Thơ Thiền Việt Nam (Bài 15): Ni sư Diệu Nhân với bài kệ Thị tịch lay động thân tâm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ni sư Diệu Nhân là nữ thiền sư đầu tiên ở thế hệ thứ XVII, là Ni sư hy hữu của dòng Thiền dân tộc Nam phương do Tổ sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi sáng lập. Trong sự nghiệp tu hành của mình, Ni sư chỉ lưu lại một bài kệ thị tịch nhưng đủ gây chấn động mãnh liệt nơi nội tâm, thức tỉnh chúng ta trên dòng sinh tử.
Thơ Thiền Việt Nam (Bài 15): Ni sư Diệu Nhân với bài kệ Thị tịch lay động thân tâm

Từ công chúa cao quý tới vị Ni sư được người đời tôn sùng

Theo sách Thiền uyển tập anh ngữ lục, Ni Sư Diệu Nhân (1042 - 1113) thế hệ thứ 17 Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tên húy là Lý Ngọc Kiều ở làng Hương Hải, Phù Đổng, huyện Tiên Du. Bà là con gái lớn của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung, được vua Lý Thánh Tông nuôi ở trong cung từ nhỏ, lớn lên phong làm công chúa.

Sau khi chồng mất, bà thể thủ tiết, không tái giá. Một hôm bà phàn nàn rằng: “Ta xem tất cả các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được hay sao?”.

Từ đó bà dốc hết tư trang, gia sản bố thí cho dân chúng rồi cạo tóc xuất gia, tìm đến xin thọ Bồ tát giới với thiền sư Chân Không (1046 – 1100) ở hương Phù Đổng. Ni sư chăm chú học hỏi những điều tâm yếu, được thiền sư Chân Không đặt cho pháp danh là Diệu Nhân và đưa đến trụ trì ở Ni viện Hương Hải, hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Sư tu tập, hành thiền được chính định, trở thành bậc mẫu mực trong hàng Ni sư thời bấy giờ.

Từ cô công chúa đến thiền sư, từ nữ nhi cao sang quyền quý đến bậc xuất trần, một bước nhảy tâm linh cao tột, như đường tơ kẽ tóc, như nhát kiếm chém phăng vào dòng nước không để lại dấu, cánh nhạn vượt trời không, lặng thinh phổ cập, một sự đến đi trong vô cùng không tận, không nghĩ chẳng bàn.

Vào ngày mồng một tháng sáu năm Hội Trường Đại Khánh thứ 4 (1113) đời vua Lý Nhân Tông, một hôm sư lâm bệnh gọi Tăng chúng đến đọc bài kệ thị tịch, sau đó sư tắm gội sạch sẽ, rồi ngồi kiết già viên tịch, thọ 72 tuổi.

Lẽ nhân sinh qua bài Kệ thị tịch

Bài thơ Sinh lão bệnh tử của bà là lời phát biểu khá độc đáo về lẽ “sinh” “tử” – một vấn đề nhân sinh được nhiều thiền sư thuộc phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi quan tâm xem xét.

Nguyên văn bài thơ như sau:

“Sinh lão bệnh tử,

Tự cổ thường nhiên.

Dục cầu xuất ly,

Giải phọc thiêm triền.

Mê chi cầu Phật,

Hoặc chi cầu Thiền.

Thiền Phật bất cầu,

Đỗ khẩu vô ngôn”.

Dịch nghĩa:

“Sinh già bệnh chết,

Từ xưa thường vậy.

Muốn tìm thoát ra,

Cởi trói quấn vào.

Mê mà cầu Phật,

Hoặc mà cầu Thiền.

Thiền Phật không cầu,

Ngậm miệng không nói”.

Theo Phan Hữu Nghệ, bài thơ có hình thức rất giản dị nhưng đã chứa đựng một nội hàm thật sâu sắc. Nói được việc Thiền nhưng cũng sáng tỏ cả việc đời. Đọc thơ, người ta có thể nhận ra ở trong đó đã thể hiện một bản lĩnh tuyệt vời và một tấm lòng từ bi bác ái sâu sắc của Ni sư dành cho chúng sinh “mê hoặc”.

Vào bài bằng hai câu thơ rất tự nhiên: “Sinh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên” Ni sư đã nhắc lại cái quy luật sinh tử vô thường của kiếp người, của cuộc đời, của vạn pháp. Đó là cái lẽ thường tự nhiên từ ngàn xưa, là nguyên lí tự nhiên, nó vốn như thế, sẵn như vậy, tồn tại rồi mất đi, chỉ có như vậy, không gì có thể làm thay đổi, không ai có thể cưỡng lại, hay chống đối, hoặc chế ngự, làm ngưng trệ cái lẽấy được. Vấn đề là, bởi đã nhận chân được đó là cái lẽ thường tự nhiên rồi thì hành giả ung dung, thong dong, tựtại khi đón nhận, không lo lắng, sợ hãi trước quy luật vô thường, biến thiên ấy.

Câu hai bổ sung cho một câu, làm rõ hơn cách “đốn ngộ “(hiểu) về “Sinh lão bệnh tử” của bậc chân tu. “Tự cổ thường nhiên (Từ xưa thường vậy). Đây là quy trình của một quy luật tồn tại khách quan, ngoài ý muốn của cong người. Hiểu như vậy có nghĩa là tự giác không can thiệp, không cản trở sự vận động hành của quy luật. Hiểu ra được điều này không dễ dàng một chút nào. Những người lòng đầy ắp dục vọng, dục vọng lấn át trí tuệ, đâu còn dễ dàng chấp nhận “sinh lão bệnh tử” là Thường niên” nữa?

Từ cách nhìn “đốn ngộ” của nhà sư được thể hiện trong hai câu thơ trên, đã làm rõ ra được bản lĩnh tu hành vững vàng để đạt tới cái tâm ổn định trước ngoại cảnh luôn luôn biến đổi. Dù cho cái thân ở thời điểm nào – thịnh hay suy, thì cái tâm cũng không vì thế mà chao đảo nghiêng ngả. Đó là cái tâm “tồn tại độc lập với ngoại cảnh”.

Nhưng với đời thường lại hoàn toàn có cái nhìn khác, mà hai câu ba và bốn đã thể hiện: “Dục cầu thoát ly, giải phọc thiêm triền”. Câu thơ đã phơi bày rõ mồn một cái “đích thực” của dục vọng. Mong muốn của con người là thoát khỏi “sinh lão bệnh tử” để trở thành trẻ mãi không già trường sinh bất tử. Tức là muốn thành loài khác, không phải là loài người; muốn như “thần tiên” trường tồn với vũ trụ! Thật là một cuồng vọng! Phật cũng mang cái thân “giới hạn” thì làm sao thỏa mãn cuồng vọng này của họ? Đó là một dục vọng quá lớn, một tham vọng quá nhiều. Câu thơ miêu tả cử động của cái tay nhưng để nói về cái tâm. Cái tâm xáo động, nên không còn có thể điều khiển nổi cái tay!

Những người lao vào con đường này, được nhà thơ gọi đúng tên là “kẻ mê hoặc”. “Mê chi cầu Phật, hoặc chi cầu Thiền”. Lời thơ rút gọn như vậy, nhưng ý thơ lại diễn giải một chân lý thật rõ ràng. Khi đã mê hoặc, tâm rối bời thì cầu Thiền Phật phỏng có ích gì? Người đã mê hoặc, tâm trí rối loạn, đến cái tay không còn điều khiển nổi, thì làm gì còn cái tâm yên tĩnh để tiếp nhận lời dạy chân thành? Họ chỉ còn một mong muốn duy nhất là tìm cách thoát ra khỏi “sinh lão bệnh tử”. Cho nên chỉ những lời nói hợp với ý muốn ấy, mới lọt tai họ. Còn những lời nói khác đều trở nên “nghịch nhĩ” cả.

Đến hai câu kết, câu bảy và tám: “Thiền Phật không cầu, ngậm miệng không nói”. Khi chúng sinh còn đang ngụp lặn trong “biển tối u minh” đang hoang mang đến cực độ, lại bị mê hoặc về Phật có phép lạ, có thể giúp họ giải thoát mọi nỗi khổ, thì câu thơ “không cầu Thiền Phật” là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, có thể gây nên cơn “sốc” mạnh cho kẻ mê hoặc. Đời thường xưa nay vẫn tưởng đi tu, hay tìm đến cửa Phật là nhờ sự che chở, sự cứu giúp của Phật (tức là mê hoặc Phật có phép lạ). Nay nhà thơ lại nói “không cầu Thiền Phật”, tức là khẳng định Phật chẳng có phép lạ, có thể thỏa mãn dục vọng của người đời.

Sự phủ nhận này rất quan trọng. Nó khẳng định rằng Thiền tông không mang thứ men say tôn giáo, không có phép lạ, không mê hoặc ai. Thiền tông chỉ là sự thức tỉnh, sự “đốn ngộ” – một sự lao động trí tuệ thuần túy để nhận ra và hiểu rõ những cái “thường nhiên” ấy, tiến đến tự giải thoát mình khỏi mọi đau khổ do ngu muội gây nên. Đó mới thực sự là công việc lao động trí tuệ tìm ra giá trị tinh thần của con người.

Khi Ni sư đóng cửa “cầu Thiền Phật”, thì đồng thời lại mở ra con đường tu luyện đi đến “đốn ngộ” để tự giải thoát mình: “ngậm miệng không nói”. “Không nói” hàm ngụ ý nghĩa không hướng ngoại, phát biểu bằng ngôn ngữ hữu thanh, những tìm tòi suy nghĩ, những hiểu biết của mình. Không nói nhưng vẫn suy nghĩ. “Ngậm miệng” là vẫn tư duy, vẫn hoạt động suy nghĩ hướng nội bằng ngôn ngữ vô thanh.

Như vậy là không cầu xin Thiền Phật, nhưng vẫn suy nghĩ để tìm ra con đường đến Phật cho mình. Đó là cách giữ cái tâm ổn định, lặng lẽ mà suy ngẫm để đạt tới mực “đốn ngộ”, nhìn rõ Phật trong lòng mình và tạo nên cho mình một Phật tâm vững vàng. Đó mới là cách tự giải thoát, là con đường tu hành đi đến đốn ngộ và trở thành Phật của Thiền.

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật của đời người không ai có thể đổi thay

Đọc thêm