Thảm kịch Thalidomide và sự ra đời của đạo luật về an toàn và quản lý thử nghiệm thuốc

(PLVN) - Bi kịch sau khi loại thuốc có tên Thalidomide được tung ra thị trường và được sử dụng thời gian dài chính là chất xúc tác đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống giám sát và phê duyệt thuốc nghiêm ngặt tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

"Thần dược” của giấc ngủ

Năm 1956, Thalidomide - một dẫn xuất của acid glutamic do Công ty dược phẩm Chemie Grunenthal GmbH của Đức sản xuất – được tung ra thị trường với tác dụng được kê là một loại thuốc an thần. Vốn chuyên về thuốc kháng sinh, Thalidomide được Chemie Grunenthal GmbH phát triển như một sản phẩm tiên phong của công ty trong quá trình mở rộng phạm vi sản phẩm. Đó là một loại thuốc chống co giật nhưng khiến người dùng buồn ngủ và thư giãn nên được chỉ định để an thần.

Khi được cấp phép để bán ở Đức và các nước khác vào tháng 7/1956, Thalidomide được đưa vào danh sách thuốc bán không cần kê đơn bởi nhà sản xuất khẳng định sản phẩm của họ an toàn với mọi người, kể cả phụ nữ đang nuôi con, trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai.

Tuyên bố này được đưa ra dựa trên báo cáo cho hay, trong giai đoạn cấp bằng sáng chế và phê duyệt, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thuốc trên động vật và nhận thấy liều lượng thalidomide không đủ cao để giết một con chuột.

Trong thời kỳ hậu chiến tranh, khi chứng mất ngủ phổ biến dẫn tới sự hình thành một thế giới gắn liền với thuốc an thần và thuốc ngủ, nhu cầu về một loại thuốc như Thalidomide là rất lớn.

Theo một số ước tính, ở thời kỳ này, cứ 7 người Mỹ thì có 1 người thường xuyên sử dụng thuốc an thần. Nhu cầu về thuốc này thậm chí còn cao hơn ở một số thị trường châu Âu. Chính vì vậy, sự khẳng định về mức độ an toàn của Thalidomide càng khiến cho thuốc trở nên hấp dẫn hơn. Đến năm 1960, Thalidomide đã được bán ở 46 quốc gia, với doanh số khổng lồ.

Trong khoảng thời gian này, bác sĩ sản khoa người Australia William McBride đã phát hiện ra rằng loại thuốc này cũng làm giảm bớt tình trạng ốm nghén rất hiệu quả. Do đó, ông bắt đầu khuyến nghị sử dụng thuốc để giảm tình trạng buồn nôn - công dụng không được liệt kê trong danh mục điều trị của thuốc - cho các bệnh nhân đang mang thai ở giai đoạn đầu của thai kỳ.

Ở thời kỳ này và ngay cả hiện nay, việc kê đơn một thuốc để điều trị triệu chứng không có trong các tác dụng chỉ định đã được cơ quan quản lý dược cấp phép vẫn là một thói quen phổ biến ở nhiều nước, trong đó có cả Mỹ. Trong nhiều trường hợp, việc kê đơn thuốc để chữa các vấn đề không có trong chỉ định như vậy rất hiệu quả.

Xu hướng sử dụng Thalidomide cho phụ nữ mới mang bầu nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. Đến cuối những năm 1950, nó trở thành một trong những cái tên không thể thiếu trong danh mục các sản phẩm chăm sóc sức khỏe bà bầu, với công dụng giảm triệu chứng ốm nghén giai đoạn đầu thai kỳ.

Rất nhiều bà bầu đã tin dùng sản phẩm này, bao gồm cả ở châu Âu, Canada, Australia, Nam Mỹ, châu Á. Nhiều người khi đó xem đây như một thần dược mà không biết rằng tai họa thực sự đã nảy sinh.

Những em bé dị tật

Từ “phocomelia” có nghĩa là khuyết tật ở chi. Từ này được dùng để mô tả một tình trạng cực kỳ hiếm gặp, khi những đứa trẻ được sinh ra với các chi trông giống như chân chèo. Ở những trẻ này, xương cánh tay của chúng không phát triển, nhưng ngón tay đôi khi mọc ra từ vai.

Trong một số trường hợp, chân chúng cũng không phát triển. Nhà giải phẫu học người Pháp Étienne Geoffroy Saint-Hilaire đã đặt ra từ này vào năm 1836 nhưng sau đó, từ này hiếm khi được sử dụng. Đến sau khi Thalidomide ra đời, “phocomelia” đột nhiên trở nên quá quen thuộc sau 120 năm bị quên lãng.

Cụ thể, chỉ trong vài năm kể từ khi Thalidomide được sử dụng rộng rãi ở châu Âu, Australia, Nhật Bản và những nước khác, những bất thường ở những người sử dụng thuốc đã được ghi nhận. Thống kê cho thấy, chỉ trong vài năm, tại Tây Đức - nơi loại Thalidomide được ra mắt đầu tiên, ước tính đã có từ 5.000 đến 7.000 trẻ được sinh ra với chân và cánh tay bị dị tật nghiêm trọng.

Tại Anh, khoảng 2.000 trường hợp trẻ sơ sinh bị biến dị. Những trẻ này thường không có tay hoặc chân. Một số ít có tay, chân nhưng cực kỳ ngắn với những ngón và đốt không rõ ràng, đôi khi bị dính lại như mái chèo.

  Những em bé bị dị tật do Thalidomide.

Năm 1960, các bác sĩ đã bắt đầu lo ngại về các tác dụng phụ có thể xảy ra ở những người đã sử dụng Thalidomide khi một số bệnh nhân được phát hiện đã bị tổn thương thần kinh ở tay chân sau khi sử dụng thuốc trong thời gian dài. Công ty Grunenthal khi đó đã không cung cấp được bằng chứng lâm sàng thuyết phục để bác bỏ những lo ngại này.

Đến năm 1961, bác sỹ McBride nhận thấy sự liên quan rõ ràng giữa cái gọi là hợp chất vô hại Thalidomide với những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở những đứa trẻ mà ông đã đỡ đẻ. Bởi, những trẻ bị dị tật thường là những em bé có mẹ đã dùng Thalidomide trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Ông dần nhận ra dường như loại thuốc trên đã cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi. Bác sỹ người Đức Widukind Lenz cùng lúc cũng công bố kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa Thalidomide với các dị tật ở thai nhi.

Ngoài dị tật giảm chi, các tác dụng khác sau đó được quy cho là do Thalidomide bao gồm bệnh tim bẩm sinh, dị tật ở tai trong và ngoài, khiếm thính, bất thường ở mắt, khiếm thị, hở hàm ếch. Trên thực tế, các thử nghiệm trên động vật đối với thuốc Thalidomide mà Chemie Grunenthal GmbH cũng không bao gồm các thử nghiệm để xem xét tác dụng phụ của thuốc trong thai kỳ.

Chưa dừng lại ở đó, những nạn nhân sống sót cũng mắc các bệnh như bệnh mạch vành, hạn chế cử động khớp, thoái hóa khớp, biến dạng cột sống và khớp xương. Thalidomide cũng được báo cáo là lý do khiến hàng ngàn phụ nữ bị sảy thai vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960.

Từ năm 1958, tháng 11/1961, Chemie Gruenenthal bắt đầu thu hồi Thalidomide ở Đức và hầu hết các nước. Đến năm 1962, loại thuốc này đã biến mất khỏi các kệ bán hàng và trở thành cái tên cấm kỵ trong ngành y tế. Song, ở một số nước có điều kiện chăm sóc sức khỏe không tốt, người dân vẫn tiếp tục sử dụng thalidomide trong một vài năm sau đó. Ở những nơi này, tỉ lệ trẻ sơ sinh bị mắc dị tật tiếp tục được ghi nhận ở mức cao.

Đến lúc này, hậu quả mà Thalidomide để lại là vô cùng khủng khiếp và không thể đảo ngược. Khoảng 8.000 đến 12.000 trường hợp dị tật bẩm sinh, còn được gọi là những “em bé chân chèo”. Những nạn nhân được ghi nhận ở khoảng 50 nước trên thế giới.

  Những em bé bị dị tật do Thalidomide.

Thắt chặt các quy định về thử nghiệm thuốc

Tại Mỹ, tháng 7/1962, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông John F. Kennedy và báo chí nước này bắt đầu ca ngợi anh hùng của họ - nữ thanh tra FDA Frances Kelsey, người đã bất chấp áp lực từ công ty dược phẩm và các giám sát viên của FDA để ngăn chặn việc Thalidomide được phê duyệt ở Mỹ.

Theo lời bà Kelsey, bà ngăn cản việc phê duyệt Thalidomide lưu hành ở Mỹ do cảm thấy hồ sơ về thalidomide không cung cấp đầy đủ và toàn diện những dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của thuốc. Trong đó, nữ thanh tra băn khoăn nhất về việc thiếu dữ liệu cho thấy liệu thuốc có thể truyền qua nhau thai vào thai nhi hay không. Bên cạnh đó, bà Kelsey cũng lo ngại về việc chưa có bất kỳ kết quả nào từ các thử nghiệm lâm sàng do Mỹ tiến hành đối với loại thuốc này.

Kelsey cũng nhận thấy rằng ngay cả khi những dữ liệu thử nghiệm đã được công bố có thể không hoàn toàn đáng tin cậy. Vào thời điểm đó, các thử nghiệm lâm sàng không bắt buộc phải có sự chấp thuận của FDA và cũng không chịu sự giám sát. 

Thảm kịch xung quanh Thalidomide và sự cương quyết của bà Kelsey trong việc từ chối phê duyệt loại thuốc này đã giúp thúc đẩy những thay đổi sâu sắc trong FDA. Bằng cách thông qua Đạo luật dược phẩm sửa đổi Kefauver-Harris năm 1962, các nhà lập pháp Mỹ đã bắt buộc tất cả các loại thuốc phải trải qua thử nghiệm tiền lâm sàng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của chúng.

Luật cũng bao gồm các quy định nhằm thắt chặt quy trình giám sát và phê duyệt thuốc được bán ở Mỹ, trong đó có việc yêu cầu các nhà sản xuất chứng minh rằng các loại thuốc của họ an toàn và hiệu quả trước khi đưa ra thị trường. Cũng theo các quy định được nêu trong luật, quá trính để phê duyệt thuốc có thể mất từ 8 đến 12 năm, bao gồm cả các đến thử nghiệm trên động vật và các thử nghiệm lâm sàng ở người được kiểm soát chặt chẽ.

Đọc thêm