Thế giới căng mình đối phó với biến thể Omicron

(PLVN) - Những ngày vừa qua, cái tên Omicron, biến thể mới của virus Sars-cov-2 gây bệnh COVID-19 có mặt trên hầu khắp các trang báo của thế giới.
Việc xuất hiện biến thể Omicron trước mùa Giáng sinh khiến ngành du lịch trên toàn cầu thiệt hại nặng nề.

Vừa được phát hiện ít ngày, biến thể này đã trở thành mối đe dọa đối với cuộc chiến dai dẳng với COVID-19 và kinh tế thế giới vốn đang cố vực dậy.

Biến thể nguy hiểm đáng lo ngại

Hôm 26/11 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp đặc biệt để bàn cách ứng phó với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, WHO nêu rõ, biến thể này có số lượng lớn các đột biến, trong đó có một số đột biến đáng lo ngại.

“Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ lây nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến chủng khác”, tuyên bố khẳng định. Cũng tại cuộc họp này, WHO đã đặt tên cho biến thể mới này là Omicron theo cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp và phân loại nó thuộc nhóm “đáng lo ngại”. Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi. Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được xác nhận tại nước này là từ mẫu bệnh phẩm được thu thập vào hôm 9/11.

Theo Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 (TAG-VE), biến thể Omicron cho thấy sự thay đổi gây nguy hại, dấy lên lo ngại về khả năng biến thể này có thể làm giảm hiệu quả của vaccine.Một lo ngại khác là biến thể này dường như lây lan rất nhanh.

Biến thể omicron rất nguy hiểm, đáng lo ngại.

Theo thống kê, trong những tuần gần đây, các ca nhiễm COVID-19 tại Nam Phi đã tăng mạnh, trùng với việc phát hiện biến thể Omicron. Nhà virus học Nam Phi Tulio de Oliveira lưu ý, chỉ trong vòng 2 tuần kể từ khi được phát hiện, biến thể Omicron “thống trị tất cả ca nhiễm” ở nước này. Chủng Delta từng là biến thể thống trị cho đến khi xuất hiện biến thể mới.

Trước những lo ngại về sự xuất hiện của biến thể Omicron, các Bộ trưởng Y tế của nhóm G7 ngày 29/11 cũng đã họp khẩn để bàn các biện pháp đối phó. Những người đứng đầu ngành y tế của nhóm tại cuộc họp đánh giá biến thể Omicron lây nhiễm cao đồng thời đề nghị phải có hành động khẩn. Trước đó 3 ngày, ngày 26/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã lên tiếng kêu gọi dừng tất cả liên kết không vận với các địa điểm đã phát hiện biến thể Omicron.

WHO ngày 29/11 khẳng định biến thể mới Omicron có nguy cơ rất cao trên quy mô thế giới. Nhiều nước trên thế giới những ngày qua đã công bố các lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân từ một số nước châu Phi, đặc biệt là các nước đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron.

Thế giới căng mình đối phó

Sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã gây ra tâm lý lo ngại ở nhiều nước trên thế giới, đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến các kế hoạch mở cửa, nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch của một số nước. Trong đó, Australia đã phải ngừng kế hoạch mở cửa từ ngày 1/12 vì Omicron.

Theo đó, việc mở cửa cho lao động có tay nghề, du học sinh cũng như du khách từ một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản tới Australiasẽ tạm hoãn trong 2 tuần. Hàn Quốc cũng dừng nới lỏng các biện pháp giãn cáchxã hội để chống dịch, đồng thời đẩy mạnh việc tiêm liều vaccine bổ sung, chuẩn bị thêm giường bệnh trong 4 tuần.

Biến thể Omicron được nhận định là báo động cho du lịch thế giới.

Trong khi đó, Thái Lan cho biết cân nhắc lại việc thay xét nghiệm PCR bằng xét nghiệm nhanh với khách du lịch hàng không. Thái Lan trước đó dự định nới lỏng quy định, cho phép du khách xét nghiệm nhanh lấy kết quả trong vài giờ để thu hút du lịch. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thái Lan Supattanapong Punmeechao khẳng định không để kế hoạch mở cửa của nước này đổ bể vì Omicron.

Mỹ đã đóng cửa biên giới với 8 nước ở phía Nam châu Phi. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Chính phủ Mỹ mỗi tuần sẽ đánh giá lại chính sách phòng chống COVID-19 tùy theo những hiểu biết về biến thể Omicron.Trong khi đó, Bộ Giao thông Nhật Bản thông báo đã yêu cầu các hãng hàng không tạm ngưng hoàn toàn việc nhận đặt vé bay đến Nhật trong 1 tháng, do lo ngại về biến thể Omicron.

Tuy nhiên, WHO trong tuyên bố ngày 30/11 cho rằng, việc cấm đi lại giữa các quốc gia sẽ không giúp ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới Omicron trên thế giới mà ngược lại sẽ có tác động tiêu cực lên các nỗ lực phòng chống dịch của thế giới bởi nó sẽ khiến nhiều nước không muốn thông báo và chia sẽ các dữ liệu dịch tễ học và phân tích kết quả xét nghiệm.

Trước đó, văn phòng khu vực của WHO ở châu Phi đã kêu gọi để mở các biên giới, sau khi Nam Phi yêu cầu bãi bỏ ngay lập tức các biện pháp hạn chế đi lại sau khi biến thể Omicron được phát hiện tại nước này.

Tờ Le Monde của Pháp nhận định:“Một luồng gió hoảng sợ đang tràn vào rất nhiều nước từ khi phát hiện ra Omicron”. Vẫn theo tờ báo này, bầu không khí lo sợ có vẻ nặng nề hơn ở châu Âu, khi biến thể này xuất hiện vào đúng thời điểm châu lục đang căng mình chống đỡ làn sóng dịch mới bùng lên trở lại.

Còn tờ La Croix cho rằng, với sự xuất hiện của những ca nhiễm biến thể mới đang được phát hiện gần như khắp nơi trên Lục địa già, các nước châu Âu một lần nữa lại bị đặt trước thách thức phải phối hợp hành động ứng phó. “Một cuộc chạy đua với thời gian lại bắt đầu”, tờ báo này dẫn lời bà von der Leyen nhận xét.

Đòn giáng mạnh vào du lịch

Sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là một đòn đánh mạnh vào ngành du lịch trong bối cảnh ngành này đang nỗ lực khôi phục hoạt động trở lại sau gần 2 năm kiệt quệ trong đại dịch COVID-19. Gần đây, trong chiến lược chung sống với COVID-19, các nước bắt đầu cho mở cửa trở lại biên giới dần dần với hy vọng phục hồi du lịch, nhất là tận dụng kỳ nghỉ cuối năm này.

Với nhận định “Biến thể Omicron: Báo động cho du lịch thế giới”, tờ Le Figaro cho rằng, vì quá lo sợ biến thể Omicron, nhiều nước những ngày qua đã siết chặt hoạt động đi lại, gây lo lắng cho ngành du lịch vốn đang trong thời điểm cố gắng hồi phụcở khắp nơi trên thế giới.

Theo tờ báo này, một loạt các nước lần lượt thông báo đóng cửa biên giới với các nước ở miền nam châu Phi hay tăng cường các biện pháp kiểm soát đi lại, cách ly hành khách là một đòn nặng nề mới đánh vào ngành du lịch. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) trong báo cáo vừa được công bố dự báo, ngành du lịch toàn cầu sẽ mất 2.000 tỷ USD trong năm nay do COVID-19, khiến đây trở thành một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Mặc dù cơ quan phụ trách xúc tiến du lịch của Liên hợp quốc không có ước tính về hoạt động của ngành này trong năm tới, nhưng triển vọng trung hạn theo dự báo của cơ quan này cũng không đáng khích lệ. “Bất chấp những tiến bộ gần đây, tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều trên khắp thế giới và các chủng COVID-19 mới như biến thể Delta và Omicron có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi vốn đã chậm và mong manh”, UNWTO cho biết trong một tuyên bố.

Theo cơ quan trên, lượng khách du lịch quốc tế trong năm nay sẽ vẫn thấp hơn 70-75% so với 1,5 tỷ lượt được ghi nhận vào năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra. Sự sụt giảm này tương tự như năm 2020. Người đứng đầu UNWTO Zurab Pololikashvili khẳng định đây là một cuộc khủng hoảng lịch sử trong ngành du lịch.

Theo UNWTO, tổng số 46 điểm đến - chiếm 21% tổng số điểm đến trên toàn thế giới - đã hoàn toàn đóng cửa biên giới với khách du lịch.55 điểm đến khác đã đóng cửa một phần biên giới đối với du khách nước ngoài, trong khi chỉ có bốn quốc gia đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến virus, bao gồm Colombia, Costa Rica, Dominica và Mexico.

Tương lai của ngành công nghiệp không khói vốn đã mịt mù giờ lại bị bồi thêm đòn giáng “rủi ro rất cao” của biến thể Omicron.

Đọc thêm