Gặp người “đi bộ” trên những vách đá dựng đứng

(PLO) - Xem ảnh và chứng kiến cảnh Nguyễn Văn Vũ (22 tuổi) leo núi, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Dường như việc chinh phục những ngọn núi cao, dựng đứng là chuyện nhỏ với anh. Để rồi từ đó, mọi người gọi anh là “siêu nhân”.

Vũ trèo nhẹ nhàng như đi bách bộ.
Vũ trèo nhẹ nhàng như đi bách bộ.
Bách bộ” trên... những vách đá dựng đứng
Tôi gặp chàng trai xứ Huế khi anh đang hướng dẫn du khách leo núi trên đảo Tháp Nghiêng (một đảo nhỏ trên vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà, TP. Hải Phòng). Vũ vừa leo thoăn thoắt trên vách núi, vừa không ngớt hướng dẫn du khách phía dưới. Trông Vũ lúc này không khác “người nhện” hay những “siêu nhân” trong phim giả tưởng là mấy. “Chắc không dưới một trăm anh ạ”, Vũ trả lời nhẹ như không khi được hỏi đã leo bao nhiêu vách núi trên đảo Cát Bà. Vũ cho biết đã đặt chân tới hầu hết các đỉnh núi quanh đây. 
Những vách đá cheo leo trên vịnh Lan Hạ luôn quyến rũ những người ưa thích môn thể thao mạo hiểm. Công việc của Vũ chính là hướng dẫn leo núi, đồng thời bảo đảm an toàn cho du khách khi họ tham gia trò chơi hoàn toàn không dành cho kẻ yếu bóng vía này.
Công việc thường ngày của Vũ là chuẩn bị đồ nghề leo núi, đón khách tại khách sạn đưa ra một số điểm đã chuẩn bị trước, hướng dẫn khách leo núi. Đội hướng dẫn của Vũ có gần mười thành viên, hầu hết là người ngoại quốc. Họ làm khoảng 3 tháng rồi có người khác thay thế. Chỉ có Vũ và em trai là người Việt Nam, thậm chí còn có thâm niên  lâu nhất. 
Chàng trai xứ Huế đã gắn bó với nghề hướng dẫn du lịch và mảnh đất Cát Bà được hơn bốn năm. Anh John Michel, một thành viên người Mỹ trong đội hướng dẫn cho biết bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Chỉ mình Vũ có thể leo lên vách núi không cần dây bảo hiểm. Vũ có kỹ năng leo núi mà người khác phải học rất nhiều năm mới có được. Cậu ta sinh ra là để leo trèo. Vũ có thể thoăn thoắt trên những vách đá như đi bộ trên đường bằng khiến những người được đào tạo bài bản trong nghề cũng phải kính nể”. 
Để chứng minh cho lời của đồng nghiệp, Vũ bảo khách lên một con đò chạy ra xa. Dừng trước một vách núi, Vũ nhún người, leo phốc lên. Lần tay theo những vỉa đá tai mèo lởm chởm, chân dò từng hõm đá, Vũ đẩy người về phía trước nhanh như con thằn lằn chạy trên cát. Thoắt cái, Vũ đã leo tới độ cao khoảng 20m so với mực nước biển, một tay đu trên vách đá, tay kia đưa ra vẫy chào mọi người. 
"Người nhện" đang chinh phục đỉnh núi bằng tay không.
"Người nhện" đang chinh phục đỉnh núi bằng tay không. 
Đột nhiên, chàng trai buông mình rơi tự do theo chiều thẳng đứng xuống biển. Nhiều du khách đưa tay ôm ngực, lo lắng không dám thở mạnh, cho tới lúc “người nhện” tươi cười trồi lên khỏi mặt nước, báo hiệu mình vẫn an toàn. Màn biểu diễn ngoạn mục khiến hàng trăm du khách trên đảo Tháp Nghiêng ùa ra tận mép nước. Tiếng bật bia tanh tách xen lẫn tiếng reo hò chào đón. “Supper man” (siêu nhân) là biệt danh mà một số thiếu nữ ngoại quốc đã dùng để gọi anh, sau khi chứng kiến sở trường leo núi bằng tay không của Vũ.
Nghề nguy hiểm
Khi được hỏi về bí quyết thành công của nghề leo vách núi, Vũ cười bảo: “Phải có thể lực dẻo dai và sự kiên trì luyện tập. Nhưng quan trọng nhất, phải có tinh thần “thép”, không sợ hiểm nguy”. Vũ cho biết có hai cách để leo vách đá là leo tay không và leo bằng dây. Thường, Vũ hướng dẫn khách leo dây, còn leo tay không chỉ mình anh luyện tập những lúc rảnh rỗi. Bởi leo bằng tay không rất nguy hiểm, phải được huấn luyện cẩn thận mới có thể thực hành. Ngay cả những nhà leo núi chuyên nghiệp, chỉ một phút sơ suất cũng phải đánh đổi mạng sống hoặc bị thương tật suốt đời. 
“Để có thể leo núi cần luyện tập cẩn thận từ những vách đá thấp, dễ leo, dần dần lên cao, tăng mức độ khó hơn. Tay và chân của người leo núi lúc nào cũng phải có 3 điểm tiếp xúc với vách đá: hai tay một chân hoặc hai chân một tay. Trọng lượng cơ thể nằm ở trung tâm của bàn chân, tay giữ thăng bằng. 
Đế giày tiếp xúc với vách đá càng nhiều càng tốt; không nên chỉ bám ở đầu mũi giày hay cạnh của giày. Khi tạm nghỉ, phải giữ vị trí nơi bám của bàn tay nằm ngang với ngực. Tư thế này vừa dễ giữ cho cơ thể thăng bằng mà sức cánh tay cũng được nghỉ ngơi tối đa. Tuyệt đối không nằm sát quá vào vách đá, vì tư thế này dễ bị trượt té”, Vũ giảng giải sơ qua về vài kỹ thuật khi leo núi bằng tay không. 
Chàng  trai cho biết thêm, với du khách thích leo núi, tốt nhất là nên leo bằng dây. Tuy tốc độ leo chậm lại vì cần lỉnh kỉnh đồ nghề nhưng an toàn hơn. Khi bắt đầu, cần những dụng cụ như giày leo núi chuyên dụng, có đầu hơi nhọn để bám vào vách núi. Dây thừng dài khoảng 150m, phải luôn đảm bảo dây không bị thắt nút hoặc bị rối. Thắt lưng leo núi, móc an toàn kết nối giữa dây thừng và thắt lưng. Móc an toàn này sẽ giữ dây thừng vào các móc cố định có sẵn trên vách núi. Ngoài ra còn có phấn leo núi, khi thoa vào giúp bàn tay không bị trơn trượt khi bám vào vách đá. 
Thông thường, Vũ hướng dẫn du khách leo ở các vách đá vững chắc đã được các nhà leo núi chuyên nghiệp kiểm định và treo sẵn các móc cố định trên vách đá. Khi leo, cần một người khác giữ dây thừng phòng trường hợp du khách bị trượt ngã. Người leo đầu tiên sẽ treo dây thừng vào các móc khóa trên vách đá. Người giữ dây phải luôn tập trung, dây không quá căng hay quá chùng. 
Khi leo, người hướng dẫn có thể ra lệnh “cầm” hay “đưa” để người giữ dây an toàn biết là kéo dây căng hay cho thêm dây. Khó khăn nhất là phải tìm được điểm tựa cho chân và tay, phối hợp các điểm tựa để tạo lực leo, luôn phải cẩn thận và tập trung cao độ. 
Hỏi đã gặp tai nạn nghề nghiệp bao giờ chưa, Vũ bảo nghề nguy hiểm nên điều đó không thể tránh khỏi, chuyện trầy xước chân tay xảy ra như cơm bữa, còn tai nạn nghiêm trọng thì chưa. Tuy nhiên, cách đây mấy tháng, đã có tai nạn nhẹ xảy ra với du khách. Khi thấy Vũ leo tay không một cách dễ dàng, một khách người Đức cũng muốn thử. Mặc dù mọi người khuyên can nhưng anh chàng này cứ khăng khăng leo lên. Do chưa có kinh nghiệm, du khách đã bị trượt ngã ngay từ những bước leo đầu tiên khiến phải khâu 20 mũi ở mặt. Tội nghiệp cả đoàn phải hủy “tour” giữa chừng để đưa nạn nhân đi cấp cứu. 
Là người rất giỏi trong nghề, thật ngạc nhiên khi Vũ chia sẻ thu nhập của mình chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Số tiền đó anh phải rất tiết kiệm trong việc chi tiêu mới dành dụm được chút ít gửi về phụ giúp gia đình. Tuy thế, Vũ cho biết chưa bao giờ nản lòng hoặc có ý định bỏ nghề. Bởi Vũ yêu tha thiết từng ngọn núi, từng vách đá trên quần đảo Cát Bà, nơi anh đã coi như quê hương thứ hai của mình.
Sau cuộc trò chuyện chớp nhoáng, Vũ lại vội vã quay trở lại với công việc hướng dẫn leo núi. Một nhóm du khách người Úc, trong đó có khá nhiều thiếu nữ tóc vàng, xúm lại đón Vũ. Trước hành trình chinh phục những ngọn núi cheo leo, họ đều tặng những chiếc hôn lên má Vũ, thể hiện sự ngưỡng mộ với “người nhện” xứ Huế./.

Đọc thêm