Thiếu tiền ăn chơi thì... vay, tự đút đầu vào “tín dụng đen”

(PLO) - Vay lãi nặng để ăn chơi đang trở thành một thực trạng đáng buồn xảy ra ở giới trẻ, kể cả một số sinh viên. Điều đáng nói là, không ít người  trong số đó từng khá ngoan, nhưng khi đã dấn thân thì sẵn sàng nhắm mắt vay tiền của “tín dụng đen” và kết cục là bị xiết nợ bằng bạo lực.
Các chiêu trò quảng cáo của “tín dụng đen” được đăng tải, in giấy dán khắp các hang cùng ngõ hẻm
Thiếu tiền chơi thì đi vay
Hiện nay không thiếu những “tấm gương” những người vướng vào vũng lầy ăn chơi để đến nỗi sa ngã, rơi vào vòng lao lý. Thế nhưng những bài học cũng không khiến những kẻ đi sau tỉnh ngộ. Vẫn có hàng trăm người, đặc biệt là giới trẻ, vì thiếu tiền chi tiêu hoặc đua đòi mua sắm, chơi bời nên tiếp tục sập bẫy “tín dụng đen”. Người thì cầm cố thẻ sinh viên, người cầm máy tính, xe máy. 
Điều đáng nói là các quỹ “tín dụng đen” thực chất được lập bởi những người cho vay  lãi nặng, với mức độ ưu đãi khá “thoáng” là không cần thế chấp. Thế nhưng như một thanh niên từng đi vay lãi nặng cho hay: “Họ không đòi hỏi người vay thế chấp vì họ biết không thể chạy được. Họ có đường dây “xã hội đen” đòi nợ, sẵn sàng đánh đập con nợ”. Một “khổ chủ” của nạn vay nóng cho biết.
Nguyễn Lê Huy, một sinh viên Trường Đại học Thái Nguyên đã viết những lời tâm sự gây xôn xao mạng xã hội  với lời nhắn nhủ chân thành tới các bạn đồng trang lứa rằng đừng rơi vào vũng lầy ăn chơi sa đọa như cậu đã từng. 
Huy mồ côi bố, sống với bà nội và ao ước được lập thân bằng con đường học hành. Nhưng ở môi trường mới, bị bè bạn xấu rủ rê cậu đã sa ngã, vay tiền, cầm đồ để đổ vào cờ bạc, rượu chè. 
Khi rơi vào cảnh nợ nần chồng chất thì không ai khác chính gia đình là người phải giúp Huy trả nợ. Giật mình tỉnh ngộ, Huy tâm sự: “Đời sinh viên mỗi chúng ta chỉ vài năm, bảo ngắn không ngắn, dài không dài nhưng đừng làm việc dại dột, hãy sống thật có ích, xứng đáng với những hi sinh và kỳ vọng của gia đình”.
Kết cục đau lòng được báo trước
Không chỉ sinh viên tỉnh lẻ lên phố sập bẫy các trò ăn chơi mà tại những vùng ven Hà Nội cũng có nhiều người vấp ngã khi làn sóng “tín dụng đen” tràn tới. Nhiều ông bố, bà mẹ vất vả làm ăn, tích cóp để nuôi con cái ăn học, bỗng một ngày bị dúi vào tay tờ giấy vay nợ, do con mình ký với số tiền hàng trăm triệu đồng. 
Tiêu biểu cho trường hợp này là Nguyễn Đức Khôi và bạn là Nguyễn Văn Mạnh ở An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Ông Nguyễn Văn T., bố Khôi cho biết: “Con trai tôi vốn hiền lành, ham học, vậy mà chẳng hiểu sao đi vay số tiền lớn như vậy để ăn chơi, cờ bạc rồi hư hỏng. Thật không thể hiểu nổi. Cả đời tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện động trời như thế”. 
Ông T. đã tự tử vì bi kịch gia đình như thế.
Qua tìm hiểu, Khôi và Mạnh đã vay lãi số tiền 150 triệu đồng và 300 triệu đồng của Hoàng Quốc Anh (29 tuổi, ở cùng xã) với lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Số tiền có được cả hai dồn vào các phi vụ chơi bời, không hề nghĩ đến hậu quả. 
Khi không đòi được nợ, chủ nợ đã bắt và đánh đập Khôi và Mạnh. Ông T. đã phải chứng kiến các đối tượng cho vay lãi nặng đánh đập con trai ông và bắt ông viết giấy nhận nợ.
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận nhiều vụ việc và xử lý nhiều đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo về những kết cục nếu chạm tay tới những gói tín dụng không an toàn. 
Ngay tại những hiệu cầm đồ, các sinh viên đến cầm cố đồ đều được nói đến mức giá cao. 
Thí dụ một sinh viên cắm thẻ lấy 8 triệu đồng, với mức lãi suất 7.000 đồng/1 triệu/ngày thì một ngày số tiền lãi phải trả cho chủ hiệu là 56.000 đồng. Nếu không có tiền chuộc thẻ nhanh, trong vòng một tháng số tiền lãi đã lên tới 1,68 triệu đồng. Chỉ hai tháng thôi, số tiền lãi đã lên đến hơn 3 triệu đồng. 
Nhiều chuyên gia xã hội đã chỉ ra, vì việc quản lý bị buông lỏng khiến cho kiểu cho vay lãi nặng tràn về, bủa vây người nghèo và đối tượng sinh viên. Các chiêu trò quảng cáo được đăng tải, in giấy dán khắp các hang cùng ngõ hẻm. 
Chủ nợ cũng biết cách “chọn mặt gửi vàng”  khi nhắm tới con nợ là con một, được nuông chiều hoặc có đất đai, nhà cửa rộng rãi. 
Trung tá Trần Hải Quân - Phó Trưởng Công an huyện Đông Anh, Hà Nội cho rằng, không ít chủ nợ đã cộng tác với con nợ để uy hiếp gia đình, khi sự việc vỡ lở thì hậu quả đã ở mức nghiêm trọng.
Làm sao để giảm bớt những mối họa xảy đến với sinh viên, các bạn trẻ và người nghèo, rất cần sự nỗ lực quản lý của các cơ quan chức năng, đặc biệt là công an. Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần quản lý con chặt chẽ hơn, tránh vay nợ, trở thành đối tượng làm ăn của những kẻ cho vay lãi nặng và trục lợi bằng bi kịch và nỗi đau của người khác. 

Đọc thêm