Từ cam kết đến hành động
Năm 2007, thành phố Aspen đã thông qua Kế hoạch hành động vì khí hậu. Theo đó, chính quyền cam kết sẽ chuyển đổi nguồn cung cấp điện năng trong thành phố thành 100% năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, thuỷ điện, và trong một số trường hợp là khí bãi rác. Một lợi thế sẵn có của Aspen là thành phố này đã bắt đầu sử dụng thuỷ điện từ năm 1885.
Tư duy chiến lược tiến bộ và sự ủng hộ của cộng đồng đã giúp Aspen đạt được mục tiêu 100% điện năng sử dụng đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2015. Thành phố này tiếp tục đặt mục tiêu giảm tổng lượng khí thải các-bon xuống 30% vào năm 2020.
Tuy vậy, khi nhìn lại, câu chuyện trở thành thành phố không năng lượng không hề “bằng phẳng”. Năm 2007, nguyên Thị trưởng thành phố - Steve Skadron đã từng phát biểu: “Cho dù đó là Tesla, Google, Ford Motor, Toyota, Apple hay Prada, Gucci, Channel, chúng ta cùng chia sẻ một sứ mệnh bảo vệ môi trường. Tuy nhiên chúng tôi không yêu cầu mọi người phải bán xe của mình hay chuyển sang ăn chay, mà ủng hộ những giải pháp dựa trên tự nhiên để phát triển nền kinh tế bền vững”.
Mặc dù chủ trương là đúng đắn, thực tế thực hiện lại vướng phải bất cập. Đề xuất này đã tạo điều kiện cho việc đầu tư một số công trình “xám” như tuabin và máy phát điện trên các khu rừng, dòng chảy để khai thác năng lượng từ thiên nhiên. Tất nhiên điều này đã được các cử tri ở Aspen đồng thuận. Động thái này vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều người dân bởi sẽ để lại “dấu vết bê-tông” lên môi trường tự nhiên. Sau nhiều năm phản đối, năm 2012, chính quyền Aspen đã nhận ra hướng đi sai lệch của mình và phải “đảo ngược” toàn bộ tiến trình, cũng như bác bỏ kế hoạch nêu trên.
Aspen là thành phố thứ 3 đạt 100% điện năng tái tạo |
Điều này dẫn đến một vấn đề khác, đó là mức năng lượng tái tạo được sản xuất tại địa phương không thể cung cấp phụ tải điện cơ bản đáng tin cậy và bền vững cho toàn bộ các hoạt động của thành phố. Nói đơn giản, phụ tải điện cơ bản là tổng công suất tiêu thụ của các thiết bị điện trong một thời điểm nhất định, ví dụ như năng lượng cần có khi người dùng bật máy tính, đèn chiếu sáng, tủ lạnh… Trước đây, năng lượng từ đốt than là nguồn cung cấp chủ yếu cho phụ tải điện cơ bản ở Aspen.
Để tiếp tục theo đuổi mục tiêu thành phố không năng lượng, Aspen đã lựa chọn phương án mua bổ sung điện năng tái tạo từ các khu vực và tiểu bang khác, với điều kiện tiên quyết là nguồn năng lượng tái tạo.
Sau khi “gạn đục lấy trong” một loạt các nguồn cung năng lượng tái tạo phi địa phương không đáng tin cậy, Công ty điện lực Aspen đã ký hợp đồng mua phần lớn điện năng từ Cơ quan Năng lượng Thành phố Nebraska (MEAN) – một tổ chức phi lợi nhuận về cung cấp điện được thành lập vào năm 1981. MEAN đồng thời cũng cung cấp điện cho trên 90 thành phố ở bốn bang: Colorado, Iowa, Nebraska và Wyoming.
Mặt khác, thành phố cũng giới thiệu “Building IQ” – một giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng và nước dựa trên việc đưa ra một hệ thống “điểm chuẩn”. Nói nôm na, các kỹ thuật viên sẽ theo dõi việc sử dụng năng lượng và nước của một toà nhà trong một khoảng thời gian nhất định và so sánh với các toà nhà cùng loại. Quá trình này cung cấp thông tin cho thành phố nắm được thói quen và mức độ sự dủng năng lượng trong lĩnh vực xây dựng nói riêng và người tiêu dùng nói chung, từ đó đưa ra các khuyến cáo các chủ toà nhà, chủ nhà có thể áp dụng để tối ưu năng lượng và nước sử dụng trong các hoạt động sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh.
Bài học cho Việt Nam
Sau rất nhiều nỗ lực, năm 2015, Aspen trở thành đô thị thứ ba trên toàn đất Mỹ duy trì được cơ cấu 100% điện năng tái tạo và giữ một mức giá điện ổn định cho người dân. Ngày nay, 46% điện năng trong thành phố là thuỷ điện, chủ yếu đến từ đập Ruedi và nhà máy thủy điện Maroon Creek. 53% là điện gió, theo đó chính quyền địa phương có kế hoạch mua thêm điện gió trong tương lai. Có 1% còn lại đến từ khí bãi rác, chủ yếu để sưởi ấm các ngôi nhà trong mùa tuyết phủ.
Nguồn năng lượng mặt trời mặc dù chưa chiếm tỉ trọng cao nhưng đang góp phần giúp thành phố sưởi nóng các nguồn nước sinh hoạt, điển hình có thể kể tới dự án Solar Voltaic. Năng lượng từ việc đốt nhiên liệu hoá thạch được sử dụng chủ yếu với mục đích dự trữ hoặc khi không còn bất kỳ giải pháp thay thế nào khác.
Theo website chính thức của thành phố Aspen, để đạt được mục tiêu đã đề ra, chính quyền thành phố Aspen đã luôn xác định mũi nhọn là các chiến lược tập hợp toàn bộ các nguồn lực cần thiết để xây dựng và phát triển các nguồn cung cấp năng lượng tái tạo bền vững. Điều này yêu cầu họ phải làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp điện uy tín, sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào công nghệ mới, đi kèm với sự kiên trì kêu gọi cộng đồng tham gia, cùng chung tay nâng cao chất lượng cuộc sống và nền kinh tế địa phương.
Kể từ khi Aspen đặt mục tiêu thành phố không năng lượng, đến nay đã gần 2 thập kỷ, chính quyền thành phố đã luôn nhấn mạnh: quan trọng hơn hết, chính sự kiên trì đã làm nên thành công của họ. Mục tiêu của thành phố này không chỉ dừng ở 100% năng lượng tái tạo mà còn phải là 100% năng lượng sạch và bền vững, cam kết hướng tới một thành phố không các-bon trong nhiều thập kỉ tiếp theo.
|
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có tiềm năng đặc biệt lớn ở việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Tuy nhiên trong đó, thủy điện được tập trung phát triển gần như tối đa ở nước ta, chiếm tới hơn 40% tổng công suất điện quốc gia (số liệu tính đến cuối năm 2018). Đáng nói, vào tháng 10/2018, có khoảng 474 dự án thủy điện đã bị loại bỏ vì những những tác động tiêu cực của những dự án này tới môi trường và xã hội vượt xa những lợi ích có thể mang lại về mặt kiểm soát lũ lụt, thủy lợi và sản xuất điện.
Mặt khác, tính đến cuối tháng 06/2019, đã 82 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464 MW, đã được đóng lưới thành công bởi Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia A0. Điện gió đang có một mùa khởi sắc năm 2019, mặc dù không phát triển ngoạn mục như điện mặt trời. Tính đến hết ngày 31/05/2019, 7 nhà máy điện gió đã được vận hành với tổng công suất là 331 MW, công suất này vẫn còn nhỏ so với các thị trường phát triển khác.
Thực tế cho thấy, điện tái tạo dù được đánh giá là một thị trường tiềm năng ở nước ta song nhiều thách thức nổi cộm liên quan đến các hợp đồng đồng mua bán điện, kinh nghiệm của các nhà đầu tư, vấn đề hạ tầng cũng như việc gắn kết giữa các bên liên quan là những yếu tố cản trở ngành này bứt phá tại Việt Nam. Thiết nghĩ, nếu muốn có những thành phố không năng lượng, không các-bon và một nền kinh tế vì khí hậu, bài toán năng lượng tái tạo sẽ cần được giải quyết trước tiên.