“Theo báo cáo, chỉ trong vòng 5 năm (từ đầu năm 2015 đến tháng 6/2019), 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý. Ai cũng rùng mình, bức xúc, căm ghét, ám ảnh và mong muốn sớm phát hiện, bắt, truy tố và xử lý triệt để, nghiêm khắc với đối tượng xâm hại trẻ em. Báo cáo với Quốc hội, hình thức thiến hóa học ở các nước đã được thực hiện. Tôi cho rằng nếu trong pháp luật mình đưa hình thức xử phạt này vào thì ít nhất là phải giảm 50% vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong tương lai” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị.
Quan điểm này của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã một lần nữa xới xáo lại vấn đề đã từng thu hút được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận cách đây hơn 3 năm.
Ngày 3/4/2017, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bàn về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khi dẫn thông tin cơ quan điều tra vừa bắt cả ông nội và bố ruột xâm hại con, cháu mình đã nêu ý kiến rằng: “Đây là hiện tượng loạn luân không thể chấp nhận được, cần có biện pháp mạnh. Có biện pháp thiến hóa học, nếu khả thi đảm bảo tính răn đe thì nên nghiên cứu thực hiện”.
Trước đó ông Đỗ Văn Đương nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng đây là một biện pháp rất đáng để đưa ra bàn: “Cũng sẽ có người cho rằng điều đó vi phạm nhân quyền, người ta phạm tội thì chỉ phải chịu hình phạt mang tính truyền thống. Nhưng đây có lẽ là một hình phạt mới, cần được nghiên cứu, bổ sung trong hệ thống hình phạt để duy trì trật tự xã hội hiệu quả hơn, khiến cho người khác thấy nhục nhã, run sợ mà từ bỏ hành vi phạm tội”.
Thế nào là thiến hóa học?
Để bảo vệ các em khỏi nạn ấu dâm, nhiều người, trong đó có nhiều chuyên gia về tâm lý, luật pháp, hoạt động xã hội… đã lên tiếng đề xuất hình phạt thiến hóa học cho tội phạm ấu dâm. Biện pháp này được thực hiện bằng cách tiêm dung dịch hoặc uống thuốc có chứa chất kháng hormon testosterone (testosterone là một loại androgen, khoảng 90% đến 95% các androgens được tạo ra trong tinh hoàn, trong khi phần còn lại được tạo thành ở các tuyến thượng thận) vào người, từ đó làm giảm thấp nhất mức độ ham muốn tình dục. Nói cách khác, người bị thiến hóa học sẽ không có cảm giác ham muốn tình dục nữa.
Thực tế, biện pháp thiến hóa học này được nghiên cứu và thông qua tại nhiều quốc gia như bang California, Georgia, Montana, Florida của Mỹ. Tại châu Á, Indonesia và Hàn Quốc là 2 quốc gia tiên phong áp dụng luật cho phép sử dụng biện pháp thiến hóa học. Còn châu Âu có Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan...
Theo tin tức từ trang Webmd, trang web cung cấp thông tin y khoa hàng đầu thế giới thì thiến hóa học có thể hiểu là thiến bằng cách sử dụng thuốc làm giảm hormone sinh dục xuống mức thấp nhất được áp dụng cho cả nam và nữ, qua đó kìm hãm bản năng, nhu cầu về “chuyện ấy”, thậm chí cả suy nghĩ về “chuyện ấy” cũng biến mất.
Các bác sĩ sẽ có sẵn những loại thuốc dạng viên, tiêm hay cấy ghép giúp giảm hormone testosterone mà không cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Trang Webmd khẳng định, mặc dù đây là phương pháp rất tốt để làm suy giảm, thậm chí mất khả năng tình dục nhưng không có tác dụng lâu dài, mãi mãi. Theo thời gian, các tế bào không phụ thuộc hormone sẽ lây lan và bác sĩ cần chuyển sang phương án điều trị khác.
|
Nhiều quan điểm cho rằng thiến hóa học sẽ là biện pháp mạnh giúp bảo vệ trẻ em khỏi nạn ấu dâm. |
Về cơ bản, thiến hóa học không giúp triệt tiêu toàn bộ ý nghĩ đen tối mà làm giảm đến mức tối đa, đồng thời khiến đối tượng không còn khả năng thực hiện bản năng nữa. Nhưng về lâu dài, đối tượng phải tiếp tục sử dụng liệu pháp cho những lần sau để giảm bớt ham muốn tình dục. Chưa hết, những phản ứng có thể đảo ngược hoàn toàn nếu ngưng dùng thuốc.
Chu kỳ tiêm của thuốc chỉ có tác dụng trong vòng 4 - 6 tháng, sau đó ngưng thuốc, người tiêm có thể bị mắc bệnh tim mạch, loãng xương, béo phì. Đối với những người đang trong quá trình sử dụng thuốc cũng có thể gặp phải những tác dụng phụ như mất hoàn toàn khả năng tình dục, bốc hỏa, ngực đau, ngực phát triển to hơn bình thường, giảm lượng cơ, giảm cân, mệt mỏi và giảm cholesterol tốt trong cơ thể.
Áp dụng hay không áp dụng?
Mới đây,Thống đốc bang Alabama (Mỹ), ông Kay Ivey ngày 10/6/2019 đã ký ban hành luật thiến hóa học đối với kẻ phạm tội tình dục với trẻ dưới 13 tuổi. Trước đó, lưỡng viện bang vào cuối tháng 5 đã thông qua dự luật do Hạ nghị sĩ Steve Hurst đề xuất. “Luật mới là một bước tiến nhằm bảo vệ trẻ em ở bang Alabama” - Đài CNN dẫn lời Thống đốc Ivey.
Luật quy định những cá nhân bị kết tội dâm ô với trẻ con sẽ tiếp tục bị tiêm hoặc cho uống thuốc ngăn ngừa thú tính cho đến khi có tòa án ra lệnh ngừng lại. Theo luật, nếu đương sự tự ý chọn ngưng thuốc thì sẽ bị khép vào tội vi phạm cam kết phóng thích và bị buộc phải quay lại xà lim.
Quá trình thực hiện biện pháp thiến hóa học được thực hiện trước khi phạm nhân được phóng thích khoảng 1 tháng. Trước bang Alabama, một số tiểu bang của Mỹ đã ký thành luật những phiên bản khác nhau của thiến hóa học.
Bên cạnh quan điểm tán thành thì cũng có nhiều luồng ý kiến phản đối về hình phạt này. Các nhóm hoạt động nhân quyền, bao gồm Tổ chức ân xá Quốc tế đã gọi hình phạt này là vi phạm nghiêm trọng Công ước Nhân quyền Liên Hợp quốc.
Ở Việt Nam, trên chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” lúc 22 giờ tối ngày 7/5/2019, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - người được xem là “lá chắn thép” bảo vệ trẻ em bị xâm hại và bạo hành - đã tham gia trò chuyện cùng với đạo diễn Lê Hoàng về chủ đề này.
Chia sẻ với đạo diễn Lê Hoàng và khán giả, Luật sư Ngọc Nữ cho biết khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời của mình đó là lần được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mời tham gia hội nghị trực tuyến năm 2018 về công tác bảo vệ trẻ em. Luật sư Ngọc Nữ và Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã trình lên Thủ tướng phương án thiến hóa học đối với những đối tượng xâm hại trẻ em.
Trước khi đề xuất phương án này, Hội đã có sự nghiên cứu về luật của một số quốc gia, trong đó đã có nhiều nước áp dụng hình thức thiến hóa học. Biện pháp này gây nhiều tranh cãi và vẫn còn đang được xem xét, tuy nhiên theo Luật sư Ngọc Nữ thì chỉ có sự cứng rắn như vậy mới có thể răn đe được nạn xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng gia tăng, gây chấn động dư luận và xã hội.
Tuy vậy, ở Việt Nam vì luật pháp chưa quy định đây là một trong những biện pháp răn đe tội phạm được áp dụng, nên vấn đề thiến hóa học cho những đối tượng ấu dâm vẫn còn đặc biệt lạ lẫm. Nhiều người lo lắng là cách làm này có thực sự xóa bỏ hoàn toàn dục vọng xâm hại tình dục hay không; hiệu quả của giải pháp này đến đâu…
Từ góc độ ngành y, bác sĩ Lê Thị Kim Dung - Trung tâm Y khoa Thái Hà đã từng chia sẻ với báo chí quan điểm rằng, nếu hóa chất có thể hủy hết ham muốn thì đồng nghĩa cũng có thể tiêu hủy rất nhiều chức năng khác của con người. Hơn nữa, thuốc có thể hủy khả năng quan hệ tình dục nhưng nếu diệt hoàn toàn vấn đề ham muốn thì không phải đơn giản.
Do vậy, với những người bị ấu dâm cần xem xét họ có bị ảnh hưởng bệnh tâm thần hay không, nếu không bị mới tìm hình thức khác xử lý. Với việc thiến hóa học bằng tiêm các hormone cần phải có cơ sở khoa học vì việc tiêm hormone ảnh hưởng tinh hoàn, làm teo tinh hoàn nhưng các bộ phận khác có bị ảnh hưởng hay không, cái lợi và có hại của hình thức này cần có sự đánh giá của người chuyên môn.
GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp cũng đã từng cho rằng: “Đề xuất thiến hóa học cũng là hình phạt, nghĩa là người nào đó vi phạm ngoài chịu sự trừng trị bằng hình phạt tù còn bị thêm hình phạt thiến hóa học. Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội phát triển, đề xuất trên không phù hợp, nó không thể hiện được tính văn minh, nhân đạo của pháp luật”…