Tuyển dụng dễ dàng, lương cao
Thường thì đối tượng tìm đến các công việc thời vụ này là sinh viên, học sinh có nhiều thời gian hoặc những người không có việc làm ổn định. Công việc tuyển dụng trong những thời điểm này thường là thu ngân, người bán hàng, bảo vệ, người vận chuyển, giúp việc theo giờ, đóng gói hàng hóa...
Mức lương trả cho lao động thời vụ cũng khá cao bởi nhu cầu cấp thiết phục vụ cho tết, thường sẽ dao động từ 10.000 đồng/giờ đối với các công việc nhẹ nhàng như bán hàng, thu ngân đến 50.000 đồng/giờ đối với bốc vác, vận chuyển... Mức lương tùy thuộc rất nhiều vào thời gian và khối lượng công việc.
Theo chị Thúy Liệu, chủ cửa hàng quần áo thì: “Những ngày cận tết như thế này, thường thì sẽ tuyển thêm 2 - 3 nhân viên để lo công việc. Mức lương dành cho những nhân viên tuyển thêm này là “150 – 200.000 đồng/ngày, có phụ cấp bữa trưa và bữa tối. Nếu tết đông khách và lượng công việc tăng lên thì còn có thể tăng thêm”.
Bạn Ánh Tuyết, sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết: “Tờ rơi phát tuyển sinh viên làm việc thời vụ dán đầy ở trường và dọc đường. Bạn bè tôi rủ nhau đi làm hết. Thường thì con gái chọn bán hàng, con trai chọn vận chuyển hàng hóa. Công việc không áp lực, lương lại trả rất cao, có nơi gấp đôi ngày thường”.
Trả lời báo chí về nhu cầu tuyển dụng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, theo số liệu thống kê từ các phiên giao dịch việc làm tháng 12/2015, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu vào nhóm ngành dịch vụ, thương mại.
Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ dịp tết tăng mạnh như: bán hàng hội chợ, giao hàng, sản xuất bánh kẹo, mứt tết…
Thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng đối với công việc cố định có phần chững lại. Doanh nghiệp gấp rút hoàn thành kế hoạch và cân đối thu chi, người lao động tạm thời dừng “nhảy việc” để chờ đợi tiền thưởng tết. Do đó, phần lớn hồ sơ ứng tuyển là lao động tự do, sinh viên mới ra trường.
Còn theo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, thời điểm này Trung tâm có khoảng 2.000 đầu việc, trung bình khoảng 300 sinh viên đến tìm việc làm thêm mỗi ngày, 30% trong số đó có thể tìm được công việc phù hợp.
Nhưng lừa đảo cũng nhiều
Khi mà công việc thời vụ đang có nhu cầu tuyển dụng cao với mức lương hấp dẫn thì cũng có những “điểm đen” mà những người có nhu cầu xin việc, đặc biệt là sinh viên cần hết sức cảnh giác. Đó chính là mánh khóe phát tờ rời đi kèm với quảng cáo “việc nhẹ lương cao...” như bán hàng, phát tờ rơi, giới thiệu sản phẩm, nhưng lại phải mất phí đặt cọc giữ chỗ làm, phí đảm bảo không nghỉ việc giữa chừng kèm theo cam kết trả lại tiền khi hoàn thành xong thời hạn công việc.
Chị Mã Thị Phương ở Triều Khúc, Hà Nội không giấu nổi bức xúc chia sẻ: “Tôi nhận được tờ rơi là đứng phát tờ rơi ở cổng siêu thị ngày 4 tiếng, lương 160.000đ/ngày. Thấy công việc khá là nhẹ nhàng, lương cao, tôi quyết định làm.
Tuy nhiên khi tìm đến văn phòng tuyển dụng, tôi đã phải đóng rất nhiều phí. Thậm chí khi mình hết tiền người ta còn sẵn sàng chờ mình ra cây ATM để rút. Lúc đấy cảm tưởng như chẳng nghĩ được gì, cứ đóng tiền theo mệnh lệnh của họ thôi. Hôm sau ra tìm lại văn phòng đấy thì đã không thấy họ ở đấy nữa rồi”.
Trường hợp như chị Phương không hiếm, vì vậy để tránh bị lừa đảo trong những ngày giáp tết, các chuyên gia nhân sự khuyến cáo người lao động cảnh giác với những trung tâm giới thiệu việc làm có cơ sở vật chất sơ sài, chưa tư vấn rõ ràng đã yêu cầu đóng tiền đặt cọc.
Để tránh bị lừa, người lao động có thể tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội.
Ở đây thường có các phiên giao dịch định kỳ, người lao động có thể gặp trực tiếp đơn vị tuyển dụng mà không mất phí; đồng thời phải hết sức tỉnh táo, lựa chọn những công việc có tính khả thi. Đừng vì những tờ rơi không có căn cứ cùng những lời chào mời lương cao hấp dẫn mà “sập bẫy” của những kẻ lừa đảo, để rồi tiền mất mà lại mua bực dọc vào mình.