Thanh tra Chính phủ đề xuất thẩm quyền thanh tra lại

(PLVN) - Thanh tra Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra. Trong đó, quy định thẩm quyền thanh tra lại của Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra tỉnh sau khi đã có kết luận thanh tra nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa.

Sự cần thiết xây dựng Nghị định

Thanh tra Chính phủ cho biết, Luật Thanh tra 2022 được ban hành với nhiều quy định mới được bổ sung so với Luật Thanh tra 2010 như: về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thanh tra sở; về hoạt động thanh tra, Luật quy định các bước tiến hành cuộc thanh tra gồm chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra; quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra; về ban hành kết luận thanh tra, trong đó đã có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước…

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra đã giao Chính phủ quy định chi tiết các chương, điều, khoản, bao gồm: Điều 38 về Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Điều 56 về thanh tra lại; Điều 60 về Đoàn thanh tra; Điều 79 về công khai kết luận thanh tra; Điều 87 về trưng cầu giám định; Điều 90 về yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; Điều 91 về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; khoản 4 Điều 96 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra; Điều 105 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; khoản 3 Điều 106 về xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra...

Do vậy, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra là hết sức cần thiết.

Căn cứ, thẩm quyền thanh tra lại

Trong dự thảo, một nội dung đáng lưu ý là quy định về căn cứ, thẩm quyền thanh tra lại của Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra tỉnh. Theo đó, thanh tra lại sẽ được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau: có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra bao gồm không ban hành quyết định thanh tra; không xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; không thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; không kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; không có báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; không ban hành kết luận thanh tra.

Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra bao gồm áp dụng sai các quy phạm của pháp luật hoặc áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra. Hoặc nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến việc đánh giá không đúng, tăng nặng, giảm nhẹ hoặc bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra hoặc kiến nghị xử lý không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đã được phát hiện.

Ngoài ra, người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các thông tin, tài liệu, chứng cứ của cuộc thanh tra hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ việc. Cơ quan thanh tra cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra theo nội dung ghi trong quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra mà Đoàn thanh tra trước đó đã làm nhưng không phát hiện được dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng là một trong những căn cứ để thanh tra lại.

Về thẩm quyền thanh tra lại, dự thảo quy định Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thanh tra tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chánh Thanh tra Bộ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục, Cục, của cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ đã có kết luận của Thanh tra sở nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Đối với Chánh Thanh tra tỉnh, thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của Thanh tra sở, Thanh tra huyện nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vụ việc thanh tra chuyên ngành đã được thanh tra sở kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của UBND cấp tỉnh.

Trình tự, thủ tục thanh tra lại được quy định ngắn gọn hơn trình tự, thủ tục thanh tra thông thường, theo đó gồm các bước: ban hành quyết định thanh tra; công bố quyết định thanh tra; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; báo cáo kết quả thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; ban hành kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra.

Dự thảo cũng quy định rõ ràng thời hạn thanh tra lại. Theo đó, cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 45 ngày; cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 30 ngày.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định cụ thể về quyết định thanh tra lại; nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lại, nội dung của kết luận thanh tra... Đặc biệt, dự thảo quy định rõ kết luận thanh tra lại có hiệu lực thi hành và thay thế cho phần nội dung của kết luận thanh tra trước đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành kết luận thanh tra lại.

Đọc thêm