Nghe nói Hà Giang xa lắm…
Xin được mượn ý của nhạc sĩ tài hoa Thanh Sơn trong bài “Áo mới Cà Mau”: “Nghe nói Hà Giang xa lắm/Ở chót vót địa đầu Việt Nam/Ngại chi đường xa không tới…”. Và nếu mũi Cà Mau trong kia là cái ngón chân cái người khổng lồ chưa khô bùn vạn dặm, thì mũi Lũng Cú ngoài đây đích thị là cái chóp nón một cái nón bài thơ muôn đời (chữ của nhà văn Nguyễn Tuân).
Nếu như từ xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau dong thuyền ra khơi sẽ thấy mặt trời mọc ở Biển Đông và lặn ở biển Tây thì từ đỉnh Lũng Cú, Hà Giang này bay thẳng lên không sẽ thấy đường biên giới phía Bắc như một chữ V ngược, phía Tây nhấp nhô mãi cho tới đỉnh Khoan La San – nơi con gà gáy ba nước Việt, Lào, Trung cùng nghe, còn phía Đông thoải dần cho tới mũi Sa Vĩ, Móng Cái, Quảng Ninh.
Không phải ngẫu nhiên mà cột cờ quốc gia được xây dựng trên đỉnh núi Rồng. Địa thế đó không chỉ tôn cao thêm lên quốc kỳ thiêng liêng mà còn là sự tiếp nối của truyền thống bảo vệ chủ quyền từ thời Lý Thường Kiệt hội quân đến Quang Trung treo trống đồng khẳng định bờ cõi, đến cột cờ bằng sa mộc năm 1978 và nay là lá đại kỳ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc. Nơi đó còn gắn liền với một truyền thuyết ban sơ. Lũng Cú là cách đọc chệch âm từ Long Cư (nơi rồng ở) mà ra.
Trên khắp đất nước ta có nhiều địa danh gắn với rồng. Đây Bạch Long Vĩ – đuôi con rồng trắng, đây Thăng Long – nơi rồng bay lên, kia Cửu Long – chín rồng cuồn cuộn phù sa. Và nhìn tổng thể dáng hình Tổ quốc, nhiều người đã so sánh với một con rồng lớn. Lũng Cú địa đầu và cả Việt Nam cùng mang khát vọng cường thịnh, giấc mơ hóa rồng sánh vai cùng cường quốc bốn phương!
Nếu Cà Mau trong đấy là bùn lầy phù sa, rừng đước rừng chàm U Minh thì Hà Giang ngoài này “đặc sản” là đá và… đá. Đá tai mèo cao vút, hiểm trở, đâm toạc bầu trời. Đá từng lớp từng lớp sóng sánh như váy cô gái Mông xuống chợ nhưng chỉ có “độc” một màu… xám tro. “Đá núi san sát/Lô nhô cao ngất/Không có chỗ cho đất, cỏ cây… Thương lắm bàn chân em toạc máu/Đạp lên đá sắc (thơ Đặng Quang Vượng).
Miền đá biên cương ấy trong tiềm thức của những cư dân đồng bằng ngước trông lên vẫn là nơi xa xôi, hiểm trở, vừa cao lại vừa xa. Các quan nhà Nguyễn trong “Đại Nam nhất thống chí” miêu tả, đó là nơi “mùa đông và mùa xuân thường âm u… sáng ngày còn mây mù, đến giờ Ngọ (giữa trưa) mới trông thấy mặt trời… mùa đông rét buốt, nước đông lại thành băng”. Còn nhà nho Lương Văn Can thì viết: “Núi hoang rừng rậm tít mù viễn biên”.
Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy lúc còn trẻ trai, rong ruổi, gặp những bức tường đá sừng sững chắn trước mặt đã chung niềm cảm thán với Lý Bạch vào đất Thục xưa “Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên” (Đường vào đất Thục khó hơn lên trời). Với riêng tôi, 10 năm trước lần đầu lên mảnh đất biên cương, ra khỏi tỉnh lỵ Hà Giang gặp dốc Bắc Sum đã suýt “tụt huyết áp” trước con đèo zích zắc hình chữ chi, vắt vẻo mãi lên tới trời.
Để lên được cực Bắc, người dưới xuôi sẽ phải mấy lần qua “cổng trời”. Cổng trời Quản Bạ, cổng trời Cán Tỷ. Độ cao thì đã đành nhưng cái chính là ở nơi này hầu như quanh năm, không gian chỉ là một màu trắng đục không rõ là sương núi hay mây trời, gọi là “cửa thiên đình” quả không phải ngoa.
Đến đây, có lẽ để người phương xa đỡ “hoang mang” mà có thêm động lực lên với miền “hoa đá” xin được dẫn lại một đoạn vừa khoa học nhưng cũng rất đỗi diễm tình của tác giả Nguyễn Mạnh Tiến trong cuốn Những đỉnh núi du ca: “có thể hình dung về tổng thể khối cao nguyên đá trên thân thể địa lý Hà giang như một người đàn bà nằm ngửa với tấm thân dày dưới 500m, đột ngột nhô lên khối bầu vú căng đầy hướng lên trời cao trên cả 1000m là khối cao nguyên đá, mà núm vú trồi lên, cái nhũ hoa ấy là huyện Đồng Văn cao 1600m”.
Điểm cực Bắc ở đâu?
Nếu Hà Giang là tỉnh cực Bắc, Đồng Văn là huyện cực Bắc, Lũng Cú là xã cực Bắc thì phải chăng cột cờ quốc gia Lũng Cú chính là điểm cực Bắc – giới hạn xa nhất của Tổ quốc về phía Bắc? Thưa không phải. Đây là những thông số vị trí được khắc chìm vào bia đá mạ vàng đặt ngay dưới chân cột cờ mà ai cũng có thể thấy: kinh độ 105018’58,21’’ Đ (Đông), vĩ độ 23021’48,706’’B (Bắc), Độ cao: 1.468,73m.
Vậy cực xa nhất của Việt Nam về phía Bắc là ở đâu? Theo số liệu được đưa vào các sách giáo khoa lẫn giáo trình địa lý, đó là ở: 23023’B, 105020’Đ. Bản đồ vệ tinh thì chi tiết hơn: 23023’33.02’’B, 105019’23.66’’Đ. Nói một cách đơn giản thì cái “chấm” tột cùng phía Bắc ấy còn cách cột cờ Lũng Cú chừng 2 phút vĩ độ, chiếu theo đường chim bay là khoảng 3 cây số.
Cột cờ quốc gia Lũng Cú xây trên đỉnh núi Rồng |
Cũng hay bị nhầm là điểm cực Bắc còn có cột mốc 428, và một điểm khác là đài vọng cảnh cực Bắc. Nhưng đài vọng cảnh này cũng mới nằm ở vĩ độ 23022’59’’ nghĩa là đã rất gần nhưng cũng chưa phải. Điểm cực Bắc đích thực nằm ở trên đường phân thủy nơi con sông Nho Quế bẻ gập cánh tay, chuyển dòng từ Đông Bắc sang Đông Nam. Nằm ở dưới nước chứ không phải trên đất.
Vị trí thiêng liêng ấy thôi thúc chúng tôi lần thứ ba tìm đường chinh phục. Chiều biên giới đã thấy cái hơi lạnh của gió núi nhưng những cành lê trắng, gốc đào phai ở bản Lô Lô Chải (xã Lũng Cú) vẫn đủ gợi lên hơi ấm của mùa Xuân. Nhà trưởng bản Sình Dỉ Gai cửa ngõ không khóa thông thống. Tôi nhờ anh tìm người dẫn xuống cực Bắc Nho Quế. Anh Gai lấy điện thoại gọi cho một người ở bản Séo Lủng và dặn sáng mai 7h khởi hành. Séo Lủng đây chính là bản thượng cùng của đất nước.
Người dẫn đường cho tôi là Lý Mý Nhù. Người đàn ông dân tộc Mông không quên mang theo cái ống nhòm và xách thêm lồng chim họa mi “cho nó đi chơi”. Chạy xe vòng qua đài vọng cảnh cực Bắc, để tiết kiệm sức, chúng tôi tiếp tục đi xe trên lối mòn – vốn là đường đi bộ, xóc như cưỡi ngựa, lẩn khuất giữa những lùm cây, bụi cỏ.
Chạy xe được chừng 20 phút thì tôi tá hỏa vì mất dấu người dẫn đường. Rút điện thoại ra thì không một vạch sóng. Trong lúc hoang mang, giữa núi rừng không một bóng người tôi đành vận dụng phương thức “tiền sử” hú liền mất tiếng. Nhận được tiếng “đáp trả” nhưng cũng không thể xác định được phương hướng. Thôi thì, đánh liều đi theo cảm tính. May sao, “ghì cương” xe một lúc cũng nhìn thấy bóng Lý Mý Nhù đang dừng xe đợi. Đúng là hú vía.
Hết đường đi xe bắt đầu cuốc bộ. Nhà báo miền xuôi vốn quen với đất bằng, di chuyển bằng mông (ô tô) nên dù đã tập luyện trước vẫn không khỏi bở hơi tai, liên tục phải dừng nghỉ. Còn với anh Nhù, chuyến đi chẳng khác nào đi chơi, tay xách lồng chim thủng thẳng bước. Trùng chân mỏi gối theo triền nương giữa những vạt cỏ tranh, mất một tiếng đi bộ trên con đường mòn vốn là “độc quyền” của người Mông Séo Lủng mới tới được bờ sông. Nhưng đây vẫn chưa phải là đích đến.
Tôi cùng anh Nhù tiếp tục men theo bờ sông về hướng Bắc. Hai anh em cúi người luồn qua những bụi cây rừng. Bất ngờ hiện ra trước mắt ngay bên bờ sông là một vách nhũ đá. Vách nhũ đá huyền sử nơi tột cùng của Tổ quốc. 10h20, tôi và người đồng hành đã đặt chân đến hòn đá xa nhất bên bờ sông Nho Quế. Điểm cực Bắc thực sự là đây. GPS chỉ 23023’33.
Vâng, tôi cúi xuống uống một ngụm nước để cảm nhận không chỉ cái ngọt lành trong mát của dòng sông xanh màu ngọc lục bảo mà nhận ra rằng, chuyến lên địa đầu xa xôi cực Bắc Tổ quốc này không chỉ là tác nghiệp, không phải đi để xác lập kỷ lục cho riêng mình mà đích thực là một chuyến hành hương, để thấm thía về dáng hình xứ sở, để thêm yêu, thêm quý từng tấc đất quê hương.
Có một giấc mơ hóa rồng
Đi giữa hoang sơ miền đá núi. Ít ai có thể hình dung, cao nguyên đá Đồng Văn lại là nơi gặp gỡ của Sơn tinh và Thủy tinh với các mẫu hóa thạch có niên đại từ 500 đến 250 triệu năm trước gồm Bọ ba thùy (ngay bên trái bậc đá lên cột cờ Lũng Cú), hóa thạch Tay cuộn, San hô 4 tia…
Đường xuống bờ sông Nho Quế lẩn khuất giữa những vạt cỏ tranh |
Đó là địa chất, còn địa hình địa mạo mới thật là sống động. Cái cảm giác được đứng giữa núi non hùng vĩ ngút ngàn tầm mắt, cái cảm giác đứng trên đèo Mã Pí Lèng trông sang hẻm vực Tu Sản “đệ nhất hùng quan” sâu cả ngàn mét khiến người ta nhất định phải đến trong đời. Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu”. Vào thời điểm đó, đây là danh hiệu duy nhất của Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á.
Trên website của tổ chức quốc tế này, ta đọc được những lời giới thiệu ngắn gọn nhưng sâu sắc: Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ là một tác phẩm, một thiên sử về điêu khắc đá được thiên nhiên ban tặng cho con người. Nơi đây còn chứa đựng rất nhiều giá trị tiềm năng như giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, du lịch, hóa thạch... Đặc biệt là nền văn hóa của cộng đồng 17 nhóm dân tộc thiểu số - một vẻ đẹp truyền thống cần được bảo tồn và phát huy.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, những năm qua, du lịch của Hà Giang đã có những bước phát triển đột phá. Từ năm 2010 đến nay, tỉ lệ tăng trưởng du khách và doanh thu hàng năm đều đạt trên 10%/năm. Chỉ tính riêng trong 10 tháng của năm 2019 khách du lịch đến Hà Giang đạt gần 1,1 triệu lượt người. Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu hút trên 2,5 triệu lượt khách/năm, trong đó 25% là khách quốc tế.
Xin được dẫn những câu chữ đầy thiêng liêng và tự hào của cố giáo sư – nhà địa lý học tài danh Lê Bá Thảo: “Có ai trong chúng ta mỗi một lần được dịp đi men theo con đường mòn biên giới mà không xúc động khi dừng chân bên cột mốc đánh số không và nhận thức rằng nơi đây là địa đầu của Tổ quốc?
Dù cho phong cảnh ở bên này và bên kia biên giới không có gì thay đổi nhưng từng lùm cây ngọn cỏ ở bên này vẫn là “của” chúng ta và trái tim chúng ta đập lên rộn ràng vì chúng. Không có nơi nào bằng ở nơi đây, hai tiếng “Tổ quốc” lại được cụ thể hóa và nhận thức sâu sắc đến như vậy”.