Chị bạn gọi điện khắc khoải tâm sự rằng có nhiều khi chị bị rơi vào trạng thái mất niềm tin vào cuộc sống, hoang mang, tuyệt vọng. Buổi sáng đi chợ chị bị một thanh niên quẹt xe vào chân đau điếng mà vẫn phải mỉm cười xin lỗi người ta vì trong đầu cứ ám ảnh câu chuyện vụ án mạng hôm trước có nguyên nhân lãng xẹt chỉ từ một va chạm giao thông.
Bước vào thang máy chung cư, chị gặp một đôi trai gái trông cũng sáng sủa, dễ thương, họ tự giới thiệu là sinh viên mới chuyển đến thuê trọ cùng tầng nhà chị và bắt chuyện mà chị bỗng cảm thấy nơm nớp lo sợ, dè chừng… Chị lo biết đâu ẩn đằng sau gương mặt thông minh đầy thiện cảm kia là những âm mưu, hiểm họa?
Chị liên tưởng tới gương mặt sáng láng, thông minh của sát thủ Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm ám ở Bình Phước. Nguyễn Hải Dương cũng là sinh viên đại học, cũng từng có mối tình đẹp, không một ai có thể ngờ chỉ vì âm mưu thấp hèn mà Dương đã ra tay tàn sát cả 6 người trong gia đình người yêu cũ để trả thù…
Chị bạn nói rằng bản thân chị chỉ cảm thấy an toàn, bình yên và hạnh phúc khi trở về với tổ ấm gia đình. Vậy mà tại cái nơi được coi là ấm áp lung linh, thiêng liêng, đẹp đẽ nhất ấy, với nhiều người lại vẫn ẩn chứa bao bất trắc, hiểm họa… Có những vụ án mạng vì nguyên nhân vụn vặt như chồng giết vợ chỉ vì không được vợ cho “yêu”; hoặc một cô vợ ra tay đầu độc chồng chỉ vì ghen tuông khi thấy bạn đời tình cờ sánh vai cùng người cũ…
Nhiều giá trị đạo đức đang bị xem nhẹ khi nhiều em gái tự bán rẻ phẩm giá, trinh tiết của chính mình khi tự nguyện “tới bến” cùng người bạn trai chỉ vừa mới quen qua mạng. Để rồi sau cuộc phiêu lưu tình ái, nhiều em bị bạn trai lừa tình, đoạt tiền, thậm chí còn nguy hiểm đến cả tính mạng.
Điều đau lòng là khi nghe lời trần tình trắng trợn, vô liêm sỉ của một gã trai được mệnh danh chuyên lừa tình, đoạt tình các cô gái trẻ, không thể nói rằng không có phần đúng ở đây: “Cũng chỉ tại các cô ấy quá dễ dãi, “mỡ để miệng mèo” tội gì em không xơi”.
Giữa dòng chảy ào ạt của cuộc sống hiện đại với các giá trị tốt, xấu đan xen phức tạp này, chuyện hoài nghi về các giá trị không phải là không có cơ sở. Không phủ nhận rằng trong dòng xoáy xô bồ đó, một số người đã đánh mất mình khi chọn lối sống yêu cuồng, sống gấp, xem nhẹ các giá trị đạo đức để rồi dẫn đến những hệ lụy đau lòng.
Đành rằng mặt trái của cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều tiêu cực, nhưng lòng tốt và sự tử tế, những giá trị đạo đức, tình yêu, hạnh phúc và tình người thì muôn đời vẫn vẹn nguyên như thế.
Hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống quanh ta vẫn còn có biết bao người tốt, bao điều tốt đẹp. Đó là nhóm những người trẻ làm thiện nguyện lặng lẽ bên những chuyến xe xuyên đêm mang áo ấm, nhu yếu phẩm đến tặng cho đồng bào dân tộc của các bản nghèo mỗi khi tết đến, xuân về với tâm niệm giản dị “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.
Đó là cô giáo “cắm bản” Nguyễn Thị Thêu (45 tuổi, quê Ninh Bình) với 19 năm gắn bó với các lớp học ở các điểm trường vùng sâu ở huyện miền núi Đồng Văn (Hà Giang), biết bao đêm dài bật khóc vì quặn thắt nhớ con khi phải gửi lại con thơ cho cha mẹ ở quê nghèo để gắn bó với sự nghiệp “gieo” chữ cho các thế hệ học trò vùng khó.
Cũng như cô Thêu, có rất nhiều thầy cô giáo đã hết lòng gắn bó với các học trò ở các bản nghèo, họ yêu và gắn bó với công việc, không quản hy sinh, vất vả bởi đơn giản “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”?
Hay như câu chuyện lay động hàng triệu con tim của chị Trần Mai Anh - mẹ nuôi “chú lính chì” Thiện Nhân đã yêu thương cậu bé bất hạnh bị bỏ rơi và đem đến cho em cuộc sống tốt đẹp, bình dị như bao trẻ khác.
Không những thế, chị Mai Anh còn sẻ chia và kết nối giúp hàng trăm em bé có dị tật bộ phận sinh dục được khám chữa miễn phí, thắp lên “ngọn lửa thiện nhân” để những điều tử tế, tốt đẹp của cuộc sống lan tỏa và nhân lên mãi…
Và còn biết bao những con người nhỏ bé, lầm lụi vẫn âm thầm miệt mài chắt chiu dành dụm, giữ gìn, vun đắp các giá trị tinh thần, cho bản thân và cho người khác. Như câu chuyện về một người đàn ông xin giấu tên tìm đến Báo Pháp Luật Việt Nam xin được hướng dẫn thủ tục về việc bồi thường thay cho người vợ hiện đang ở tù mà trước kia đã từng “bỏ lửng” bố con anh. Nén chặt vào tim nỗi đau bị phụ tình, anh chấp nhận tha thứ, đón vợ về nhà khi chị mãn hạn tù.
Anh tâm sự: “Dù sao cô ấy vẫn là mẹ của các con tôi. Tôi đón nhận và tha thứ cho cô ấy vì một điều còn thiêng liêng hơn cả tình nghĩa vợ chồng đã phôi pha, đó là để cứu vớt một số phận lạc lối và vì lũ trẻ. Tôi muốn cô ấy hiểu rằng cuộc sống còn biết bao điều tốt đẹp, tử tế để cô ấy vịn vào đó mà đứng dậy, làm lại cuộc đời sau vấp ngã. Và tôi cũng muốn các con tôi sau này lớn lên, dù không may mắn được sống trong mái ấm hạnh phúc trọn vẹn nhưng trong tim các cháu vẫn vẹn nguyên niềm tin vào tình yêu và tổ ấm gia đình”.