Cái chết của cháu nội và con dâu bà Hồ Thị Ngòi (57 tuổi, ngụ thôn Pa hy, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chỉ cách nhau ít ngày.
Ngày định mệnh ấy, một mình bà Ngòi vừa chăm con dâu bị bệnh ung thư mê man những ngày cuối đời, vừa lo cho hai đứa cháu nội thơ dại. Bà không “đủ tay đủ mắt” nên đứa cháu 18 tháng tuổi chập chững đi xuống hồ nước cạnh nhà chết lúc nào không hay.
Trong ngôi nhà tềnh toàng, người phụ nữ dân tộc Pa cô ngồi thẫn thờ ôm đứa cháu 1 tuổi 1 tháng 12 ngày, mặt mày sáng sủa nhưng thân hình “bé như cái kẹo”. Đó là cháu Lê Thị Việt Chi, đứa con út của con trai bà Ngòi và cô con dâu vừa mới mất vì căn bệnh ung thư máu cách đây mấy tháng.
Cha của bé, anh Lê Thanh Phúc (37 tuổi) đi làm thuê làm mướn, “phó thác” đàn con cho ông bà nội, tối mịt tối mờ mới về nhà. Mà cũng chỉ còn cách nương nhờ nhà cha mẹ, chứ bây giờ bốn cha con anh Phúc miếng đất cắm dùi cũng không có.
Bà Ngòi kể, trước đây vợ chồng con trai bà có ngôi nhà phía trên đồi, với mảnh nương rộng rãi. Vợ chồng sớm tối làm nương làm rẫy, sống cuộc sống đạm bạc nhưng đầm ấm hạnh phúc.
Không ngờ tai ương ập xuống. Căn bệnh ung thư máu âm thầm phát tán trong cơ thể vợ anh Phúc lúc nào chẳng hay. Trong thời gian dài, chị Hồ Thị Việt Bắp (vợ anh Phúc) thỉnh thoảng lại đau ốm.
Nhưng cũng như một số người dân ở huyện miền núi A Lưới, kinh tế vừa khó khăn vừa cách trở xa xôi với bệnh viện, nên chị Bắp bệnh rồi lại tự bớt. Và chị vẫn mang thai đứa con thứ ba.
Chưa đến ngày sinh, nhưng sản phụ có dấu hiệu bất thường nên gia đình đưa chị Bắp xuống bệnh viện đa khoa Bình Điền. Khuya đó, đứa bé thiếu tháng lọt lòng mẹ, èo uột chỉ 1,2kg.
Người mẹ chưa nhìn thấy mặt con đã mê man, nguy cấp tính mạng nên được chuyển ngay về bệnh viện Trung ương Huế và được phát hiện bị ung thư máu giai đoạn cuối.
“Cha nó chới với chạy theo lo cho vợ. Mình già này bàng hoàng ngơ ngác với đứa cháu tội nghiệp, bé bằng cái chai, không có sữa mẹ, phải đi xin bú nhờ”, bà Ngòi nhớ lại.
Ở bệnh viện ba ngày, đứa trẻ được uống ké đúng ba ngày sữa. Bà Ngòi đưa bé về nhà và từ đó bắt đầu gian nan lần hồi sự sống cho đứa cháu nội thiếu sữa và thiếu luôn hơi ấm của mẹ.
Về phần chị Bắp, thời gian nằm viện điều trị kéo dài. Vẫn biết căn bệnh ung thư là “sát thủ”, nhưng nghĩ còn nước còn tát, người chồng bán hết gia sản là mấy con trâu, chiêng ché nồi niêu. Và cuối cùng, anh Phúc bán nốt ngôi nhà, mảnh nương mong cứu vợ. Nhưng vẫn không cứu được.
Lúc chị Bắp được đưa về nhà, tinh thần đã lú lẫn “chín mê một tỉnh”. Người phụ nữ ngấp nghé cái chết thường chìm vào những cơn đau đớn, mê man.
Từ ngày bán nhà bán nương, tay trắng, anh Phúc “phó thác” người vợ bệnh tật và đàn con cho cha mẹ, đi làm thuê, mong kiếm chút tiền về trang trải những bữa cơm thường chỉ lõng bõng nồi canh rau rừng và bát muối giã lẫn với ớt.
Đã vậy gia cảnh vợ chồng người em trai của anh Phúc cũng khó khăn, nên gửi đứa con một tuổi rưỡi nhờ mẹ trông, để cắm cúi vào rừng lên rẫy. Thành ra, bà Ngòi vừa chăm con dâu bị bệnh ung thư mê man hấp hối những ngày cuối đời, vừa lo cho hai đứa cháu nội thơ dại.
|
Bà cháu bà Ngòi đang rất cần sự giúp đỡ của những bạn đọc hảo tâm |
Bà không “đủ tay đủ mắt” nên đứa cháu một tuổi rưỡi lững chững đi xuống hồ nước cạnh nhà chết lúc nào không hay. “Hôm đó trời lạnh, cháu mặc áo ấm bằng vải phao nên lúc đuối nước, cháu nằm úp mặt nổi lập lờ. Phát hiện cảnh đó, tui hoảng loạn gào thét rồi ngất lịm, khi tỉnh dậy mới biết bà con xóm giềng đã vớt cháu lên, gọi cha mẹ cháu về lo hậu sự. Con trai và con dâu không trách móc câu nào, nhưng nhìn chúng chỉ là cái xác không hồn, ruột già này như bị dao cắt”, bà kế.
Chưa đầy một tháng sau khi đưa tang con, cô con dâu của bà Ngòi “buông tay”, không bám víu được sự sống. Gia đình bà lại tang tóc. “Đội” một lúc hai cái tang, bà Ngòi như già thêm hàng chục tuổi, đau đớn bơ phờ.
Đứa trẻ ngơ ngác nhìn bà nội khóc. Bà Ngòi kéo cháu ôm vào lòng. Bà lặp lại, tính đến ngày hôm nay con bé tròn 1 tuổi 1 tháng 12 ngày. Dường như bà khắc khoải đếm từng ngày kể từ lúc ôm đứa cháu thiếu tháng, thiếu sữa, thiếu hơi ấm của mẹ, chỉ 1,2kg từ bệnh viện trở về để lần hồi sự sống.
Với 1 triệu đồng mỗi tháng tiền chế độ của chồng bà Ngòi và khoản tiền “phập phù” đứa con trai “mồ côi vợ” kiếm được từ công việc làm thuê, người lớn trong nhà “bóp mồm bóp miệng” cũng chẳng đủ, phải vay mượn thêm để mua sữa cho cháu.
Chỉ vào vỏ những hộp sữa, bà bảo từ lúc lọt lòng đến bây giờ, đứa cháu nội chỉ uống một loại này. Giật mình thấy trên vỏ hộp ghi đây là loại sữa dành cho trẻ từ 1-2 tuổi. Không biết chữ nên bà nội bé chỉ biết... mua đại:
“Nó đau ốm suốt. Khi nào đau nặng quá mới đem đi bệnh viện, chứ nhà đâu có tiền. Vừa rồi nó mới nằm viện hai tuần liền. Thấy cháu đau ốm, xót trong cái bụng lắm...”.
Bà kể, xót xa nhất là lúc chứng kiến cảnh con dâu trong giây phút tỉnh táo trước khi tắt thở, rướn lên mong gọi tên con, ôm con một lần. Thế nhưng lúc đó chị Bắp đã không còn nói được nữa.
Những tiếng ú ớ nhỏ dần. Đôi tay yếu ớt xuôi dần. Mắt từ từ nhắm lại, nước mắt ứa hai hàng, chảy từng vệt loang lổ xuống gò má vàng vọt hốc hác. Đứa trẻ chưa một lần biết hơi mẹ, sợ hãi khóc thét lên.
Trước đây mọi người trong gia đình xúm vào chăm sóc người mẹ ung thư, không còn nhiều thời gian chăm đứa bé, nên cháu đã còi cọc lại càng còi cọc, nuôi mãi mà bây giờ mới chỉ nặng 5kg.
Chiều chạng vạng. Bóng tối loang núi rừng khiến không gian thêm u buồn, cô tịch. Đứa trẻ suy dinh dưỡng ngồi trong lòng bà nội, mắt chăm chăm ra phía cửa. “Nó ngóng cha đó. Từ ngày không còn nương, không còn trâu, cha nó phải đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Làm hết việc gần thì phải đi xa, ngày nào cũng tối mịt tối mờ mới về đến nhà”, bà chép miệng./.