Thời thế tạo ra luật lệ

(PLVN) - Theo nhận định của giới quan sát, chính trị khác nên luật pháp không những buộc phải khác đi mà còn phải khắc phục những sai lầm, khiếm khuyết hay bất cập của luật pháp trong quá khứ.
Abdul Majed vừa bị xử tử bằng hình thức treo cổ

Nhận định này đúng với sự kiện đầu tháng 4 vừa qua, Bangladesh thi hành án tử hình bằng hình thức treo cổ chỉ huy quân đội Abdul Majed - người đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự năm 1975 lật đổ Tổng thống lập quốc Sheikh Mujibur Rehman và sát hại gần như toàn bộ gia đình của tổng thống Rehman...

Bangladesh là quốc gia ở khu vực Nam Á có lịch sử ra đời gắn liền với những cuộc chiến và máu đổ. Quốc gia này hình thành năm 1971 từ một cuộc chiến tranh ở Pakistan. Còn Pakistan lại ra đời cùng với Ấn Độ năm 1947. Cả 3 nước trước đấy đều trong lãnh thổ của vùng thuộc địa của Anh. Thực dân Anh khi buộc phải từ bỏ khu vực thuộc địa này đã “cài cắm” rất nhiều cái bẫy để rồi giữa các nước này với nhau luôn tiềm ẩn và bùng phát những cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo và văn hóa.

Ở Bangladesh mới đây đã thi hành án tử hình bằng hình thức treo cổ chỉ huy quân đội Abdul Majed - người đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự năm 1975 lật đổ Tổng thống lập quốc Sheikh Mujibur Rehman và sát hại gần như toàn bộ gia đình của ông Rehman. Ông Rehman đã lãnh đạo phe chống lại chính quyền Pakistan để rồi thành lập nên nhà nước Bangladesh ngày nay và trở thành Tổng thống đầu tiên của đất nước này.

Năm 1975, chính quyền dân sự của ông Rehman bị giới quân sự tiến hành đảo chính lật đổ. Ngoại trừ cô con gái Sheikh Hasina, gần như mọi người trong gia đình ông đều bị quân đội Bangladesh sát hại. Sau cuộc đảo chính quân sự này, ông Majed cho thông qua một bộ luật miễn truy cứu trách nhiệm đối với tất cả những người liên quan đến việc tiến hành cuộc đảo chính quân sự năm 1975. Nhờ đấy mà trong suốt thời kỳ sau đấy, người này cùng với những tướng lĩnh hay sĩ quan quân đội Bangladesh tham gia cuộc đảo chính không hề hấn gì trước pháp luật. 

Không những thế, ông Majed còn được đảm trách nhiều cương vị quyền lực cao trong chính quyền nhà nước ở Bangladesh. Ở đây có chuyện luật pháp được ban hành và sử dụng vào mục đích bảo vệ cho một diện người nhất định trước khả năng bị lôi ra vành móng ngựa về những hành động phạm pháp trong quá khứ. Cứ như thế cho tới năm 1996. Thời điểm này là dấu mốc lịch sử mới đối với Bangladesh. Năm ấy, bà Sheikh Hasina (con gái của Tổng thống lập quốc Rehman) trở thành thủ tướng Bangladesh và nắm thực quyền.

Một trong những việc làm đầu tiên của bà Hasina là huỷ bỏ hiệu lực của bộ luật nói trên. Như thế có nghĩa là luật pháp hiện tại lại được phép “sờ gáy” những kẻ phạm pháp xưa. Những người tham gia cuộc đảo chính quân sự năm 1975 lần lượt bị bắt hết, còn ông Majed đã kịp chạy trốn ra nước ngoài. Năm 1998, ở Bangladesh mở phiên tòa xét xử tất cả những người nói trên và xử ông Majed vắng mặt. Rất nhiều trong số bị cáo ấy và ông Majed bị tòa tuyên án tử hình. Mọi kháng án đều vô ích và mọi đề nghị ân xá cũng đều bị tổng thống nước này bác bỏ vào năm 2009.

Tất cả những bị cáo bị tòa tuyên phạt án tử hình đều lần lượt bị treo cổ sau khi đơn xin ân xá bị bác bỏ. Ông Majed vẫn lưu vong ở nước ngoài. Ở đây có chuyện phát tác của cái lệ là chính trị đổi thời thì luật cũng sẽ khác. Luật pháp xưa nay có khi nào hoàn toàn độc lập với chính trị đâu và nó thường bị chính trị chi phối chứ không phải ngược lại. Đất nước Bangladesh bước vào một thời kỳ chính trị mới với việc bà Sheikh Hasina lên cầm quyền, nhiều người nghĩ ngay đến câu chuyện trả thù. Nhưng cái chính và quyết định lại không phải chuyện trả thù mà là chuyện quan điểm khác về nhà nước dân chủ pháp quyền.

Chính trị khác nên luật pháp không những buộc phải khác đi mà còn phải khắc phục những sai lầm, khiếm khuyết hay bất cập của luật pháp trong quá khứ. Cái lệ này đã vô hiệu hóa luật pháp xưa và đã mở đường cho việc tiến hành phiên tòa xét xử. Đầu tháng 4 vừa qua, không biết suy tính như thế nào hay bị thúc ép bởi nguyên do gì mà ông Majed từ nước ngoài trở về Bangladesh. Người này bị bắt ngay lập tức và bị treo cổ chỉ sau đấy có mấy ngày. Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan coi việc bắt giữ ông Majed là “món quà giá trị nhất đối với Bangladesh trong năm nay".

Đọc thêm