Thống đốc “khiếm thị” đầu tiên của nước Mỹ

(PLVN) - Trở thành một chính trị gia và sau đó là thống đốc của một bang tại Mỹ rõ ràng là một chuyện không hề dễ dàng chút nào đối với một người Mỹ gốc Phi. Không những thế, mù lòa mà trở thành chính khách là chuyện xưa nay hiếm có. Thế nhưng vượt lên trên tất cả những điều đó, ông David Paterson đã vượt qua giới hạn, trở thành thống đốc da màu khiếm thị của New York.
Thống đốc khiếm thị David Paterson

Những nỗ lực phi thường

David Alexander Paterson (sinh ngày 10/5/1954), tại khu Brooklyn, thành phố New York. Cha ông - Basil Paterson - là một chính khách Đảng Dân chủ từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp trong bang và trong Đảng Dân chủ. Không may mắn như nhiều người khác, bệnh nhiễm trùng ở tai khi mới 3 tháng tuổi đã ảnh hưởng đến thần kinh thị giác, khiến mắt trái của David Paterson bị mù hẳn, còn mắt phải nhìn rất hạn chế.

Do bị khuyết tật như trên, David Paterson không thể vào trường công lập học với những đứa trẻ bình thường khác ở Brooklyn. Cha mẹ ông phải di chuyển đến khu Hempstead, thành phố New York. Tại đây ông được vào học trong một lớp đặc biệt có thầy trợ giảng cho trẻ em khiếm thị. Tuy nhiên, ông từ chối học chữ nổi Braille, không sử dụng gậy hay chó dẫn đường mà cố gắng sống, học tập và làm việc như một người bình thường.

Nhờ vào những cuốn sách được thu âm và những gì người khác đọc cho Paterson nghe, năm 1971, ông tốt nghiệp phổ thông trung học rồi vào trường Đại học Columbia, đậu cử nhân sử học loại ưu năm 1977. Sau đó, sau vài năm đi làm nhiều nghề khác nhau, ông học tiếp ở trường luật Hofstra và tốt nghiệp năm 1983.

Ông David Paterson là Thống đốc khiếm thị đầu tiên của Hoa Kỳ  

Trong thời gian này, ông Paterson cũng là nhà hoạt động xuất chúng trong lĩnh vực đấu tranh vì quyền lợi cho người tàn tật. Ông đã hoàn thành xuất sắc cuộc thi marathon năm 1999. Giáo sư Eric Lane tại Đại học Hofstra, một trong những giáo viên của Paterson và sau này đã cùng làm việc với ông trong cơ quan lập pháp, nói: “Cậu ấy thường chạy bộ gần 5km trên con đường đó mỗi ngày - và hãy nhớ là cậu ấy bị khiếm thị. Đó là một chàng trai có nghị lực phi thường và khiến người khác rất ấn tượng. Cậu ấy muốn vượt qua tất cả trở ngại từ đôi mắt nên đã rất chăm chỉ”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Hofstra, Paterson làm việc tại văn phòng công tố của quận Queens ở New York. Năm1985, ông ra ứng cử và đắc cử thượng nghị sĩ bang, trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất. Năm 2002, các thượng nghị sĩ bang nhất trí bầu ông là thủ lĩnh phe thiểu số (Đảng Dân chủ) trong thượng viện bang.

Ông là nhà lập pháp da đen đầu tiên nhận được vinh dự này. Đây là một sự kiện được đánh giá là hy hữu trong lịch sử chính trị của bang New York bởi Martin Connor, lúc đó đương kim thủ lĩnh phe thiểu số, là một chính khách đáng gờm. Điều này chứng tỏ ông có bản lĩnh thuyết phục người khác và nhiều kỹ năng chính trị sắc bén. Khi được bầu làm lãnh đạo Đảng Dân chủ tại hạ viện của bang, Paterson từng phát biểu rằng, “Mọi người thích nói với những người tàn tật rằng họ cũng giống như mọi người. Nhưng câu nói đó chỉ nhằm động viên bạn mà thôi. Khi bạn là người tàn tật, bạn mới hiểu bạn chẳng giống mọi người chút nào”.

Nói về sự tín nhiệm của các đảng viên Dân chủ dành cho ông Paterson, nhật báo The New York Times cho rằng, sở dĩ ông được như vậy là do ông có nhiều đề xuất cải cách táo bạo và tính bộc trực. Ông còn được quý mến nhờ tính tình dễ gần gũi, óc hài hước và có biệt tài hòa giải các mối xung đột.

Suốt những năm làm thượng nghị sĩ của bang, ông đúc kết nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Kết quả là, không những là một nhà lập pháp dám dấn thân vào những vấn đề xã hội nhạy cảm như bênh vực những người đồng tính, mà ông còn là một lãnh tụ có tầm cỡ quốc gia về những vấn đề liên quan đến người khuyết tật.

“Tại thượng viện, ông ấy đã thăng tiến từ một nghị sĩ vừa mới vào nghề thành lãnh đạo phe thiểu số và chứng minh khả năng chính trị. Ông ấy có khướu hài ước. Ông ấy biết cách nói chuyện với mọi người, hiểu điều họ cần, thứ họ muốn”, Giáo sư Eric Lane nhật xét. Hay theo Thượng nghị sĩ Martin Golden của đảng Cộng hoà nhận xét về ông Paterson: “Trước đây mọi người đã đánh giá thấp người đàn ông này nhưng tôi nghĩ ông ấy sẽ dần chứng minh được tài năng trước thử thách. Ông ấy biết bang này hoạt động thế nào, ông ấy tới từ thành phố New York, ông ấy đã trưởng thành trong khó khăn - căn bệnh khiếm khị buộc ông ấy phải vượt qua rất nhiều trở ngại”.

Còn ông Doug Muzzio, giảng viên môn công vụ ở trường Đại học Baruch, New York, nhận xét: “Ông ấy, từ một người hầu như vô danh ngoài New York, một bước lên thống đốc với một số ưu thế nhất định: nắm rõ bộ máy lập pháp và hành pháp bang, rành rõ những luật lệ thành văn và bất thành văn, biết rõ ai là bạn và ai là địch thủ”.

Năm 2006, ông lại được công luận chú ý bởi hai việc. Thứ nhất, ông bảo trợ một dự luật cho phép dùng vũ lực chống lại nếu bị cảnh sát bắt oan, nhưng không thành. Ông cũng ủng hộ những người không có quốc tịch Mỹ được quyền bầu cử ở các điểm địa phương của New York. Sự kiện thứ hai là ông Eliot Spitzer chọn ông đứng chung liên danh ứng cử thống đốc và phó thống đốc bang New York. Kết quả họ đắc cử với số phiếu áp đảo 69% và ông Paterson trở thành người da đen đầu tiên làm Phó thống đốc bang New York.

Thống đốc da đen đầu tiên của New York

Paterson được cho là người theo chủ nghĩa tự do và là một chính trị gia khôn khéo. Ông có được lợi thế là những nhân vật chủ chốt trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều kính trọng ông. David Paterson cũng được coi là bậc thầy về nghệ thuật thuyết phục và hòa giải. Nhưng những người chỉ trích Paterson tỏ ra nghi ngờ vì ông “quá hiền lành” khi đảm nhiệm trọng trách mới. Nhiều người cho rằng, ông trở thành thống đốc của New York chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.

Thế nhưng với tất cả những gì mà David Paterson đã làm, mọi người đều tin rằng ông xứng đáng với vị trí này. Ngày 17/3/2008, ông David Paterson đã tuyên thệ nhậm chức thống đốc New York, trở thành thống đốc da màu đầu tiên của bang và cũng là thống đốc khiếm thị đầu tiên của nước Mỹ. Nhiều chính trị gia, bao gồm Thượng nghị sĩ Hillary Clinton, Thị trưởng New York Michael Bloomberg và các thống đốc từ 3 bang lân cận, cũng tham gia buổi lễ này.

“Đây là một khoảnh khắc lịch sử nhưng cũng là thời khắc vĩ đại đối với thành tựu cá nhân của thống đốc Paterson”, bà Clinton nói. Phát biểu trong lễ nhậm chức, vị thống đốc thứ 55 của New York thể hiện bản lĩnh chính trường của mình. Theo đó, ông sẽ bắt tay ngay vào việc giải quyết vấn đề ngân sách và nhiều vấn đề khác. “Chúng ta phải tiến về phía trước. Hôm nay là thứ hai. Chúng ta còn có nhiều việc phải làm”, chính trị gia da đen này phát biểu.

“Chúng ta có những lời hứa phải nói ra, có những niềm tin phải lấy lại, có nhiều vấn đề phải đề cập tới”. Có thể thấy, mặc dù sinh trưởng trong một gia đình quyền lực, nhưng David Paterson đã tiến tới con đường quyền lực và đạt được vị thống đốc New York bằng chính tài năng, sự quyết đoán, tính cách dễ chịu và khả năng chính trị của chính bản thân ông.

Đọc thêm