Thắng lớn với xuất khẩu phân bón

Năm 2012 là năm Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan từ xuất khẩu phân bón, bên cạnh nỗ lực ổn định nguồn phân bón cho nông nghiệp trong nước. Cũng bắt đầu từ năm nay, Việt Nam dần dần chấm dứt thời kỳ là nước nhập khẩu phân bón với số lượng lớn.

Năm 2012 là năm Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan từ xuất khẩu phân bón, bên cạnh nỗ lực ổn định nguồn phân bón cho nông nghiệp trong nước. Cũng bắt đầu từ năm nay, Việt Nam dần dần chấm dứt thời kỳ là nước nhập khẩu phân bón với số lượng lớn.  

Hình minh họa

Tăng xuất, giảm nhập

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) dự báo, năm 2013 cả nước cần khoảng 10,3 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó chúng ta chỉ phải nhập khẩu gần 2,5 triệu tấn, giảm khoảng 1,5 triệu tấn so với năm 2012 do nguồn phân bón sản xuất trong nước tăng.  

Cụ thể, theo tính toán của Bộ NN&PTNT, trong số gần 2,5 triệu phân bón nhập khẩu, có 850.000 tấn SA, 570.000 tấn DAP và 950.000 tấn kali và 100.000 tấn NPK. Riêng phân ure, chúng ta không nhập vì nguồn cung trong nước đáp đã ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, thậm chí còn đang hướng đến xuất khẩu. Theo thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan, tính đến hết 11 tháng năm 2012, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,182 triệu tấn phân bón các loại, bằng 127% so với cùng kỳ năm 2011. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là phân urê và NPK.

Với nhu cầu phân đạm cả nước chỉ khoảng 2 triệu tấn/năm trong khi năng lực sản xuất phân urê của các nhà máy trong nước sẽ ở ngưỡng 2,6 triệu tấn vào năm nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng và thị trường quốc tế là yêu cầu bắt buộc với mỗi DN. Hiện Nhà máy đạm Phú Mỹ và Nhà máy đạm Cà Mau đang đề nghị Bộ Công Thương sang năm 2013 được xuất khẩu từ 60.000- 80.000 tấn urê (hiện được xuất khẩu 50.000 tấn). Đây là hướng đi hợp lý để các DN sớm tiếp cận thị trường, chuẩn bị cho các năm tới, khi sản xuất urê trong nước cung đã vượt cầu, các nhà máy hoạt động ổn định.

Dự kiến khoảng hơn 2 năm nữa, khi nhà máy khai thác muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đi vào hoạt động, nước ta sẽ không phải nhập khẩu kali nữa.

Với DAP, khoảng 3 năm nữa khi nhà máy DAP số 2 công suất 330.000 tấn/năm tại Lào Cai hoàn thành, sẽ đủ cung cấp hoàn toàn DAP trong nước.

Với phân SA, hiện Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng đang triển khai dự án dây chuyền sản xuất SA 100.000 tấn/năm.

Tất cả sẽ giúp nước ta dần chấm dứt giai đoạn nhập khẩu phân bón, hướng tới chủ động và xuất khẩu phân bón với số lượng lớn.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, lượng phân bón nhập khẩu giảm mạnh là do sản xuất trong nước đang ngày càng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của loại phân bón quan trọng. Ví dụ như phân urê, sản lượng năm 2012 đã dư so với nhu cầu khoảng 1,8 triệu tấn/năm.

Phân NPK, sản xuất trong nước hiện khoảng trên 4 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu trên 3 triệu tấn... Ngoài ra, việc xuất khẩu phân bón không còn phải chờ cấp phép như trước kia. Và xuất khẩu phân bón tăng cũng cho thấy chất lượng phân bón sản xuất trong nước đã được nâng cao.

Ông Lê Quốc Phong - Tổng giám đốc Cty CP Phân bón Bình Điền - cho biết, sản lượng phân NPK của Cty năm nay là 700.000 tấn. Lượng NPK này sau khi đủ và dư thừa để cung cấp cho thị trường trong nước nên công ty đã hướng tới xuất khẩu từ mấy năm qua.

Năm nay, lượng phân bón xuất khẩu của công ty đạt cao nhất với số lượng 100.000 tấn NPK, chủ yếu sang thị trường Campuchia. Ông Phong cũng cho biết, sang năm 2013, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu 130.000 tấn và sẽ mở rộng thêm thị trường sang Myanmar.

Muốn xuất khẩu, phải có thương hiệu

Đó là kinh nghiệm “nằm lòng” của các DN xuất khẩu phân bón hiện nay. Ông Phong phân tích, xuất khẩu phân bón ở nước ta đang theo 2 loại, có thương hiệu và không có thương hiệu, còn gọi là "hàng xá". Xuất khẩu phân bón theo dạng thương hiệu mới có một số DN thực hiện, chủ yếu xuất sang các thị trường gần như Lào, Campuchia, Nhật Bản...

Với phân bón thương hiệu, có được giá bán tốt hơn, lợi nhuận cao hơn và quan trọng nhất là sẽ giữ được thị trường ổn định, lâu dài. Còn với phân bón không thương hiệu, "hàng xá", chủ yếu xuất sang các thị trường như Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, châu Phi... khi các nhà nhập khẩu thấy giá của Việt Nam rẻ hơn nước khác thì mua về đóng bao bì rồi tung ra thị trường dưới thương hiệu của họ. “Như vậy thì mình chỉ là người “gia công” cho họ với giá rẻ mà thôi” - ông Phong cho biết.  

Cũng chính thương hiệu mạnh đã giúp cho Cty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao có được thị phần tại một thị trường khó tính như Nhật Bản. Ông Nguyễn Duy Khuyến - Tổng Giám đốc Cty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao - phấn khởi cho biết: Trong tháng 12/2012, Cty đã xuất những lô supe lân đầu tiên sang thị trường Nhật.

Đây là một đất nước với nền nông nghiệp tiên tiến, đòi hỏi nguồn phân bón chất lượng cao và ổn định nên phân bón xuất được sang đây đòi hỏi rất khắt khe. Trong chuyến đi cuối tháng 12, đích thân Tổng Giám đốc Cty đã có chuyến khảo sát và giới thiệu, trình diễn mô hình bón phân Lâm Thao tại Nhật Bản.

Tổng giám đốc Nguyễn Duy Khuyến cho biết, trước đó, phía Nhật Bản cũng đã cử nhiều đoàn sang tận Cty để giám sát quá trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Supe Lâm Thao cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu được phân bón supe lân mang thương hiệu của chính Cty sang Nhật. Điều này chứng tỏ uy tín của thương hiệu chính là sức nặng quyết định việc xuất khẩu phân bón này.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm xuất khẩu, Tổng Giám đốc TCty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) Cao Hoài Dương nói: Nắm bắt được xu hướng dư thừa đạm urê, ngay từ năm 2010, PVFCCo đã tập trung vào công tác nghiên cứu, chuẩn bị thị trường.

Cùng với việc cân đối để đảm bảo nhu cầu phân bón ở thị trường trong nước, PVFCCo đã bắt đầu hình thành hệ thống phân phối đạm Phú Mỹ tại một số nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar. Tại Campuchia, PVFCCo đã thành lập chi nhánh để tiến hành các hoạt động kinh doanh phân bón và chuẩn bị thị trường cho công tác xuất khẩu sau này.

Bên cạnh đó, năm 2011, PVFCCo đã ký kết biên bản ghi nhớ đặt quan hệ đối tác với những Cty thương mại phân bón quốc tế lớn như Mitsubishi, Sojitz và Transammonia về việc xuất khẩu phân đạm ngay khi nhu cầu trong nước đã được cung ứng đầy đủ…

Lê Anh

Đọc thêm