Ông Modi và ông Morrison nhất trí nâng tầm quan hệ hợp tác song phương lên thành mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hai bên ký kết 9 thỏa thuận hợp tác về chính trị, kinh tế, thương mại và quân sự. Thỏa thuận về hợp tác trên lĩnh vực quân sự còn cho phép quân đội bên này sử dụng cơ sở kỹ thuật và dịch vụ hậu cần trên lãnh thổ của bên kia. Có thể thấy là cả trên danh nghĩa chính thức lẫn trong thực chất, mối quan hệ song phương này đã có được cả tầm vóc chiến lược mới lẫn chất lượng mới.
Định hướng và phát triển quan hệ hợp tác song phương như thế, hai nước này còn góp phần rất quan trọng vào việc tạo nên thế cục mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng và trên thế giới nói chung. Ấn Độ và Australia đều tham gia các khuôn khổ diễn đàn lớn của thế giới và khu vực như G20, Cấp cao Đông Á hay Tứ giác Kim cương - cùng với Mỹ và Nhật Bản.
Cả hai đều có mối quan hệ hợp tác song phương cũng chiến lược không kém với Mỹ và Nhật Bản. Họ tạo thành cặp bài trùng mới trong các khuôn khổ diễn đàn đa phương lớn kia và thúc đẩy mạnh mẽ sự định hình cục diện Bộ tứ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thế cục mới này giúp họ thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều so với trước trong xử lý quan hệ của từng bên với Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa càng thêm quan trọng và thời sự đối với họ khi cả hai hiện đều bị phía Trung Quốc gây khó và khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rất trắc trở.
Trung Quốc tuy là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư rất quan trọng đối với cả hai, nhưng vùng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vừa bùng phát đụng độ giữa binh lính hai bên. Trung Quốc lại đang áp dụng một số biện pháp chính sách gây bất lợi cho Australia sau khi Australia khiến Trung Quốc không thể hài lòng về đề nghị tiến hành điều tra quốc tế nguồn gốc dịch bệnh ở Trung Quốc, và Australia lộ rõ quan điểm thái độ bất bình với bộ luật mà Trung Quốc vừa ban hành về an ninh cho Hồng Kông.
Ấn Độ và Australia hiện chẳng khác gì vừa giúp vừa dựa vào nhau để vươn lên vị thế, ảnh hưởng và vai trò quốc tế cao hơn, xa hơn.