Nhức nhối chất lượng bếp ăn, đau đầu quảng cáo thực phẩm chức năng
Thông tin tại cuộc họp cộng tác viên thường kỳ cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước đã có tổng số 129 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Trong đó, số vụ ngộ độc tập thể có trên 30 người mắc là 28 vụ, dưới 30 người mắc là 101 vụ với hơn 700 người mắc, 20 người tử vong. Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, so với cùng kỳ năm 2014 giảm 1 vụ mắc, 404 người mắc và 9 người tử vong.
Tuy nhiên, nguy cơ NĐTP vẫn còn rất nhiều và đáng lo nhất là sự gia tăng số vụ NĐTP xảy ra tại bếp ăn gia đình (chiếm tới 64/129 vụ - 52%). Nguyên nhân chủ yếu do việc sử dụng thực phẩm tại bếp ăn gia đình vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt việc lạm dụng sử dụng các thực phẩm có nhiều độc tố tự nhiên như cóc, ốc lạ, ve sầu… vẫn rất phổ biến.
Bên cạnh tình trạng NĐTP tại các bếp ăn gia đình, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP cho biết, tình trạng NĐTP tại các bếp ăn tập thể vẫn là một vấn đề khá nhức nhối. Một trong những nguy cơ đáng cảnh báo là việc sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đơn giản hóa khâu vận chuyển và bảo quản thực phẩm… của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp. Mối nguy lớn nhất, theo ông Phong chính là từ các suất ăn chế biến sẵn vì có tới gần 70% suất ăn được chế biến sẵn để cung cấp cho các khu công nghiệp, trường học…
Trong lĩnh vực ATTP, một vấn đề không thể không nói tới hiện nay, theo Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế, chính là vấn đề vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng (TPCN). Cụ thể, ông Phong cho hay từ đầu năm đến nay, thanh tra chuyên ngành ATTP đã vào cuộc rất quyết liệt, qua đó đã phát hiện và xử lý 172 cơ sở vi phạm, xử phạt với tổng số 3,1 tỷ đồng. Chủ yếu vi phạm về quảng cáo (80%), tổng số tiền phạt lên tới 2,4 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi 11 giấy xác nhận công bố ATTP, đình chỉ 91 cơ sở sản xuất, thu hồi và tiêu hủy nhiều sản phẩm kém chất lượng…
Thực tế, đại diện Cục ATTP cho biết, các tờ rơi, tờ gấp quảng cáo trái phép các sản phẩm TPCN tràn lan ngoài thị trường; quảng cáo TPCN thì bừa bãi trên các trang mạng xã hội. Cục ATTP đã in các trang quảng cáo này và mời các doanh nghiệp có tên trên các dòng quảng cáo đó đến làm việc và lập biên bản.
Tuy nhiên, họ không thừa nhận việc dựng các trang quảng cáo này nên việc xử lý rất khó. Việc xử phạt các cá nhân phát hành các tờ rơi, tờ gấp càng phức tạp hơn vì không tìm ra… thủ phạm. Bởi vậy, để bảo đảm sức khỏe của mình, tránh “tiền mất, tật mang”, người tiêu dùng nên hiểu đúng và dùng đúng TPCN.
Thắt chặt quản lý
Nói về chất lượng các suất ăn tại bếp ăn tập thể, theo ông Phong, “chỉ có 8-10.000 đồng/suất ăn thì khó lòng mà đảm bảo chất lượng và giá trị dinh dưỡng được”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, Cục ATTP chỉ có thể đưa ra các khuyến cáo về giá trị dinh dưỡng của các suất ăn, đồng thời khuyến khích người lao động tự quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình; chủ doanh nghiệp lưu ý đến sức khỏe cho công nhân…
Ngoài ra, ông Phong cũng tỏ ra rất lo ngại khi cho biết thực tế qua công tác giám sát, cơ quan chức năng đã phát hiện có tới 8/18 cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP mà vẫn cung cấp các suất ăn cho một số trường học trên địa bàn suốt một thời gian dài. Và đại diện Cục ATTP thẳng thắn phê bình Ban Chỉ đạo ATTP huyện đó. Cũng theo ông Phong, việc làm đó là không thể chấp nhận được và chính quyền cấp cơ sở phải kiểm điểm lại vai trò, trách nhiệm của mình…
Để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế khẳng định, trong thời gian tới sẽ thắt chặt hơn việc quản lý bếp ăn tập thể và lĩnh vực TPCN, bằng việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các sai phạm; tăng cường truyền thông để các doanh nghiệp và người lao động quan tâm hơn đến việc nâng cao sức khỏe.
Còn trong lĩnh vực TPCN, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, cùng với việc tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản để quản lý hiệu quả hơn lĩnh vực này. Đặc biệt, chậm nhất đến năm 2018, Cục sẽ ban hành quy định cụ thể về các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất các sản phẩm TPCN, theo hướng sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm, chủ động và tích cực trong việc công bố các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn về nội dung quảng cáo loại sản phẩm này, tránh tình trạng quảng cáo có nội dung mập mờ, khó hiểu khiến người tiêu dùng hiểu sai về các sản phẩm TPCN, đồng thời đề nghị cơ quan quản lý về quảng cáo siết chặt hơn việc thẩm định và cấp phép thông tin, quảng cáo loại sản phẩm “nhạy cảm” này.