Sinh ra từ...“đùi” Zeus
Dionysus là một nhân vật chính, nổi tiếng của thần thoại và tôn giáo Hy Lạp, ngày càng trở nên quan trọng theo thời gian. Ông được đưa vào danh sách của 12 vị thần quan trên đỉnh Olympus, là người cuối cùng trong số họ và là vị thần duy nhất sinh ra từ một người mẹ trần thế.
Truyền thuyết Hy Lạp kể lại, vị thần Dionysus được sinh ra trong hoàn cảnh éo le và chưa đủ ngày đủ tháng. Thần Zeus đã phải rạch đùi của mình và đặt đứa bé vào rồi khâu lại, sau đó tiếp tục nuôi cho đủ tháng rồi mới cho Dionysus ra đời. Trước đó, thần Zeus đẻ Athena – vị thần trí tuệ bằng “đầu” và lần này Zeus đẻ Dionysus bằng “đùi”.
Dionysus là con của thần Zeus với một thiếu nữ người phàm tên là Semele. Thần Zeus vốn nổi tiếng đào hoa, hay có rất nhiều con riêng với nhiều nữ thần khác hoặc người phàm, điều đó làm cho vợ của ông - Nữ thần Hera luôn phải đề phòng và ghen tuông. Và dĩ nhiên, cơn ghen của nữ thần Hera không phải là dạng cho qua nhẹ nhàng, bà thường tìm cách hành hạ hoặc bí mật đày đoạ những tình nhân ngoài của Zeus.
Để tránh sự theo dõi của Nữ thần Hera, Zeus thường biến hình biến dạng thành một chàng trai, một người trần thế, xuống ân ái, tình tứ với Semele. Nhưng đó chỉ là sự che giấu tung tích đối với Hera. Còn đối với Semele thì Zeus chẳng những không hề giấu kín tung tích mà còn khoe khoang địa vị và quyền lực của mình.
Biết chuyện Zeus có con với Semele, bà nổi cơn ghen tuông và tìm cách để trừng phạt cô mà không để Zeus phát hiện. Bà đã bí mật báo mộng cho Semele rằng Zeus không yêu cô thật lòng, nếu muốn chứng minh Zeus thật lòng, hãy yêu cầu Zeus hiện hình với hình dáng uy quyền của mình. Semele giật mình tỉnh dậy và tin lời.
Ngày cô gặp Zeus cũng là ngày cô đang gần ngày sinh nở Dionysus, cô đã đề nghị Zeus hãy xuất hiện với hình dáng uy quyền, vô địch của mình. Zeus một mực chối từ và cảnh báo cho Semele biết đó là một ước muốn điên rồ và vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, Zeus đã hứa và thề nguyện cam kết thực hiện mọi điều ước của Semele trước sự chứng giám của nước sông Styx nên Zeus càng không thể thất hứa.
Và rồi, ông đã thực hiện lời hứa của mình, ông đã xuất hiện dưới hình dáng uy quyền của một vị thần, vì là thần sấm sét nên khi ông xuất hiện, sấm chớp đánh vang trời, ánh sáng chói loà và sấm sét đã làm cho Semele chịu không nổi, ngã xuống đất và qua đời. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời của Semele được thấy rõ quyền uy và sức mạnh của Zeus – sức mạnh của một vị thần tối cao.
Sấm sét của Zeus làm rung chuyển cả cung điện của vua Cadmos – người đã xây dựng lên thành Thebes. Lửa bốc cháy tràn lan làm sụp đổ nhiều lâu đài, dinh thự. Nàng Semele đã chết vào lúc đang có mang Dionysus.
Zeus lập tức lấy đứa con trong bụng mẹ ra trước khi lửa thiêu cháy thi thể Semele. Đứa bé sinh non nên rất yếu, vì thế Zeus đã rạch đùi của mình và đặt đứa bé vào nuôi tiếp cho đủ tháng. Một đứa trẻ được sinh bởi một vị thần và một người phàm sẽ trở thành 1 bán thần, nhưng vì được sinh lại từ đùi của Zeus nên Dionysus khi sinh ra lại trở thành một vị thần hoàn toàn, do ông được truyền máu của Zeus.
Đứa bé được sinh ra, nhưng lo sợ cơn ghen của Hera sẽ giáng xuống đứa trẻ nên Zeus đã đưa Dionysus trốn đến đảo Xyphanh và nhờ các nàng tiên ở đây chăm sóc. Dionysus trưởng thành và bắt đầu khám phá mọi thứ tại đây.
Nguồn gốc của rượu nho
Một ngày nọ, các tiên nữ đi hái nho về, cho tất cả vào chậu lớn. Dionysus trong lúc với tay lên lấy đồ ở trên giá, chàng vô tình giẫm vào chậu nho và làm nát khá nhiều nho. Chàng không biết nên làm thế nào, liền để lại trong hang rồi ra về. Vài ngày sau, chàng quay trở lại thì thấy có một mùi rất thơm toả ra từ chậu nho bị giẫm nát hôm trước. Khi uống nước nho vào thì có cảm giác sảng khoái và nước cũng rất ngon. Dionysus rất thích thứ nước đó và đặt tên nó là rượu nho. Chàng quyết định sẽ làm cho cả thế giới phải tôn vinh nó.
Dionysus đi khắp nơi, đi đến đâu, ngôi làng nào ông cũng đều chỉ dạy cho người dân nơi đó cách làm rượu nho. Dần dần, rượu nho được sử dụng cho các bữa tiệc, mọi tầng lớp giai cấp đều yêu thích loại rượu này. Đến cả các vị thần cũng đã chú ý đến rượu nho và tài năng của Dionysus được công nhận, Zeus đón ông lên đỉnh Olympus cùng hàng ngũ các vị thần, ông cũng được xếp cho một ghế trong Hội đồng 12 vị thần trên đỉnh Olympus, nữ thần Hestia đã nhường ghế cho ông.
Ông được biết đến như vị thần của rượu nho, người bảo hộ của các bữa tiệc, sự vui vẻ, hân hoan và sung túc. Ông thẳng tay trừng phạt những kẻ lợi dụng rượu để say xỉn, phá hoại, đánh đập người thân, vì rượu nho là để mang đến sự vui vẻ, không phải say xỉn để phá hoại và gây sự.
Từ đó Dionysus là thần rượu nho của Hy Lạp cổ đại. Thần dạy loài người cách trồng nho và cất rượu, đem lại cho loài người sức mạnh và niềm vui sảng khoái. Thần là người truyền cảm hứng để tạo ra các nghi lễ cuồng loạn, các tục thờ cúng, carnivals và các lễ kỷ niệm. Trong số 12 vị thần trên đỉnh Olympia thì Dionysus là người có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống tinh thần của người Hy Lạp cổ đại.
Ông là một vị thần vui tính Dionysus thích đi chu du đây đó. Thần đội chiếc vành kết bằng dây nho trên đầu, trong tay cầm một cây gậy có núm bằng quả thông và quấn dây trường xuân xung quanh. Theo sau Thần là các nữ thần sơn thủy và các vị thần đồng quê vừa đi vừa uống rượu nho và múa hát vui vẻ.
Theo một trong số các truyền thuyết, vua Thracian Rhesus và thần Dionysus cùng yêu một người đẹp. Sự ghen tuông và đam mê mãnh liệt của hai người đàn ông đã dẫn đến cái chết của cô gái, cô biến thành một cây nho. Sau một thời gian, cây nho đã ra quả với những quả nho ngon độc đáo từ đó họ làm ra rượu vang.
Ngoài ra, Dionysus còn có vị thần đỡ đầu cho nông nghiệp và nhạc kịch. Dionysus được xem là một Liberator, vị thần giải phóng con người khỏi sự tẻ nhạt trong cuộc sống để hòa mình vào sự cuồng loạn với rượu và chất kích thích. Ông còn là người có khả năng giúp cho người trần thế có thể trò chuyện với linh hồn của người chết. Dionysus đã cứu thoát Ariadne sau khi nàng bị Theseus bỏ rơi. Ông cũng đã cứu mẹ mình từ địa phủ, sau khi thần Zeus cho ông biết sự thật thần chính là vị thần Bão tố và đã dùng tia chớp tiêu diệt bà.
Dionysus chính là người đã cho Midas khả năng biến mọi thứ ông ta chạm vào trở thành vàng, nhưng sau đó chính thần cũng đã lấy lại khả năng này khi chứng minh cho Midas thấy nó không phải là một điều ước khôn ngoan vì bất cứ cái gì Midas chạm vào đều biến thành vàng, kể cả thức ăn.