Thiếu phụ không tay may áo bằng… chân

(PLO) - Không có đôi tay chèo chống, chị luyện cho mình đôi chân thật khéo. Từ chuyện may vá, rồi đan lát, quét dọn cửa nhà, chị làm rất thuần thục, đều bằng chính đôi chân thô ráp chai sần.
Chân dung chị Hành, người phụ nữ nghị lực
Ngay khi mới lọt lòng, chị Nguyễn Thị Hành (52 tuổi, ngụ phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã không bình thường như bao đứa trẻ khác. Cuộc đời đã ban cho chị cuộc sống, nhưng lại lấy mất của chị đôi tay. Hờn giận số phận, những lúc yếu lòng, chị lại muốn tìm cái chết để giải thoát cho chính mình và người thân. Nhưng rồi niềm khao khát sống đã giúp chị vượt qua mặc cảm. 
Tình chị em 
Chị Hành kể về phận mình bằng giọng bùi ngùi. Ngày chị chào đời, người mẹ đã khóc cạn nước mắt. Nhìn đứa con gái mặt mày sáng sủa, nước da hồng hào, nhưng không có tay, bà đau đớn, ngày đêm nước mắt vòng quanh. Bà đặt con gái tên Hành, nhắc nhở sau này là gánh nặng đời bà. 
Thấy chị Hành dị dạng khác người, hàng xóm láng giềng đều ghẻ lạnh, chẵng ai dám đặt chân đến nhà. Người mẹ càng thêm tủi hổ. “Chị gái tui kể, mẹ tui cũng vì buồn bực trong lòng mà sinh ra ốm đau mãi. Rồi sau một cơn bạo bệnh, mẹ bỏ chị em tui mà qua đời. Năm đó tui mới 12 tuổi”, chị Hành nhớ lại.
Mẹ mất, thương em gái tật nguyền côi cút, chị Mưa thay mẹ chăm em. Tuổi 18 xinh tươi  bị chị chôn chặt ngoài những cánh đồng. Suốt ngày làm lụng quần quật nơi ruộng đồng, chị Mưa mới kiếm đủ cái ăn cho hai chị em. Có chút thời gian, chị dành hết cho cô em gái tật nguyền. “
Thương em, bao nhiêu người ngấp nghé, người chị đều ngó lơ. Năm 30 tuổi, chị Mưa có quyết định táo bạo, “xin” một đứa con. Ngày con trai chị Mưa chào đời, căn nhà lạnh lẽo của hai người phụ nữ hoàn toàn thay đổi. Dường như có một luồng sinh khí mới, một sức sống mới làm dịu mát tâm hồn đã héo úa của hai người đàn bà nhan sắc nhưng lắm truân chuyên.
Chị Hành chia sẻ, biết vì mình mà chị gái phải lỡ làng tình duyên, lòng chị cũng xót xa. Nhưng hồi ấy chị chẳng bao giờ dám hối thúc chị gái lấy chồng. Từ khi mới lọt lòng, cuộc sống của hai chị em đã gắn chặt vào nhau. Những vui buồn, tủi hổ của kiếp sống tật nguyền, đều nhờ chị gái nâng đỡ. “Tui như ri, đành yên phận. Chỉ tiếc mình đã làm lỡ làng cuộc đời chị gái. Không biết ở trên trời, mẹ có trách tui không”, chị rầu rầu.
Dùng chân may áo
Kể về những gian truân của kiếp người không trọn, đôi lúc chị Hành lại ứa nước mắt. Chị bảo, phải đến năm 10 tuổi mới biết đi: “Người bình thường một tuổi đã đi được. Nhưng tui không có tay, không có chi để giữ thăng bằng, cứ bước đi là bổ sấp bổ ngửa. Phải mất 10 năm tập luyện, tui mới đi lại bình thường”. 
Không tay, chị thiệt thòi không được đến lớp. Ngày ngày nhìn đám trẻ con trong xóm cắp sách đến trường, cô bé thèm đến ứa nước mắt. Rồi trốn mẹ, trốn chị gái, một mình mò mẫm ra đầu làng, đứng lấp ló ngoài cửa sổ nhìn đám bạn ngồi trong lớp ê a đọc chữ. Thầy cô đuổi cô bé về, họ bảo “không có tay, làm răng viết chữ, răng học được”. 
Không theo học được ở trường, cô bé tham gia lớp bình dân học vụ. Chị dùng đôi chân, mày mò ghi từng nét chữ. Sau những vất vả gian lao, chị đã viết thành thạo, đọc vanh vách. Chị bảo, “chỉ cần kiên trì cố gắng, tất sẽ làm được”.
Thấy chị gái làm lụng suốt ngày, cô em cũng muốn đỡ đần giúp. Bắt đầu là những việc nhỏ như quét nhà, lau nhà: “Hồi đó, thấy mấy đứa con nít cũng quét được nhà, mà mình không làm được, tui tự ái ghê gớm. Rứa là tui tập làm. Làm miết thành quen”. Đôi chân chị Hành bắt đầu làm việc khéo léo như một đôi tay. 
Những ngày gian khó, ai thuê mướn việc gì, chị cũng làm. Không có tay, chị dùng đôi chân thay thế. Chị sàng gạo thuê khắp làng để mưu sinh. Nhà ai có cái áo cái quần rách vai, sứt chỉ, người ta cũng thuê chị khâu vá. Một thời, chị Hành còn sinh sống bằng nghề đan áo.
 “Hắn dùng chân để đan, nhưng đan nhanh và khéo lắm. Áo hắn đan, bao giờ cũng được người ta khen đẹp và trả công cao”, chị Mưa nói bằng giọng tự hào. 
 Chị Hành khâu áo bằng bàn chân khéo léo
Để có được những đường kim mũi chỉ khéo léo, chân chị Hành đã bị kim đâm không biết bao nhiêu mà kể. Những lần đầu tập làm, thấy chân em cứ chảy máu vì kim đâm, xót lòng, người chị mang hết kim chỉ đi giấu, cấm tiệt cô em không được đụng đến. Nhưng chị Hành vẫn lén chị, kiên trì tập luyện, nhiều khi máu thấm ướt cả tấm áo đang may. 
Vượt qua mặc cảm để sống
Đôi chân của chị Hành ngoài việc để đi lại, còn làm mọi thứ thuần thục như đôi tay. Dù đã tập luyện, làm được mọi thứ như người bình thường, nhưng nỗi mặc cảm tật nguyền vẫn luôn len lỏi trong tim chị. Chị kể, vì mình không có tay, nên người trong làng gọi chị bằng tên “Cùi”.
Lũ trẻ cứ thấy chị đi đằng xa lại réo lên “cùi không tay, cùi không tay” khiến chị ứa nước mắt, nhiều lúc phải đi tránh đường khác. Biết là lời nói của trẻ con, nhưng mỗi lần nghe, chị lại thấy đau như bị ai dùng dao cứa vào người. Đôi lúc biết chị Hành bị con mình chọc ghẹo, nhiều bà mẹ lật đật sang xin lỗi. Chị cười trừ, mà nước mắt cứ chực trào ra.
Chị kể, ngày trước còn làm thuê làm mướn, kiếm được đồng ra đồng vào nuôi thân. Nhưng bây giờ đành chịu. Một phần lớn tuổi, không còn sức để làm. Phần khác kiếm việc không ra. “Giờ nhà ai cũng khá giả, làm chi còn ai thuê tui vá áo vá quần. Người làng vẫn còn làm ruộng như trước, nhưng sân nhà ai cũng đổ bê tông, lúa gạo làm ra chẳng có lấy một hạt sạn. Nghề sàn gạo thuê của tui thành ra thất nghiệp”, giọng chị bất chợt chùng xuống. 
“Tui ước mình luôn khỏe mạnh, để không làm nặng thêm gánh trên vai chị ấy. Tui cũng mong chị ấy cứ khỏe mạnh như ri mãi, để tui còn có nơi nương tựa, cậy nhờ”. 
Nghe cô em bày tỏ, người chị khe khẽ thở dài: “Đời người ngắn lắm, chỉ như ngọn đèn treo trước gió, chẳng ai biết được lúc nào sẽ tắt. Tui chỉ canh cánh trong lòng, nhở đâu mai này mình “rơi rụng”, thì em gái biết xoay sở ra sao”./.

Đọc thêm