Tham vọng tiên phong về công nghệ lò phản ứng hạt nhân nhỏ của Pháp liệu có thành hiện thực?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh phải đối phó với tình trạng năng lượng, chất đốt tăng giá mạnh, Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa công bố kế hoạch đầu tư có tên nước Pháp 2030 (France 2030) trị giá 30 tỉ euro, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ điện hạt nhân.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố kế hoạch France 2030.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố kế hoạch France 2030.

Giành lại vị thế đã mất

Giới quan sát cho rằng, đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đã làm cho nước Pháp nhận thấy rõ những điểm yếu kém, dễ bị tổn thương cũng như sự lệ thuộc vào nước ngoài về sản xuất của nước này. Điển hình là tình trạng khan hiếm khẩu trang hồi đầu dịch Covid-19, việc chưa thể tự điều chế vaccine ngừa Covid-19...

Do đó, kế hoạch France 2030 vừa được giới chức Pháp công bố đặt ra mục tiêu phát triển khả năng cạnh tranh của nước Pháp về công nghiệp và các công nghệ trong tương lai, thúc đẩy nền kinh tế nước này phát triển, giành lại sự độc lập về sản xuất, “giành lại vị thế của một dân tộc lớn mạnh về sáng chế, phát minh và nghiên cứu” như nước này từng tự hào với tàu cao tốc TGV, máy bay Rafale, máy bay siêu thanh Concorde, lĩnh vực hạt nhân...

Theo giới chức Pháp, tổng ngân sách 30 tỷ euro sẽ được đầu tư vào 10 lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, ngoài công nghệ chế biến thực phẩm, dược phẩm sinh học, thiết bị y tế, chíp bán dẫn, kim loại hiếm, công nghệ số, robot, giải mã gen, lĩnh vực chuyển đổi năng lượng cũng rất được chú ý trong kế hoạch France 2030.

Với khoản đầu tư 8 tỉ euro, nước Pháp đang có tham vọng vươn lên dẫn đầu thế giới về “hydrogen xanh” để thay thế các loại năng lượng hóa thạch, cho phép “phi carbon hóa nền công nghiệp” của nước này, nhất là trong lĩnh vực sản xuất thép, xi măng, hóa chất và giao thông vận tải. 7 tỷ euro cho thiết bị y tế, thực phẩm chức năng và công nghiệp dược phẩm nhằm điều trị ung thư và các bệnh mãn tính, 6 tỷ euro cho linh kiện điện tử và robot, 4 tỷ euro cho giao thông vận tải (ô tô điện hoặc hybride, pin sạch, máy bay carbon thấp), 2 tỷ euro cho nông nghiệp...

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Macron khẳng định phát triển công nghệ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ để sản xuất điện mới là “mục tiêu số 1” của bản kế hoạch. Số tiền mà nước Pháp dự kiến đầu tư cho mục tiêu này là 1 tỉ euro.

Trong bài phát biểu công bố kế hoạch đầu tư France 2030 trước 200 lãnh đạo doanh nghiệp và sinh viên từ Điện Elysee, Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Mục tiêu số 1 là từ nay đến năm 2030 phát triển tại Pháp các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ mang tính đổi mới và cho phép xử lý rác thải hạt nhân dễ hơn. Tại sao chúng ta lại đặt chủ đề này lên trên hết? Bởi việc quan trọng hàng đầu là sản xuất năng lượng”. Ông Macron đề cập đến việc có 200.000 người Pháp làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân, cho phép nước này trở thành quốc gia châu Âu phát thải ít khí CO2 nhất trong sản xuất điện.

Phục vụ trong nước hay chỉ để xuất khẩu?

Theo các thông tin được công bố, các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ mà nước Pháp hướng đến có công suất từ 25 đến 600 MW, trong khi công suất của thế hệ lò phản ứng hạt nhân công suất cao EPR mà công ty điện lực Pháp EDF đang phát triển có công suất tới 1.600 MW.

Nếu EPR phục vụ cho việc sản xuất điện đại trà, quy mô quốc gia thì các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ lại hướng tới đáp ứng nhu cầu ở cấp địa phương. Lò hạt nhân nhỏ có một số lợi thế so với lò quy mô lớn EPR. Đó là chi phí thấp hơn, lắp đặt đơn giản và nhanh chóng hơn. Đồng thời, những lò phản ứng này cũng có nhiều cơ hội để xuất khẩu, góp phần khẳng định sức mạnh công nghệ cho nước Pháp.

Ông Francis Sorin, một chuyên gia của Công ty Năng lượng Hạt nhân Pháp (SFEN) cho biết, các lò phản ứng như vậy có thể được sản xuất từ nhà máy, được lắp đặt các bộ phận chính tại nhà máy rồi được vận chuyển đến các địa điểm.

“Điều này khiến các hoạt động công nghiệp trở nên đơn giản hơn, giảm chi phí sản xuất. Đối với nhiều nơi trên thế giới, như các vùng ven biển nằm cách xa các vùng trung tâm ở chính quốc và cần có điện, có những lò phản ứng hạt nhân như vậy là cực kỳ quý giá. Các lò phản ứng hạt nhân nhỏ không chỉ dành để sản xuất điện mà còn có thể dùng để khử mặn nước biển, sản xuất hydrogen, cung cấp nhiệt cho các hệ thống sưởi”, ông Sorin phân tích.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, khi các nhà máy nhiệt điện than ngưng hoạt động nữa, việc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nhỏ công suất 100MW hoặc 200 MW để bù đắp cho các nhà máy nhiệt điện than có thể là điều sáng suốt, đúng đắn. Còn ông Philippe Stohr, Giám đốc năng lượng của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp CEA, khẳng định, về lâu dài, Pháp có thể sử dụng các lò phản ứng hạt nhân nhỏ để sản xuất hydrogen, sản xuất nhiệt phục vụ công nghiệp, thậm chí là sản xuất nhiên liệu tổng hợp phục vụ cho các ngành như chế tạo máy bay...

Trận chiến địa chính trị?

Trong khi đó, ông Nicolas Goldberg, nhà tư vấn năng lượng của hãng tư vấn Colombus Consulting, cho rằng, các lò phản ứng hạt nhân nhỏ mà Pháp đang đặt ưu tiên xây dựng sẽ không được sử dụng để phi carbon toàn bộ nền kinh tế Pháp mà đây là một phương tiện để Pháp chứng minh rằng họ đang đầu tư vào công nghệ hạt nhân tương lai.

“Nước Pháp đang tham gia vào một trận chiến địa chính trị về lĩnh vực này. Thực ra, nước Pháp vốn là một trong những quốc gia phát triển về điện hạt nhân trên thế giới nhưng lại đang chậm chân hơn nhiều nước như Nga, Mỹ, Canada trong cuộc đua lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ”, vị này nhận định.

Dù có tham vọng đến năm 2030 sẽ đi tiên phong về công nghệ lò phản ứng hạt nhân nhỏ và trở thành quốc gia xuất khẩu lò phản ứng điện hạt nhân nhỏ ra thế giới, nhưng trên thực tế, hiện nay, Pháp mới chỉ có một dự án đang được phát triển, là dự án Nuward (Hạt nhân tiến bước).

Đây là dự án do Công ty Điện lực Pháp EDF phối hợp với các đối tác khác như Tập đoàn Công nghiệp Naval Group, công ty kỹ thuật nguyên tử TechnicAtome, Ủy ban năng lượng hạt nhân CEA thực hiện. Giới chức Pháp đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sản xuất được ngay trên lãnh thổ Pháp một mô hình lò phản ứng SMR để sau đó phục vụ cho công tác xuất khẩu.

Tuy nhiên, kế hoạch của giới chức Pháp cũng đang vấp phải những ý kiến trái chiều. Theo một số tổ chức hoạt động vì môi trường, sớm nhất cũng phải đến năm 2035, thế hệ lò phản ứng hạt nhân nhỏ của nước này mới sẵn sàng đi vào hoạt động. Như vậy là quá muộn để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng những lò phản ứng này cũng không mang lại nhiều hiệu quả thực thụ trong xử lý rác thải có chứa chất phóng xạ.

Đọc thêm