Thiên tài không bằng cấp “thắp sáng” cả nhân loại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do hoàn cảnh gia đình, Michael Faraday phải nghỉ học từ sớm từ năm lớp 4. Sau đó, ông bắt đầu làm công việc đóng sách và tự học. Dù vậy, ông chính là nhà khoa học đi tiên phong trong việc biến từ thành điện - nguồn năng lượng sạch và phổ biến nhất ngày nay.

Cậu bé đam mê với khoa học

Michael Faraday sinh ngày 22/9/1791 ở Newington Butts (ngoại ô Luân Đôn), trong một gia đình nghèo. Bố ông làm thợ rèn, còn mẹ chỉ là một phụ nữ nội trợ bình thường nên gia cảnh không được sung túc. Từ nhỏ, Michael Faraday chỉ được học qua loa ở nhà thờ vào những ngày chủ nhật. Sau đó, ông sớm phải thôi học từ năm lớp 4 vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cha ông mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau liên miên.

Lúc 14 tuổi, ông học việc ở cửa hiệu đóng sách và bán sách “Hiệu bán sách và đóng sách Ritô” ở Blandford St. Trong suốt 7 năm học việc, ông đã đọc được rất nhiều sách, trong đó có sách của Isaac Watts - quyển “Mở mang trí tuệ”, và ông say mê tiến hành các nguyên lý và quan điểm trong quyển sách. Ông đã biểu lộ niềm đam mê với khoa học, nhất là lĩnh vực điện năng. Đặc biệt, ông được truyền cảm hứng bởi quyển sách “Đàm thoại với Hóa Học” viết bởi Jane Marcet.

Tất cả đã kích thích sự tò mò, khám phá của ông. Từ những lý thuyết sách vở, Faraday bắt đầu dùng các chai lọ cũ để làm các thí nghiệm đơn giản về pin điện và hóa học điện giải.

Một trong những điều may mắn với Michael Faraday là ông chủ tốt bụng, luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho nhân viên được đi dự những buổi thuyết trình của những nhà khoa học nổi tiếng hoàng gia Anh thời bấy giờ.

Với 16.041 lần thực nghiệm, Faraday đã có những cống hiến vĩ đại cho nhân loại. (Ảnh: BBC)

Với 16.041 lần thực nghiệm, Faraday đã có những cống hiến vĩ đại cho nhân loại. (Ảnh: BBC)

Ở tuổi 20, vào năm 1812, khi kết thúc học việc, Michael Faraday đã tham dự các buổi thuyết giảng của nhà hoá học nổi tiếng người Anh Humphry Davy (1778-1829) của Học viện Hoàng Gia và Hội hoàng gia Luân Đôn, và của John Tatum - người sáng lập Hội triết học Thành phố.

Các vé của những buổi thuyết giảng này được trao cho Michael Faraday bởi William Dance (một trong những người sáng lập Hội yêu nhạc của Hoàng Gia). Sau đó, Michael Faraday gửi cho Davy một quyển sách dày 300 trang mà ông đã ghi chép những điều trong buổi thuyết giảng. Davy tỏ ra vô cùng bất ngờ và hào hứng với những ghi chép của Michael Faraday. Đó là những ghi chép rất chi tiết, có thêm giản đồ để làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Khi Davy bị giảm thị lực trong tai nạn của một cuộc thị nghiệm, ông quyết định thuê Faraday làm thư ký.

Khi John Payne - một trong những phụ tá trong Học viện Hoàng Gia, bị sa thải, Sir Humphry Davy được yêu cầu tìm người thay thế. Ông đã chỉ định Michael Faraday làm người phụ tá hóa học tại Học viện Hoàng Gia vào ngày 1/3/1813.

Trong tầng lớp người Anh thời đó, Michael Faraday không được xem thuộc giới thượng lưu. Khi Davy đi thuyết giảng ở toàn châu lục trong các năm 1813-1815, người giúp việc của ông không muốn đi cùng. Michael Faraday được gọi làm phụ tá khoa học cho Davy.

Căn phòng làm việc của Michael Faraday.

Căn phòng làm việc của Michael Faraday.

Dù vậy, vợ của Davy là Jane Apreece đã từ chối đối xử với Faraday như tầng lớp ngang hàng và làm cho Michael cảm thấy quá khổ sở đến nỗi ông lẳng lặng bỏ về Anh một mình. Dù vậy, chuyến đi đã cho ông đường đến với khoa học ưu tú của châu Âu và làm chủ nguồn cảm hứng sáng tạo. Michael Faraday đều được đi cùng và có cơ hội gặp gỡ, học hỏi từ nhiều nhà bác học như Ampère, De la Rive... Michael Faraday đã rất chịu khó ghi chép và tích lũy kiến thức trong suốt hành trình.

Thiên tài không cần bằng cấp

Từ năm 1815, Michael Faraday bắt đầu dốc toàn tâm vào nghiên cứu khoa học. Bấy giờ, ông đã thành thạo, hiểu rõ các kỹ thuật trong phòng thí nghiệm. Để phục vụ cho những phát minh, ông sưu tầm các loại tài liệu cần thiết, tổng hợp và phát triển lý thuyết phục vụ cho việc nghiên cứu, tiến hành hàng loạt thí nghiệm. Thậm chí, nhiều thí nghiệm có thể gây nguy hiểm cho chính tính mạng của bản thân.

Những năm 1820, ông tạo ra được hai hợp chất carbon, hóa lỏng được khí Clo, điều chế được benzene từ dầu khí, chế tạo thành công loại thủy tinh quang học, đặt nền móng cho ngành luyện kim và kim loại học.

Năm 1821, ông bắt đầu loạt nghiên cứu về từ học và điện học. Michael Faraday đã tạo ra được bộ máy chuyển điện năng thành cơ năng. Đây được xem là động cơ điện đầu tiên trên thế giới.

Thí nghiệm của Faraday về cảm ứng điện từ năm 1931.

Thí nghiệm của Faraday về cảm ứng điện từ năm 1931.

Đến năm 1829, khi Davy qua đời, Michael Faraday tiếp tục những công trình nghiên cứu của thầy. Ông trở thành một nhà hóa học danh tiếng, ngoài công việc nghiên cứu, còn là giáo sư hóa học, tham gia giảng dạy ở Viện Khoa học Hoàng gia Anh. Michael Faraday nhận ra rằng muốn giải phóng đương lượng gram (gam) của nguyên tố, người ta dùng một số điện lượng. Nghĩa là, một số điện lượng đã bị giải phóng cùng một số nguyên tử. Những nghiên cứu này của ông đã cho ra đời những quan niệm mới về điện tử.

Điều ám ảnh nhất với Michael Faraday chính là từ trường. Ông rắc một số vụn sắt lên tờ giấy, đặt lên các cực của nam châm rồi quan sát lực tuyến. Năm 1820, khi người ta phát hiện ra một đường dây dẫn điện có từ tính, Michael Faraday đã đặt ra câu hỏi: Nếu dòng điện sinh ra từ trường thì tại sao từ trường lại không thể sinh ra dòng điện?

Từ đây, ông bắt tay vào các thí nghiệm để kiểm chứng và tìm ra sự cảm ứng điện. Sau đó, ông tiến thêm một bước nữa, dùng nam châm chế tạo một dòng điện liên tục. Với thành công của thí nghiệm này, Michael Faraday là người đầu tiên phát minh ra chiếc máy phát điện và bộ biến điện.

Faraday tiếp tục có những bước tiến mới, đặt nền móng vững chắc cho ngành công nghiệp mạ điện, điện phân, điện hóa. Những khái niệm về cực âm, cực dương, chất điện giải, cation, aniton mà ông đưa ra vẫn còn thông dụng ngày nay.

Ông còn đưa ra khái niệm đường lực từ sự giải thích cho các hiện tượng điện từ, chứng minh định luật bảo toàn điện tích, đưa ra khái niệm từ trường ánh sáng, phát hiện tính thuận từ và nghịch từ của vật chất...

Michael Faraday giảng dạy tại Học viện Hoàng gia 1856.

Michael Faraday giảng dạy tại Học viện Hoàng gia 1856.

20/3/1862 được ghi nhận là ngày cuối cùng trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của Michael Faraday. Trong cuốn sổ ghi chép về thực nghiệm của ông, người ta sửng sốt khi đọc được số thứ tự của thí nghiệm cuối cùng do ông thực hiện: 16.041.

Không chỉ có tầm ảnh hưởng rất lớn với nhân loại, Michael Faraday còn là tấm gương sáng cho nhiều thiên tài khoa học noi theo. Chính nhà bác học Albert Einstein thời đi học vẫn luôn treo hình của Faraday trong phòng học của mình giống như một thần tượng.

Trong những ngày tháng cuối đời, Michael Faraday ốm nặng, mất trí nhớ và bị điếc. Nhìn ông trong tình trạng ấy, người ta vẫn cảm thấy như ông đang suy tưởng.

Trong dòng nhật ký cuối cùng của đời mình, Michael Faraday đã viết: “Tôi thực sự luyến tiếc những năm tháng sống đầy hạnh phúc, trong niềm say mê làm việc và trong những ước mơ tìm đến những phát minh. Thật đáng buồn khi tôi biết mình sắp từ giã cõi đời và sẽ không bao giờ được trở lại ngày tháng sôi nổi.

Đối với bạn trẻ, tôi chỉ có một lời khuyên rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống: Hãy làm việc và suy nghĩ ngay cả khi chưa tìm thấy một tia sáng nhỏ bé, vì dù sao như vậy vẫn còn hơn là ngồi không”.

Ngày 25/8/1867, nhà bác học vĩ đại Michael Faraday từ giã cõi đời. Ông ra đi để lại cho toàn nhân loại một phát minh bất tử, một phát minh mang tính bản lề cho mọi phát minh của loài người sau này. Như lời nhà khoa học Helmholtz người Đức đã nói: “Chừng nào loài người còn sử dụng đến điện, thì chừng đó mọi người còn ghi nhớ công lao của Michael Faraday”.

Đọc thêm