Thay đổi chính phủ ở Nhật Bản: Tân quan nhưng chưa tân chính sách!

(PLVN) - Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khoẻ đã buộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền phải nhanh chóng bầu Chủ tịch mới và đồng thời cũng là chọn người thay ông Abe đảm trách cương vị đứng đầu chính phủ. Nhật Bản có sự thay đổi thủ tướng và chính phủ.
Ông Abe nhận hoa từ ông Suga (phải) sau cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng LDP ngày 14/9.
Ông Abe nhận hoa từ ông Suga (phải) sau cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng LDP ngày 14/9.

Đảng này đã bầu ông Yoshihide Suga làm chủ tịch mới của đảng và quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Suga làm thủ tướng mới của Nhật Bản. Ông Suga cũng đã thành lập chính phủ mới và những nhân vật chủ chốt trong chính phủ của ông Abe vẫn có mặt trong chính phủ mới.

Ông Suga năm nay 71 tuổi, xuất thân trong một gia đình nông dân chứ không phải là chính trị nòi như ông Abe. Nhưng ông Suga là cộng sự thân cận nhất của ông Abe trong suốt thời gian ông này lần thứ 2 cầm quyền ở Nhật Bản. Với tư cách là thư ký nội các với hàm bộ trưởng thành viên chính phủ, ông Suga không những chỉ phục vụ ông Abe cầm quyền mà còn giúp tạo dựng dấu ấn ở Nhật Bản.

Ở Nhật Bản vừa có sự thay đổi chính phủ. Nhưng sự kiện này chẳng khác gì “bình mới rượu cũ”, ít nhất thì cũng cho thời gian từ nay đến cuộc bầu cử quốc hội định kỳ tới đây dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 11/2021. Bản thân ông Suga đã là một đại diện cho đường lối và quan điểm chính sách cầm quyền của ông Abe và việc đảng LDP lựa chọn ông Suga chứ không phải người khác kế nhiệm cũng cho thấy đảng này muốn tiếp tục các chính sách cầm quyền của ông Abe.

Những người ủng hộ ông Suga nhìn nhận tính liên tục và ổn định trong chính sách cầm quyền là sự đảm bảo chắc chắn nhất để đảng LDP có thể tiếp tục là đảng cầm quyền ở Nhật Bản sau cuộc bầu cử quốc hội tới.

Ông Suga sành sỏi về đối nội nhưng lại gần như chưa có tiếng tăm gì về đối ngoại, cuộc chơi đối ngoại sẽ khó khăn phức tạp hơn nhiều và người này cần thời gian để gây dựng uy danh về đối ngoại. Thách thức lớn nhất đối với ông Suga là bảo vệ cương vị cầm quyền cho đảng LDP ở cuộc bầu cử quốc hội sang năm. 

Những vấn đề lớn và cấp thiết nhất đặt ra cho vị Thủ tướng mới của Nhật Bản trong thời gian tới là dẫn dắt đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng mang tên dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, là phục hồi tăng trưởng kinh tế, là giảm mức độ nợ công (hiện với mức độ 270% GDP cao nhất thế giới), là vấn đề cơ cấu dân số già nua và là những thách thức về chính trị an ninh khu vực và đối ngoại, đặc biệt trong quan hệ của Nhật Bản với Mỹ,Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Không có gì là khó hiểu khi ông Suga trong những tháng ngày cầm quyền đầu tiên tập trung xử lý chuyện đối nội. Người này phải chinh phục lòng tin của người dân ở Nhật Bản để đảng LDP có thể chắc chắn được tái thắng cử trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới. Người này chắc sẽ không vội vàng thúc đẩy việc sửa hoặc thay đổi hiến pháp hiện hành như ông Abe đã kiên định theo đuổi, nhưng sẽ làm như ông Abe nếu vẫn trụ ở cương vị cầm quyền sau cuộc bầu cử quốc hội tới ấy.

Ông Abe đã tạo được thế nhất định và có kinh nghiệm thực tế phong phú trong xử lý các mối quan hệ của Nhật Bản với các đối tác bên ngoài, đặc biệt với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ông Suga bây giờ phải chứng tỏ là khôn khéo và thực tế ít nhất cũng không kém ông Abe trên những phương diện đối ngoại và xử lý các vấn đề chính trị an ninh của khu vực, châu lục hay thế giới. Các đối tác kia cũng cần thời gian nhất định để có nhận thức riêng về quan điểm đường lối và cách thức cầm quyền của ông Suga rồi mới quyết định chính sách của họ đối với Nhật Bản ở thời ông Suga trị vì.

Từ đó có thể thấy trong thời gian tới tình hình ở Nhật Bản ít có khả năng xảy ra đột biến chính trị xã hội và hoạt động đối ngoại của Nhật Bản cũng phần nào chững lại. Tân quan nhưng chưa tân chính sách, cho dù tình trạng này có thể không kéo dài.

Đọc thêm