Thiêng liêng những ngôi đền, chùa nơi biên ải

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một buổi tối tại đảo Trần (Cô Tô - Quảng Ninh), Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (thầy đang trông coi xây dựng chùa Trúc Lâm đảo Trần) đã chia sẻ với chúng tôi về những ngôi đền chùa “cột mốc văn hóa” ở nơi địa đầu Tổ quốc này…
Chùa Trúc Lâm Cô Tô được xây dựng tại khu đồi Truyền hình, có tổng diện tích hơn 2,5ha. (Ảnh: Internet)
Chùa Trúc Lâm Cô Tô được xây dựng tại khu đồi Truyền hình, có tổng diện tích hơn 2,5ha. (Ảnh: Internet)

Phật Giáo luôn đồng hành cùng dân tộc

Thượng tọa Thích Thanh Lịch cho biết, chùa Trúc Lâm đền Trần (hiện đang xây dựng giai đoạn 1), chùa Trúc Lâm Cô Tô và đền Xã Tắc bên sông Ka Long (Móng Cái) là ba “cột mốc” chủ quyền vùng biên ải Đông Bắc. Lịch sử đã chứng minh, Phật giáo luôn đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc. Thời Trần, Vua Trần Nhân Tông được tôn xưng là Phật hoàng, sáng lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, đã từng lãnh đạo quân dân đánh tan quân Mông - Nguyên. Nối tiếp truyền thống đó, có những thời điểm, tu sĩ Phật giáo đã phải “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” để giữ gìn bờ cõi trước khi tiếp tục đời tu.

Ở Quảng Ninh, đầu tháng 4/1945, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Kiên Tranh, sau khi trốn khỏi nhà tù của Nhật ở Thái Nguyên, đã tìm đường ra Đông Triều, nơi ít năm trước ông đã từng làm phu mỏ. Trên đường đi, ông nghỉ chân ở một ngôi chùa trên đất Thanh Hà (Hải Dương). Tại đây, ông được nhà sư cho một áo cà sa và người lao công cho tấm thẻ thân mang tên Nguyễn Văn Tuệ, từ đây ông trở thành sư Tuệ. Sư Tuệ đến chùa Bắc Mã (Đông Triều) đúng lúc sư cụ Võ Giác Thuyên đang tập hợp thanh niên trong vùng để luyện võ đánh lại bọn thổ phỉ đang đêm từ rừng ra cướp của giết người. Sư Tuệ đã làm thơ tặng sư cụ và thuyết phục sư cụ theo con đường của Việt Minh. Chùa Bắc Mã trở thành căn cứ để hình thành lực lượng du kích quân của Chiến khu Đông Triều từ đó… Ở Quảng Yên cũng có một vị sư là liệt sĩ…

Có thể nói, tinh thần tùy duyên của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc đã được biểu hiện đến hôm nay. Những ngôi chùa ở đảo và cuộc dấn thân hành đạo của chư tăng đã cho thấy rõ điều đó. Phát huy truyền thống Phật giáo Việt Nam “Hộ quốc an dân” theo tinh thần “Đạo pháp gắn liền với dân tộc”, hình ảnh các sư thầy có mặt ở nơi lãnh hải xa xôi của Tổ quốc đã chứng minh Phật giáo luôn đồng hành cùng biển đảo và dân tộc. Sự hiện diện vững chãi của những ngôi chùa nơi đảo xa với hình ảnh chiếc áo cà sa kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió là cầu nối gửi gắm bao tình cảm, sự sẻ chia của những người con Phật nơi đất liền.

Cô Tô là huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, giữ vị trí đảo tiền tiêu hết sức quan trọng trước vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng. Chùa Trúc Lâm Cô Tô được khánh thành cuối năm 2019. Chùa xây dựng tại khu đồi truyền hình, bên cạnh di tích lịch sử đền thờ Đại Đội Ký Con có tổng diện tích hơn 2,5ha chia thành các phân khu như Khu cổng tam quan, lầu chuông, lầu khánh, tòa Tam Bảo làm bằng chất liệu gỗ Lim, với diện tích mặt sàn 270m2, nhà thờ tổ, nhà tăng, nhà thờ mẫu, nhà khách, khuôn viên cảnh quan. Kiến trúc theo lối chùa cổ truyền thống, mái cong và lợp ngói hài, tường bao xây gạch đặc, miết mạch không trát với hoa văn hoạ tiết thời Trần mang đậm chất kiến trúc đặc trưng của dân tộc.

Chùa Trúc Lâm đảo Trần đang hoàn thiện giai đoạn một nơi phên dậu Tổ quốc. (Ảnh: PV)
Chùa Trúc Lâm đảo Trần đang hoàn thiện giai đoạn một nơi phên dậu Tổ quốc. (Ảnh: PV)

Theo Đại đức Thích Khai Từ, Trụ trì chùa Trúc Lâm, Cô Tô, với hơn 80% dân số theo đạo Phật, từ lâu nguyện vọng được xây dựng một ngôi chùa thờ Phật ở trên đảo làm nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cho các tín đồ phật tử đã là niềm mong mỏi lớn lao của đông đảo nhân dân, phật tử trên huyện đảo Cô Tô. Và nguyện vọng đó cũng là phù hợp với chủ trương, chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng một ngôi chùa thờ Phật thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên đảo Cô Tô là xây dựng cột mốc văn hóa, khẳng định chủ quyền góp phần củng cố an ninh, chính trị tôn giáo vùng biên giới, hải đảo.

Đền Xã Tắc - nơi thờ thần non sông đất Việt

Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, tục thờ thánh thần từ lâu đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu ở mỗi phố nghề hay mỗi làng quê. Và sẽ đặc biệt ý nghĩa hơn khi có một ngôi đền thiêng như thế tọa lạc ngay tại vùng đất trọng yếu giữa biên cương Đông Bắc. Đó là đền Xã Tắc.

Đền Xã Tắc nằm ở khu vực ngã ba Soáy Nguồn trên sông Ka Long, con sông biên giới giữa hai nước Việt - Trung, bên cột mốc biên giới. Vị trí của đền thuộc địa phận phường Ka Long, thành phố Móng Cái. Tại ngôi đền này, các vị thần được người dân địa phương nhiều đời nay thờ phụng với sự thành kính. Không những thế, đền Xã Tắc linh thiêng đã vượt ra khỏi phạm vi thờ tự của một vùng đất để trở thành nơi thờ thần của non sông gấm vóc Việt Nam.

Những bia đá cổ và bài vị cổ còn lưu lại tại đây ghi rõ: Đền Xã Tắc được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV để thờ thần Xã Tắc, Bản Cảnh Thành Hoàng Xã Tắc Đại Vương thuộc Châu Móng Cái, nước Đại Việt xưa. Theo truyền thuyết, những vị thần này luôn che chở muôn dân và phù hộ cho đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu...

Thuở ban đầu, đền Xã Tắc nằm ở mép sông với quy mô chỉ ba gian nhà, mặt tiền quay về hướng Nam, mái lợp ngói âm dương. Trải qua thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của thời gian, công trình này đã bị phá hủy và đươc phục dựng, trùng tu lần gần nhất vào năm 1989.

Khu vực đền Xã Tắc được mở rộng với diện tích khuôn viên khoảng 20.000m2, trên khu đất cao, tách biệt với những tấp nập của phố xá. Đền được xây hai tầng, tám mái với những họa tiết hoa văn chạm trổ tinh xảo, mái lợp ngói mũi hài. Tại đền Xã Tắc hiện còn lưu giữ được ba tấm bia cổ có niên đại từ năm 1879, trên đó có ghi danh những người đã góp công, góp của để xây dựng nên.

Với người dân vùng biên giới, đền Xã Tắc đã vượt ra khỏi phạm vi thờ thần của một làng, một khu vực, trở thành ngôi đền thờ thần của non sông, đất nước đúng như ý nghĩa của cụm từ “sơn hà, xã tắc”. Hiện những đền, chùa tâm linh đã được thành phố Móng Cái kết nối, xây dựng thành những tuyến điểm tham quan với nhiều nét văn hóa truyền thống và hiện đại đan xen như tuyến điểm du lịch trung tâm thành phố Móng Cái đến bãi biển Trà Cổ, Ðài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn; đền Xã Tắc, đình Trà Cổ, các điểm du lịch Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái; Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ; Di tích nơi thành lập chi bộ Ðảng đầu tiên tại Móng Cái...

Đền Xã Tắc được xây dựng ở khu đất cao, khá tách biệt với những tấp nập của phố xá nơi địa đầu Tổ quốc. (Ảnh: Internet)
Đền Xã Tắc được xây dựng ở khu đất cao, khá tách biệt với những tấp nập của phố xá nơi địa đầu Tổ quốc. (Ảnh: Internet)

Thành phố Móng Cái đang trên đà phát triển, hứa hẹn trở thành đầu mối kinh tế quan trọng tại khu vực Đông Bắc của Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc)...

Trở lại tên gọi đền Xã Tắc, trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi từng viết: “Xã tắc từ đây vững bền, giang sơn từ đây đổi mới”. Các cụ ta khi xưa vẫn thường dùng cụm từ “sơn hà xã tắc” khi muốn nói đến quốc gia. Như vậy, ngay từ những ngày xa xưa ấy, người dân Móng Cái dường như đã có chủ ý lập đền Xã Tắc là nơi thờ vị chủ thần gìn giữ đất đai, xã tắc, sơn hà. Và ngôi đền Xã Tắc tồn tại nơi đó cho đến tận ngày nay cũng không chỉ đơn thuần là một thiết chế tín ngưỡng thông thường, mà đã trở thành một cột mốc linh thiêng trấn giữ đất đai nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc.

Đã hơn 7 thế kỉ trôi qua, trải bao thời gian, biến cố, trải bao lần mưa bom bão đạn, sự hiện hữu của ngôi đền ngay tại vùng đất biên cương trọng yếu này giống như một lời nhắc nhở mỗi người dân đất Việt ý thức về cội nguồn, về trách nhiệm của cá nhân bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Ngôi đền thiêng này vừa là một khẳng định về sự độc lập văn hóa tinh thần, vừa là một cột mốc linh thiêng trấn yên bờ cõi, lặng thầm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Và ý thức “xã tắc” đã đi vào tâm thức mỗi người dân Việt, như một lẽ tự nhiên như thế, cho mãi tới muôn đời…

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Đền Xã Tắc của Móng Cái là một trong số hiếm các đền Xã Tắc hiện còn của Việt Nam. Đền Xã Tắc là di tích quan trọng liên quan đến tín ngưỡng văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ngoài ra vị trí của đền cùng dấu vết của nó có ý nghĩa lịch sử và vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước như là một cột mốc văn hóa”.

Đọc thêm