Thở để cân bằng cuộc sống

(PLVN) - Người ta vẫn thường nghĩ về “thở” như một điều gì đó rất bình thường, rất hiển nhiên trong cuộc sống mà không biết rằng, thực ra thở cũng cần phải học, phải biết cách thở đúng thì sức khoẻ mới tốt, chất lượng cuộc sống mới được nâng cao và tâm trí mới được bình an.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thở cũng cần phải học

Từ sau khi mắc COVID-19 lần thứ 2 cho đến nay, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, nhân viên kế toán, ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh vẫn luôn thấy sức khoẻ bản thân giảm sút, đặc biệt là đường hô hấp. Chị thường xuyên bị hụt hơi, hơi thở ngắn và yếu, kèm theo đó là các triệu chứng hay hồi hộp, tim đập mạnh… Khi đi khám bệnh thì không ra bệnh, tuy nhiên, bác sĩ có khuyên chị Nhung nên học cách điều hoà hơi thở. Đầu năm nay, chị Nhung đã theo một một khoá yoga, trong đó có phần học thở, đồng thời kết hợp đi bộ đếm nhịp thở mỗi tối và thấy sức khoẻ mình cải thiện đáng kể, các triệu chứng trước đó biến mất, tinh thần chị cũng cân bằng hơn, yêu đời hơn.

Thời gian qua, đặc biệt là sau đại dịch, khi sức khoẻ cộng đồng suy giảm, nhiều người đã tìm cách cải thiện sức khoẻ và nhịp thở bằng nhiều bộ môn thể thao như chạy bộ, đạp xe, leo núi, thể hình hay yoga… Trong số đó, yoga được nhiều người lựa chọn bởi đây là một bộ môn thể thao không những cải thiện vóc dáng mà cải thiện cả sức khoẻ thể chất và tinh thần từ bên trong. Đặc biệt, yoga chú trọng đến nhịp thở, các động tác đều kết hợp việc học cách hít thở sao cho hài hoà. Các chuyên gia về sức khoẻ cộng đồng khuyên rằng, với bất cứ bộ môn thể thao nào, việc duy trì nhịp thở ổn định, đều đặn, tóm lại là thở đúng đều rất quan trọng.

Ông Michael Melnychuk, tác giả một nghiên cứu về cải thiện sức khoẻ thông qua hơi thở đã chia sẻ: “Trong suốt 2.500 năm qua, những người tập yoga đã cho thấy rằng việc hít thở có ảnh hưởng đến tâm trí. Trong nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi tìm kiếm những liên kết sinh lý thần kinh để giải thích các khẳng định này, bằng cách đo nhịp thở, thời gian phản ứng và hoạt động não bộ ở những vùng nhỏ trong thân não được gọi là locus coeruleus (đây là một vùng của thân não liên quan đến các kích thích và cảm xúc), nơi sản sinh ra noradrenaline. Noradrenaline là hệ thống hành động đa năng bên trong não. Khi chúng ta bị căng thẳng, noradrenaline được tạo ra nhiều dẫn tới việc không thể tập trung được. Khi chúng ta cảm thấy uể oải, quá ít noradrenaline được tạo ra, nên một lần nữa, chúng ta không thể tập trung. Có một “điểm hoàn hảo” của noradrenaline mà ở đó cảm xúc, suy nghĩ và trí nhớ của chúng ta trở nên rõ ràng hơn nhiều”.

Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra nhiều tác dụng thấy rõ của việc thở đúng cách, bên cạnh điều hoà huyết áp, giảm một số cơn đau mãn tính, cải thiện giấc ngủ và chống mất ngủ, còn mang lại một số hiệu quả không ngờ cho sức khoẻ tinh thần, bao gồm tăng sự tập trung và sáng tạo; cải thiện trí nhớ; giảm căng thẳng, lo lắng, giảm các triệu chứng trầm cảm…

Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA) đã đưa ra những lời khuyên về phương pháp thở đúng cách nhằm nâng cao sức khoẻ, trong đó có hai phương pháp chính là mũi và thở bằng bụng.

Việc thở bằng mũi có thể làm chậm hơi thở và giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn. Cách thở này cũng tạo điều kiện hấp thụ oxit nitric (hợp chất giúp tăng cường lưu thông máu), hỗ trợ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.

Trong khi đó, thở bằng bụng được coi là một phương pháp hữu hiệu giúp tăng lượng khí lưu thông vào phổi. Cách thở hiệu quả nhất là đưa không khí xuống bụng hay còn gọi là hít thở sâu. Khi cơ hoành co lại, bụng sẽ nở ra để đẩy lượng không khí lấp đầy phổi. Thở bằng bụng mang đến hiệu quả vì giúp tạo ra áp suất âm bên trong lồng ngực, tăng dung tích lồng ngực khiến lượng không khí vào phổi tăng lên.

Việc tập luyện các phương pháp thở cần được duy trì đều đặn mỗi ngày, tập như một thói quen. Cạnh đó, tập hít thở cũng cần đi kèm với sự thực tập tĩnh tâm và một lối sống lành mạnh thì mới đạt kết quả tốt nhất.

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, an lạc trong từng bước chân. (Ảnh: Internet)

Bình yên trong từng hơi thở

Trong hướng dẫn các phương pháp thiền, các vị thiền sư thường nhắc nhiều đến hơi thở. Hơi thở được coi như một chiếc cầu nối giữa thân và tâm. Bằng cách theo dõi, quan sát hơi thở, người thiền tập nói riêng và mỗi người thực tập nhịp thở nói chung có thể giữ được chánh niệm, duy trì được thiền tính trong lúc hành thiền hoặc trong mỗi hoạt động của đời sống. Việc theo dõi, quan sát hơi thở mọi lúc mọi nơi giúp tâm trí không “rong chơi” lan man mà cố định với thân thể, và như thế, người thực tập có thể giữ được chánh niệm trong đời sống, sống một cách tỉnh thức, và đó là khởi nguồn cho nhiều điều thiện, lành.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có bài kể về sự thở rất nổi tiếng, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, và hàng triệu người thuộc nằm lòng như một “bí quyết gối đầu giường”: Thở vào tâm tĩnh lặng/ Thở ra miệng mỉm cười/ An trú trong hiện tại/ Giờ phút đẹp tuyệt vời.

Chỉ bằng việc thở, người ta có thể đưa tâm trí mình trở về với cái “rỗng” sâu sắc. Khi lắng tâm mình cùng hơi thở, sẽ không còn chỗ cho những suy nghĩ viễn vông, những xáo trộn, căng thẳng diễn ra trong đầu óc nữa. Khi lắng tâm theo từng hơi thở, lúc ấy con người ta không còn nghĩ đến quá khứ hay tương lai. Tâm trí người đã sẽ đạt đến trạng thái tĩnh lặng. Và hơi thở khi ấy sẽ đi kèm “mỉm cười”, cái cười nhẹ nhàng, êm ái của tâm an. Thở vào và thở ra, tĩnh lặng và mỉm cười, ấy chính là phút giây thực tại đầy hạnh phúc và bình an mà nhiều người hằng khao khát kiếm tìm.

Thở đúng, thở chánh niệm không chỉ giúp mỗi người an trú trong thực tại, khởi sinh những điều tốt lành, mà hơi thở còn mang theo năng lượng chữa lành rất lớn. Trong cuộc sống, trải qua những va đập, vấp váp, những điều bất như ý, ai rồi cũng sẽ có trong lòng những nỗi phiền muộn, lo toan, sân hận, oán ghét. Và thở đúng cách chính là một phương pháp giản đơn mà hiệu quả để hoá giải những năng lượng tiêu cực ấy.

Trong phần “Hơi thở chánh niệm”, tác phẩm “Giận”, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết về phương pháp thở để xua tan sân hận như sau: “Khi năng lượng của sân hận, ghen ghét, hay tuyệt vọng phát hiện thì ta phải biết cách xử lý, nếu không thì ta sẽ bị những cảm xúc ấy tràn ngập và sẽ đau khổ vô cùng. Hơi thở chánh niệm là một pháp môn thực tập giúp ta chăm sóc cảm xúc.

Trước hết phải nên biết rằng muốn chăm sóc cảm xúc thì phải biết chăm sóc thân thể. Khi ý thức hơi thở vào, ra ta sẽ ý thức cơ thể. “Thở vào, tôi ý thức toàn thân tôi, thở ra tôi ý thức toàn thân tôi.” Hãy trở về với cơ thể, ôm ấp cơ thể bằng năng lượng chánh niệm do hơi thở chánh niệm chế tác.

Hơi thở là một phần của cơ thể. Khi giận hay lo sợ thì hơi thở ngắn, dồn dập, phẩm chất của hơi thở trở nên yếu kém. Nếu biết sử dụng hơi thở vào, ra có ý thức, thì chỉ trong vài phút hơi thở sẽ êm dịu, điều hòa và tâm thần cũng trở nên lắng dịu.

Thở là một nghệ thuật cũng như thiền tập là một nghệ thuật. Phải thở như thế nào để thân và tâm được điều hòa, và không nên dồn ép hơi thở.

Chúng ta nên thực tập buông thư toàn thân như thế ít nhất là mỗi ngày một lần”. Người ta thường tìm đến rất nhiều loại thuốc để ngăn ngừa và trị bệnh. Con người ta cũng thường tìm kiếm cho mình rất nhiều phương pháp từ đơn giản đến phức tạp, từ ít tiền đến tốn kém, nhưng thường quên để ý đến liều “thuốc tiên” ở bên mình, chính là thở đúng cách.

Hơi thở, tưởng chừng chỉ là một công cụ duy trì sự sống, hoá ra lại rất diệu kì khi mang theo những cách thức để chữa lành những bệnh tật ở cả thân thể lẫn tâm trí. Hơi thở là một cây cầu nối thân và tâm, là cánh cửa mở ra những hành trình tâm linh và chữa lành, là một phép lạ ở ngay chính trong ta.

Đọc thêm