Thiếu phụ cùng chồng trả thù “yêu râu xanh” vì mối hận 10 năm chưa phai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vụ án mạng xảy ra vào thời điểm gần hai chục năm về trước, tại huyện Sa Nam (TP Khúc Phụ, tỉnh An Huy, Trung Quốc), nguyên nhân bắt nguồn từ một vụ hiếp dâm mà chính nạn nhân gây ra 10 năm trước...
Nỗi uất hận trong quá khứ khiến thiếu phụ trả thù tàn độc (hình minh họa).
Nỗi uất hận trong quá khứ khiến thiếu phụ trả thù tàn độc (hình minh họa).

Ngày 8/3/2003, tại huyện Sa Nam (TP Khúc Phụ, tỉnh An Huy, Trung Quốc) xảy ra một vụ án mạng dã man. Nạn nhân là chủ một lò gạch tên Chu Đại Vĩ (41 tuổi, ngụ cùng địa phương) bị đập nhiều nhát búa vào đầu và tử vong trong tình trạng không mảnh vải che thân tại nhà một thiếu phụ cùng thôn. Nguyên nhân bắt nguồn từ một vụ hiếp dâm mà chính nạn nhân gây ra 10 năm trước...

Nỗi tủi nhục ê chề

Lưu Bách (ngụ huyện Sa Nam, TP Khúc Dương, tỉnh An Huy) là Hội trưởng Hội Phụ nữ thôn. Từ ngày người chồng là Chu Kiệt đi làm ở tỉnh ngoài, Bách rất ít đi xa, chủ yếu ở nhà chăm sóc ruộng vườn và con gái còn nhỏ. Ngày 7/3/1993, một trong số ít lần Bách đi xa khỏi nhà, thế nhưng đó là một ngày đen tối và bất hạnh nhất trong cuộc đời của người phụ nữ này. Hôm đó, Bách đại diện phụ nữ thôn lên thành phố tham gia lễ chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ. Sau khi buổi lễ kết thúc, trên đường về nhà thì trời đổ mưa to. Vượt qua con đường liên thôn lầy lội, Bách về đến nhà thì toàn thân ướt đẫm, vừa lạnh vừa đói, cô ta vội tắm rửa qua loa rồi cho con đi ngủ. Sau đó, vì quá mệt, cô thiếp đi lúc nào không biết.

Cũng không rõ bao lâu sau, đang trong lúc ngủ say thì Bách cảm thấy có một sức nặng đè lên cơ thể mình kèm theo đó là hơi thở gấp gáp của một người đàn ông. Bách choàng tỉnh định nhoài người bật công tắc đèn ở đầu giường thì đôi tay thô kệch của người đàn ông lạ mặt kia đã ghì chặt lấy, sờ soạng khắp cơ thể cô.

Lúc này cô mới ý thức được điều gì đang xảy ra, vừa lấy hết sức vùng vẫy phản kháng vừa định kêu lên thì bị người đàn ông này đè chặt xuống giường, dùng tay bịt miệng khiến cô không tài nào kêu được. Cùng lúc đó, cô cảm nhận được mũi dao nhọn lạnh lẽo dí vào mặt mình, gã đàn ông lạ gằn giọng đe dọa, nếu cô tiếp tục phản kháng thì sẽ giết con gái cô. Nghe vậy, Bách run sợ, toàn thân mềm nhũn không dám phản kháng. Cô ý thức được rằng, sinh mệnh của cô con gái nằm bên cạnh còn quan trọng hơn gấp bội so với việc mình phải chịu nỗi ô nhục này.

Sau khi thỏa mãn nhục dục, gã đàn ông dường như vẫn chưa chịu dừng lại, tiếp tục sàm sỡ cơ thể cô một lúc lâu rồi dùng bộ mặt đầy râu ria dụi vào mặt Bách. Tiếp đó, hắn thì thầm nói: “Bách! Anh thích em, thèm muốn em đến phát điên. Anh nguyện làm trâu làm ngựa, chỉ cần em chấp nhận thì anh sẽ suốt đời ở bên cạnh em.

Chồng đi làm xa, chẳng lẽ em không thấy cô đơn hay sao?”. Nghe những lời nói của gã đàn ông bỉ ổi, Bách cảm thấy giọng quen quen, nhân lúc gã không để ý, cô hất tung người hắn rồi với tay bật chiếc đèn ngủ ở đầu giường. Anh sáng vụt lên khiến cô nhìn rõ khuôn mặt của “yêu râu xanh”, đó không ai khác chính là Chu Đại Vĩ, một người đàn ông cùng thôn.

Nhìn gương mặt đầy căm hận của Bách, dường như Vĩ cảm thấy sợ hãi liền vội quỳ sụp xuống đất rối rít xin lỗi, nói mình thực sự đã để ý Bách từ lâu, hôm nay làm vậy cũng vì quá yêu cô. Bách đau đớn vừa khóc vừa chỉ mặt Vĩ quát đuổi gã ra ngoài. Vĩ sợ tiếng quát của Bách làm đánh thức đứa con gái đang ngủ bên cạnh nên vội vã ôm quần áo rồi nhặt con dao nhanh chóng chạy ra khỏi nhà. Sau khi Vĩ đi khỏi, Bách cảm thấy vô cùng nhục nhã và đau đớn, cơ thể lại bị nhiễm lạnh nên sốt cao. Đến gần sáng cô rơi vào trạng thái mơ hồ rồi bất tỉnh lúc nào không hay biết.

(Hình minh họa).

(Hình minh họa).

Viết huyết thư chứng minh trong sạch

Trưa hôm đó, khi Bách tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên giường bệnh tại trạm xá của thị trấn, bên cạnh là mẹ chồng và con gái đang vô cùng lo lắng, sau đó mẹ và chị gái Bách nghe tin cũng vội vã đến nơi. Lúc đó, mọi người đều cho rằng Bách bị cảm lạnh nên hôn mê bất tỉnh chứ không hề hay biết sự thực xảy ra đêm hôm trước.

Cô cũng không dám kể lại sự việc đã trải qua, nhìn thấy người thân, Bách thương cảm chỉ biết khóc chứ không nói được lời nào. Ngay chiều cùng ngày, Bách tuy còn rất mệt nhưng vẫn nhất quyết đòi về nhà. Tuy nhiên, về đến nơi thì cô mới bàng hoàng phát hiện ra toàn bộ ga, gối và quần áo của cô đã được một người hàng xóm thu dọn, đem đi giặt sạch sẽ.

Vậy là, mọi chứng cứ phạm tội của gã đàn ông tối qua đã không còn bất cứ một thứ gì. Thấy vẻ mặt bần thần khó hiểu của Bách, cả mẹ chồng và mẹ ruột của cô đều thở dài đề nghị gọi điện cho Chu Kiệt lúc đó đang làm việc ở Đông Bắc về nhà một thời gian. Bách nuốt nước mắt vào lòng lắc đầu từ chối, bởi nếu chồng về có thể sẽ khiến sự việc càng thêm rắc rối. Lúc đó Bách chỉ muốn yên tĩnh và để sự việc trôi qua trong im lặng, vì nếu nói ra có thể cũng không ai tin.

Tuy nhiên, từ đó về sau, Bách thường xuyên bị mất ngủ, hoặc nếu ngủ được thì nửa đêm lại giật mình tỉnh giấc. Ban ngày thì tinh thần luôn trong trạng thái thấp thỏm, hoảng loạn, bên tai cô luôn là tiếng hơi thở gấp gáp, những hành động bỉ ổi của gã “yêu râu xanh” kia hiện lên trong đầu cô bất cứ lúc nào khiến Bách suy nghĩ và tiều tụy, gầy đi trông thấy. Hàng đêm cô thường cắn góc chăn, đôi mắt trợn trừng lên trần nhà chửi mắng gã đàn ông đã hãm hại đời mình.

Chu Đại Vĩ hơn Lưu Bách 10 tuổi, hắn ta đã có gia đình đủ đầy, người vợ thật thà chịu thương chịu khó và 2 cô con gái ngoan ngoãn. Vĩ có một cửa hàng bán vật liệu xây dựng, nhìn bề ngoài anh ta là người tương đối hiền lành thật thà, tướng mạo trung hậu, bình thường Vĩ cũng không có vẻ gì là một kẻ hư đốn. Bách không thể hiểu tại sao hắn lại có thể làm chuyện bỉ ổi như vậy với mình.

Sau khi sự việc xảy ra, đã mấy lần Bách bất giác bước chân đến đồn cảnh sát, nhưng gần đến nơi, lý trí lại mách bảo cô rằng trong tay mình không có bất kì chứng cứ nào thì làm sao có thể tố cáo tội ác của Vĩ. Liệu làm như vậy có rút dây động rừng, lại khiến sự việc bị mọi người biết, mình lại một lần chịu nhục. Cũng có mấy lần Bách định tìm đến cửa hàng bán vật liệu xây dựng cùng với một con dao nhọn trong túi áo. Bách nghĩ sẽ quyết một phen sống chết với gã đàn ông không bằng cả cầm thú này. Tuy nhiên, khi nghĩ đến con gái còn nhỏ dại ở nhà khiến Bách không đành ra tay, vậy là cô lại quay về nhà.

Mẹ Bách ở bên cạnh thấy con có điều bất thường, nhưng mỗi lần hỏi thì Bách chỉ khóc chứ không nói gì. Mãi 2 tháng sau, một buổi sáng Bách tỉnh dậy liên tục nôn khan, người mẹ lúc này mới đoán ra tâm sự của con gái, lúc này Bách đã mang thai. Hai mẹ con ôm nhau khóc lóc, mẹ Bách là người có kinh nghiệm khuyên con gái không được nghĩ quẩn. Nói Bách gặp tình cảnh này thì phải giữ kín trong lòng, nhất quyết không được nói cho ai biết. Thế nhưng, Bách vẫn kiên quyết muốn cho chồng biết sự việc, phần là để giảm bớt áp lực trong lòng, phần vì hy vọng chồng đồng cảm giúp mình vượt qua nỗi đau.

Sau khi Chu Kiệt về nhà, chứng kiến cảnh vợ khóc hận kể lại sự việc, Kiệt tức sôi máu liền chạy xuống bếp xách dao định tìm Vĩ để tính sổ. Bách ôm chồng níu lại khuyên nhủ hồi lâu Kiệt mới bình tĩnh lại. Tuy nhiên, chính hành động này của Bách khiến Kiệt nghi ngờ, anh ta cho rằng vợ có tình ý với Vĩ, sợ sự việc bại lộ nên mới nói trước với Kiệt như vậy. Giải thích hết cách mà chồng vẫn không tin, Bách định đâm đầu vào tường, lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình thì Kiệt mới lý trí hơn, an ủi Bách không nên suy nghĩ dại dột.

Sau đó, Kiệt kiểm tra kĩ càng lại khuy cửa bị Vĩ làm hỏng tối hôm đó rồi khéo léo điều tra người hàng xóm giúp giặt giũ chăn gối hôm đó. Thấy mọi việc đều khớp với lời vợ nói thì bán tín bán nghi chứ chưa tin hẳn. Lúc này, Bách cảm thấy vô cùng tủi hận liền cắn ngón tay viết một bức thư máu với nội dung: “Đời này kiếp này, trung trinh với Chu Kiệt, nếu có hai lòng thì trời tru đất diệt. Nỗi hận trong lòng chưa thể rửa, chưa thể làm người. Nay viết thư này làm bằng, không một lời sai trái!”.

Thấy vợ như muốn moi hết tâm can để chứng minh nỗi hận, Chu Kiệt thực sự tin vợ bị hãm hại, đêm đó hai vợ chồng ôm nhau không nói câu nào, chỉ khóc lóc cay đắng. Sáng hôm sau, Kiệt đưa Bách đến bệnh viện phá bỏ cái thai trong bụng. Lúc này, Bách đau đớn nghiến răng tự thề rằng, nhất định phải bắt Chu Đại Vĩ phải trả món nợ này bằng máu.

Trả thù tàn độc sau 10 năm

Sau khi phải chịu nỗi nhục nhã ê chề, dường như thời gian không khiến nỗi thù hận vơi đi trong lòng hai vợ chồng Bách. Từ bệnh viện về nhà, Chu Kiệt không thể yên tâm về vợ, dường như mọi đồ đạc trong nhà, từ chiếc giường, cái chăn đều gợi cho Kiệt cảm giác nhục nhã khó tả. Đặc biệt mỗi lần gặp Chu Đại Vĩ, thái độ không tự nhiên và những câu nói như có vẻ nịnh bợ của hắn lại khiến Kiệt bùng lên nỗi tức giận vô hình, chỉ muốn ngay lập tức ném Vĩ vào lò gạch thiêu cháy gã “yêu râu xanh” này thành than. Sau những lần như vậy, Kiệt và vợ bàn nhau, “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn”, đợi khi nào con gái lớn khôn thì nhất định sẽ tính sổ với Vĩ, bắt gã phải đền tội.

Khi quê nhà trở thành nỗi đau ám ảnh không nguôi, họ chọn cách chạy trốn khỏi nơi này. Trong suốt một thời gian dài sau đó, hai vợ chồng phiêu bạt khắp nơi kiếm kế sinh nhai. Từ Lâm Hai thuộc vùng Đông Bắc đến các thành phố đặc khu duyên hải ở Đông Nam, rồi từ các trang trại ở Tân Cương đến các chợ rau quả... Chu Kiệt vốn là một công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, nhanh nhẹn và có khả năng kinh doanh, chịu khó kiếm tiền nên hai vợ chồng dành dụm được một khoản kha khá.

Thời gian đó, vợ chồng Kiệt lại có thêm một cô con gái. Cuộc sống đủ đầy không phải lo lắng về vật chất, cũng có lúc Kiệt nghĩ việc đã qua thì nên cho qua, cuộc sống con người dù sao cũng chỉ vài chục năm vậy nhưng nỗi đau đêm hôm Bách bị hãm hại khiến cuộc sống hai vợ chồng không được một phút yên ổn.

Kiệt đã cố gắng quên nhưng lại không thể quên được nỗi nhục khắc cốt ghi tâm ấy, bức thư máu mà vợ viết Kiệt vẫn luôn giữ bên người. Cuộc sống vật chất sau đó càng dư dật thì anh ta lại càng cảm thấy rằng, cuộc sống mỹ mãn thì không nên có vết nhơ nhục nhã năm nào. Vì vậy, làm cách nào để gột rửa nỗi nhục nhã, chữa lành viết thương trong lòng trở thành “tâm bệnh” của Kiệt. Dù đã qua 10 năm dài dời xa quê nhà, nhưng “vết thương lòng” dường như không hề bớt đau mà càng trở nên day dứt, nhức nhối hơn. Trong lúc đó, để thể hiện lòng trung ttrinh của mình đối với chồng, Lưu Bách cũng cùng suy nghĩ với chồng, chỉ có báo thù mới khiến “vết thương lòng” hoàn toàn bình phục.

Thế nhưng, phải làm thế nào mới có thể đạt được mục đích báo thù mà lại không khiến mình bị tổn hại. Nói một cách đơn giản là phải làm thế nào để không vi phạm pháp luật? Hai vợ chồng tìm gặp luật sư nhờ tư vấn, nhưng một vụ án hiếp dâm xảy ra cách đó cả chục năm, nếu có tố cáo thì cơ hội khiến hung thủ phải chịu tội trước pháp luật là gần như bằng “con số 0” bởi chứng cứ đã không còn. Vậy là không thể thông qua con đường chính đáng để báo thù, hai vợ chồng Kiệt liền tìm các loại truyện, tạp chí trinh thám, phá án về đọc để tìm cách báo thù hợp lý nhất.

Đầu tháng 3/2003, Lưu Bách và Chu Kiệt từ Thâm Quyến bắt tàu về thành phố Khúc Phụ. Nhân lúc đêm tối, hai người về nhà, Chu Kiệt cả ngày không ra ngoài, chỉ có Bách đi chào hàng xóm để mọi người cho rằng chỉ có một mình Bách về quê, còn Kiệt vẫn đang đi làm xa. Sáng 7/2/2003, Bách đi ra ngoài thì “vô tình” gặp Chu Đại Vĩ cũng đang có việc trên thị trấn. Không giống như trước đây, thấy Vĩ là Bách chủ động chào hỏi.

Vốn vẫn còn lo sợ tội lỗi mình gây ra trước đây, bỗng nhiên thấy Bách cười nói với mình, Vĩ cũng vui vẻ lại gần nói chuyện, Bách rỉ tai Vĩ, giọng điệu có vẻ trách móc: “Tối nay đến nhà tôi, anh ta không có ở nhà...”. Lúc này, Vĩ có nằm mơ cũng không thể ngờ được rằng Bách lại chủ động hẹn mình nên lắp bắp đồng ý.

Cả ngày hôm đó, Vĩ cảm thấy thời gian dài như cả năm. Trước đây, mỗi lần nghĩ lại đêm hôm cả gan hãm hại Bách, Vĩ vẫn thấy toát mồ hôi. Vậy mà 10 năm sau Bách vẫn nhớ đến mình. Vậy là đêm hôm đó Vĩ theo hẹn tìm đến nhà Bách. Đến nơi, Vĩ đóng cửa cẩn thận rồi bật tivi thật to sau đó còn cảnh giác quan sát kỹ căn nhà một lần, đảm bảo an toàn mới yên tâm ôm trầm lấy Bách lúc đó đang ngồi ở cạnh giường.

Khi Vĩ vừa cởi hết quần áo nhào lên người Bách thì Kiệt mới xuất hiện, trên tay là một chiếc búa đinh. Kiệt như con thú điên cuồng túm tóc Vĩ rồi dùng búa đập liên tiếp vào đầu Vĩ đến khi anh ta gục xuống bất động mới dừng tay.

Ngày 10/3/2003, Chu Kiệt, Lưu Bách bị cảnh sát hình sự bắt giữ để điều tra làm rõ về hành vi giết người. Tại cơ quan điều tra, khi được hỏi, Bách nói: “Sự việc đến nước này, ai đúng ai sai đều khó có thể nói rõ. Điều an ủi duy nhất là lúc này con cái đã có thể tự lập cuộc sống được rồi. Hy vọng rằng tội lỗi của chúng tôi không gây ảnh hưởng quá lớn đến tâm hồn non nớt của chúng”, nói xong Bách cúi đầu thở dài khóc lóc.

Bách từ một bị hại được pháp luật bảo vệ lại trở thành bị cáo bị pháp luật trừng phạt, câu chuyện này không thể coi là một bi kịch. Bởi trong 10 năm, vốn dĩ hai vợ chồng Bách đã có rất nhiều cơ hội đưa hung thủ ra ánh sáng pháp luật nhưng họ lại bỏ qua, lựa chọn cách trốn tránh khỏi nơi gây ra nỗi đau. Thế nhưng, sau khi đi khỏi, nỗi ô nhục lại không thể quên. Sau 10 năm không chịu được nỗi đau dày vò, họ quay về quê để báo thù.

Tuy kết quả có thể khiến họ nhẹ đi nỗi đau, thế nhưng cái giá phải trả trước pháp luật là quá lớn, gây thêm nỗi đau cho cha mẹ và con cái cả nạn nhân lẫn chính mình. Câu chuyện trên là bài học cho chúng ta suy ngẫm, giá như họ lựa chọn con đường chính đáng thông qua pháp luật ngay từ khi vụ án xảy ra thì có lẽ đã không có kết cục đau đớn 10 năm sau như vậy.

Đọc thêm