tổ chức các diễn đàn nhận định xu thế thời tiết, thủy văn Việt Nam thường xuyên hơn; cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan dự báo, các đơn vị chuyển tải thông tin dự báo và người sử dụng cuối cùng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra và ứng phó chủ động hơn đối với các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan. 

Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị chịu đợt mặn xâm nhập khốc liệt thứ hai

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ phải gánh chịu một đợt xâm nhập mặn thứ hai với dự báo nồng độ từ 4 g/lít trở lên lấn sâu vào nội đồng hàng trăm kilômét. Đây mới thực sự là đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cảnh báo, những gì đang xảy ra mới chỉ là sự khởi đầu của “cuộc chiến” với biến đổi khí hậu ở khu vực này. Bộ trưởng Phát cũng kiến nghị Chính phủ tìm nguồn bố trí 32.000 tỷ đồng đầu tư công trình thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu cho cả khu vực giai đoạn 2016-2020; đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam làm việc với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông chia sẻ thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện.

Hầu hết các chuyên gia nhận định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn, mặn khốc liệt là do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Ngoài ra, việc khai thác tài nguyên thiếu bền vững làm suy kiệt nước ngầm cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng sụt lún, sạt lở và xâm nhập mặn; phân bố sử dụng đất và tổ chức sản xuất vùng kinh tế mặn-lợ-ngọt còn tùy tiện, nhiều quy hoạch còn thiếu tính liên kết. Do đó, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ đầu tư phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với tình hình mới.

Đọc thêm