Thần thoại Hy Lạp - (Phần 7): Nữ thần săn bắn Artemis

(PLVN) - Trong thần thoại Hy Lạp , nữ thần Artemis là một trong 12 vị thần giữ vai trò quan trọng trên đỉnh Olympus. Artemis là con của thần Zues tối cao với nữ thần Leto thuộc dòng dõi Titan, đồng thời Artemis là người em sinh đôi với thần Apollo. Nàng cũng là trinh nữ của Olympus. Hầu hết những câu chuyện về Artemis đều xoay quanh những chiến công và sự trừng phạt mà nàng dành cho những người phàm tội lỗi.
Thần thoại Hy Lạp - (Phần 7): Nữ thần săn bắn Artemis

Truyền thuyết về nữ thần Artemis

Nữ thần Artemis có biểu tượng là vầng trăng khuyết và cây nguyệt quế, xuất hiện dưới hình ảnh một trinh nữ xinh đẹp mặc áo đi săn, mang cung bạc và đeo ống tên vàng. Nàng có một tấm thân thuần khiết, trong trắng vì nàng không bao giờ yêu…

Sự lạnh lùng của nàng lại là mối nguy hiểm. Nàng bắn cung rất giỏi và là vị thần săn bắn, cứ mỗi đêm Artemis lại vào rừng săn bắn, luôn có một bầy các tiên nữ đi theo nàng và họ chẳng bao giờ trở về tay không. Trái với Apollo, mũi tên của Artemis thường đôi khi trúng vào các thợ săn, và khi phát hiện ra ai đó chết với 1 mũi tên ghim thẳng vào lưng, người ta nói ngay đó là Artemis.

Chiến công lớn nhất của Artermis là việc trừng trị tên khổng lồ Tityos, kẻ đã can tội truy đuổi nữ thần Leto – mẹ của 2 vị thần Apollo và Artermis, với mưu đồ ám muội. Tên khổng lồ này vốn là con của Zeus và Elara, con gái của nhà vua xứ Orchomene. Thần Zeus lần này để tránh con mắt soi mói của Hera đã đưa người con gái đó vào tận trong lòng đất đen sâu thẳm để ẩn nấp. Tityos vì thế ra đời trong lòng đất đen sâu thẳm.

Tuy nhiên không hiểu sao mà nữ thần Hera vẫn phát hiện. Cơn ghen tuông của Hera biến thành một trận sấm sét đùng đùng, giận dữ giáng xuống đứa con trong cuộc ngoại tình của Zeus. Nhưng trong khi Hera vừa mới truy đuổi Tityos thì lại được tin Leto sắp sinh con với thần Zeus. Hera liền sai anh chàng khổng lồ Tityos truy đuổi Leto và Tityos thừa hành nhiệm vụ đó với tất cả sự mẫn cán của một anh chàng vừa được hưởng sự khoan hồng của Hera.

Thần Apollo và Artemis đã trừng trị tên khổng lồ bạo ngược đó. Những mũi tên vàng của hai anh em đã rửa được mối oán hờn mà mẹ họ phải chịu đựng trước khi sinh họ. Cũng có truyền thuyết kể lại, không phải anh em Artemis giết chết Tityos mà là thần Zeus giáng sét thiêu chết Tityos. Tityos chết, các vị thần ném xác hắn xuống địa ngục Tartare. Xác của Tityos nằm che kín chín mẫu đất, hai con đại bàng ngày ngày đến mổ bụng ăn bộ gan khổng lồ của hắn.

Nữ thần Artemis có biểu tượng là vầng trăng khuyết và cây nguyệt quế
 Nữ thần Artemis có biểu tượng là vầng trăng khuyết và cây nguyệt quế
Ngoài ra, Artemis còn cùng với Apollo trừng phạt nàng Niobe về tội ngạo mạn, đã khinh thường xúc phạm đến nữ thần Leto. Có lẽ từ cổ chí kim chưa từng có một cuộc trừng phạt nào quá ư khắc nghiệt, tàn nhẫn như cuộc trừng phạt này, đây là một cuộc tàn sát khủng khiếp. 

Niobe là con gái của Tantale. Nàng lấy Amphion vua thành Thebes và sinh được 7 người con trai và 7 người con gái vô cùng xinh đẹp. Chính vì vậy mà bà trở nên kiêu ngạo hơn bao giờ hết.

Trong các vị thần hai anh em thần Apollo và Artemis là đẹp nhất. Một lần những thần dân đi tế lễ cho thần Leto, hoàng hậu Niobe đã nói: "Sao các ngươi không đem những vật tế lễ đó dâng lên người mẹ tuyệt vời đã sinh ra những đứa con đẹp nhất là ta". 

Sự xúc phạm này khến Leto tức giận ngay lúc đó, sự trừng phạt của thần Apollo đã giáng lên 7 người con trai của Niobe. Chỉ phút chốc 7 chàng trai cường tráng, những thanh niên ưu tú của thành Thebes vinh quang đã bị chết một cách thảm thương mà không ai biết được địch thủ. Song, tất cả mọi người đều hiểu ngay những cái chết bất ngờ đều là hình phạt mà nữ thần Leto giáng xuống Niobe bởi những mũi tên trăm phát trăm trúng của thần Apollo.

Chưa dừng tại đó, tin dữ bay về cung điện nơi Niobe đang ở. Bây giờ đến lượt nữ thần Artemis ra tay, những mũi tên không biết từ đâu lại bay xuống tước đi mạng sống của 7 người con gái còn lại của Niobe. Đến lúc này thì Niobe không còn sức khóc than được nữa. Amphion, chồng nàng, trước nỗi đau đớn quá lớn như vậy đã tự sát, chết bên những đứa con. Niobe càng thêm đau khổ, xác chết của chồng và con bị bỏ mặc suốt chín ngày trời, đến ngày thứ mười, các vị thần mới nguôi giận, cho làm lễ mai táng. 

Còn nàng Niobe vô cùng đau khổ khóc hết nước mắt rồi sau đó biến thành đá. Một cơn gió lốc đưa nàng về đỉnh núi Sipyle, ở đây Niobe với khuôn mặt sững sờ, ngây dại đã biến thành đá nhưng không bao giờ cạn dòng nước mắt đau thương, những dòng nước mắt tuôn trào như những con suối bạc từ sườn núi cao đổ xuống.

Nguồn gốc chòm sao Orion

Artemis là nữ thần trong trắng và tươi trẻ nhất vùng đất Olympus. Trong một lần đi săn, nàng tình cờ gặp gỡ và quen biết Orion, con trai của thần đại dương Poseidon và 1 người con gái trần gian. Vốn say mê cung thuật, nữ thần nhanh chóng cảm kích trước tài năng săn bắn của Orion và vẻ ngoài cường tráng của chàng nên chẳng bao lâu sau, tình yêu đã nảy nở giữa hai người. 

Chuyện đến tai thần Apollo, anh trai của Artemis. Vừa trải qua một cuộc tình đau khổ với tiên nữ Daphne và để bảo vệ cho sự trong trắng vĩnh hằng của nữ thần, thần kiên quyết phản đối lời cầu hôn của Orion dành cho Artemis. 

Apollo thách nữ thần bắn trúng một vật trôi nổi trên biển. Không do dự, Artemis liền giương cung lên và bắn những mũi tên tuyệt đích. Nhưng oái oăm thay, vật mà nữ thần bắn trúng chính là cái đầu của Orion. Thần Zeus sau đó đã biến Orion thành 1 chòm sao trên bầu trời.

Cũng có truyền thuyết cho rằng, thần Apollo đã sai con Bọ Cạp xuống biển lùng giết Orion. Artemis thấy được, đã bắn chết con Bọ Cạp, nhưng Orion trúng độc quá nặng đã qua đời. Hối hận, Apollo đã biến chàng thành 1 chòm sao trên bầu trời và biến con Bọ Cạp thành chòm sao Thiên Hạt. Từ đó hễ chòm sao Thiên Hạt xuất hiện thì chòm sao Orion lại mờ dần.

Bọ cạp là con vật liên quan đến chuyện tình buồn của nữ thần Artemis
Bọ cạp là con vật liên quan đến chuyện tình buồn của nữ thần Artemis 

Cho đến nay, đền Artemis là một trong những kì quan kiến trúc của thế giới cổ đại (thật trùng hợp là trong số đó có cả ngôi đền người anh Apollo ở Bassae). Người Ephesus rất tôn sùng nữ thần Artemis. Lúc đầu, người ta chỉ xây ở đây một đền thần rất nhỏ, đặt tượng thần trong một thân cây rỗng. Nhưng cùng với sự hưng thịnh từng ngày của Ephesus, vào khoảng năm 550 TCN, người ta đã xây dựng lại ngôi đền nguy nga tráng lệ này với sự giúp đỡ tài chính của Croesus, một vị vua nổi tiếng giàu có thuộc vương quốc Lydia lân cận.

Những nhà khai thác thuộc địa Ai Cập đầu tiên ở Ephesus đã xây dựng ngôi đền Artemis (Người La Mã còn gọi là Diana). Đền thờ nữ thần Artemis không những là một trong số những ngôi đền đồ sộ nhất, mà còn là một trong những công trình được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch lâu đời nhất.

Tuy nhiên, vào năm 356 TCN (chính là năm mà Alexander Đại Đế chào đời), công trình kiến trúc nguy nga này đã bị một kẻ điên cuồng phóng hỏa thiêu hủy. Trong vòng vài thập niên sau, người ta dựng lại ngôi đền mới, theo hình dáng của ngôi đền ban đầu. Ngôi đền mới trùng tu vẫn còn tồn tại dưới thời kỳ La Mã, khi ấy người La Mã đã ngạc nhiên trước kích thước và việc xây dựng ngôi đền. Đặc biệt là vị trí cửa sổ ở giữa tạo ra một khoang hở giúp những người viếng đền có thể nhìn thấy vị nữ thần Artemis trên nơi thờ.

Đọc thêm