'Hái' bội tiền từ các tour du lịch tâm linh sau Tết

(PLO) - Tháng Giêng, khi người dân nô nức trẩy hội thì cũng là mùa làm ăn của các công ty du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, chỉ riêng trong tháng đầu năm, tổng thu từ khách du lịch đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2016.
Yên Tử là một trong những địa điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước trong dịp đầu xuân.
Yên Tử là một trong những địa điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước trong dịp đầu xuân.

Các công ty lữ hành “hái” bội tiền

Theo Tổng cục Du lịch, ước tính số khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2017 đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 12,3% so với tháng 12/2016. So với cùng kỳ tháng 1/2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng hơn 26%.Ước tính số liệu khách du lịch nội địa trong tháng 1/2017 đạt 5,7 triệu lượt khách (trong đó, khách lưu trú đạt 2,8 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch đạt 38.600 tỷ đồng, tăng 28,5% so với tháng 1/2016.

Trong hai tuần “ra quân” chào xuân mới Đinh Dậu 2017, từ 23 tháng Chạp đến mùng 10 Tết, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã nhanh chóng bội thu, phục vụ tổng cộng hơn 50.200 du khách trong nước và quốc tế tham gia các hành trình vui tết, du xuân. Con số này đạt mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó du lịch trong nước tăng hơn 9%.

Chỉ tính riêng đầu khởi hành tại TP HCM, Saigontourist phục vụ gần 300 đoàn khách với tổng cộng 5.350 du khách. Đáng chú ý, trong ngày “xuất hành” đẹp mùng 2 Tết, lượng khách đi tour trong nước xuất phát từ TP HCM lên đến 2.000 khách, đi các tuyến miền Trung và miền Bắc.

Còn theo thống kê của Vietravel, chỉ tính riêng trong 3 ngày Tết âm lịch (mùng 1, 2, 3), đã có gần 4.000 du khách lên đường du xuân cùng công ty. Cả mùa du lịch Tết, đơn vị phục vụ khoảng 30.000 ngàn khách.

Du Xuân cầu an lành

Đại diện của Vietravel Hà Nội cho biết, truyền thống của người dân là đầu năm đi du xuân, lễ hội cầu may. Sau Tết âm lịch, các tour tâm linh, lễ hội luôn là lựa chọn hàng đầu của các du khách đăng ký tour tại Vietravel Hà Nội. Các chương trình lễ hội xuân thường có thời gian đi tham quan trong 1 đến 2 ngày. Những điểm đến trong nước được nhiều du khách quan tâm là: Lạng Sơn - Đền Mẫu (1 ngày), Chùa Hương (1 ngày), Bái Đính - Tràng An (1 ngày), Chùa Ba Vàng – Yên Tử (1 ngày), Đền ông Hoàng Bảy - Sapa – Tả Van (3 ngày), Yên Tử - Cửa Ông (2 ngày),Quảng Bình - Đền ông Hoàng Mười - Viếng mộ Đại tướng (4 ngày)… Đây đều là những điểm vãn cảnh đẹp, có ý nghĩa tâm linh linh thiêng. Các tuyến tâm linh nước ngoài thu hút đông du khách đi tour chủ yếu là các quốc gia phật giáo lâu đời quanh khu vực châu Á như: Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia... Trong hành trình tour, du khách vừa được thỏa nguyện tâm linh, chiêm bái, cầu may đầu năm, vừa có dịp tham quan, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán tại các quốc gia châu Á đặc sắc này.

Đây không chỉ là hiện tượng mà còn là truyền thống lâu đời – đầu năm du xuân của người Việt. Trong không khí hoan hỉ của năm mới, anh Nguyễn Thanh Ninh (41 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) quyết định đưa cả gia đình đi Quảng Ninh hành hương lên chùa cầu bình an cho gia đình. “Gia đình tôi năm nào cũng vậy.

Cứ sau Tết, cả nhà cùng đi du xuân ở những nơi có đền, chùa, vừa để du lịch, vừa vãng cảnh chùa cho lòng thanh tịnh, bớt xô bồ, cầu xin sự an bình, hạnh phúc cho cả gia đình trong năm mới”, anh Ninh nói.

Trong khi đó, một tiểu thương kinh doanh quần áo ở chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Là người làm ăn buôn bán, tôi rất xem trọng chuyến hành hương đầu năm bởi đây là dịp tìm kiếm sự nhẹ nhàng, thanh thản và cầu mong cho một năm kinh doanh may mắn. Bởi vậy, dù bận rộn nhưng tôi và mấy chị bạn thường cùng nhau đi thắp hương, xin lộc tại các chùa trong thành phố và ở các tỉnh như Bắc Ninh, Lào Cai nếu nhiều thời gian thì đi xa hơn ra miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An để khám phá văn hóa và đi lễ chùa”.

Để tour du lịch thật sự vui, may mắn

Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết. dự kiến, lượng khách về Yên Tử trong năm 2017 sẽ tăng hơn so với các năm trước. Riêng trong 5 ngày Tết Nguyên đán 2017, khu danh thắng Yên Tử đã đón hơn 70.000 lượt người. “Địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các công tác liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… để lễ hội xuân Yên Tử 2017 diễn ra an toàn, phấn khởi từ khi khai hội tới hết tháng 3 âm lịch” - ông Dũng nói.

Theo kinh nghiệm của một số người thường xuyên tham gia các tour du lịch tâm linh đầu xuân cho biết, khi thiết kế tour hành hương cũng phải lưu ý đến việc chọn thời điểm thích hợp khi đến điểm hành hương để không gặp tình trạng đoàn khách đến vào giờ cao điểm nhằm tránh chen chúc, do lượng khách đổ đến lễ Phật và chiêm bái rất đông.

Theo các hướng dẫn viên, dù ít hay nhiều nhưng du lịch hành hương phải đi bộ và leo núi nên tốt nhất khách nên mang theo giày mềm, đế thấp, có độ bám, tránh mang theo giày mới sẽ làm chân dễ bị phồng rộp, đau chân. Tuyệt đối tránh giày cao gót, dép lê, dép không có quai sau vì có thể gặp nguy hiểm do trơn trượt. Trang phục mềm mại, có thể co giãn và thấm hút mồ hôi nhưng phải trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và không khí linh thiêng của đền chùa. Nếu tour có đi vào tham quan hang động, nếu được hãy mang theo đèn pin nhỏ.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch trong các tour hành hương, chị Nguyễn Thu Thủy, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Hanoitouris cho biết: “Du khách không nên mang theo tư trang quý giá... Trước khi vào tham quan, thắp nhang viếng chùa, khách nên gửi hành lý ở khách sạn hay để trên xe. Các điểm hành hương đều có nhiều loại “cò”, nếu bạn muốn thuê tàu (thuyền, đò) nên liên hệ trực tiếp với ban quản lý di tích để hạn chế chuyện “chặt chém”. Nếu sử dụng dịch vụ gánh đồ, mang vác hàng hóa thuê để leo núi, nên chọn những người có thẻ hành nghề, được ban quản lý di tích cấp để tránh tình trạng “chặt chém” hoặc bị mất cắp”.

Đọc thêm