Tên doanh nhân trùng tên danh nhân: phải làm sao?
Từ ngày 25/11/2014, Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn về đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc chính thức có hiệu lực. Theo đó, không được sử dụng tên trùng tên danh nhân để đặt cho doanh nghiệp.
Thông tư này cũng hướng dẫn, trong trường hợp người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong Giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân sáng lập dự định đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên riêng của một trong số những người sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì việc đặt tên doanh nghiệp cũng phải được thực hiện theo quy định trùng tên cá nhân nói trên. Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.
Ngoài ra, các trường hợp không được sử dụng khi đặt tên doanh nghiệp là sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc; các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật.
Luật không “khoanh vùng” đến như Thông tư của Bộ
Thông tư này được ghi nhận như một cách hạn chế việc lợi dụng tên tuổi của danh nhân để trục lợi. Tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn về quy định này, ông Lê Anh Tuấn – chủ doanh nghiệp cơ khí ở Hải Phòng – không khỏi băn khoăn: “Giờ đây, doanh nghiệp còn phải đi tra cứu xem những tên nào nằm trong danh mục, bởi đâu phải ai cũng biết hết những tên nào không được phép đặt. Nếu theo danh mục mà Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể thao quy định, dễ có đến hàng ngàn cái tên”.
Ông Tuấn cho rằng, quy định này cũng khá nhạy cảm, và phân biệt đối xử, khi sau ngày 25/11 các doanh nghiệp mới không được đặt tên doanh nhân, tên các địa danh được coi là “nhạy cảm”… “Những tên như Đại học Nguyễn Trãi hay Cơ khí Trần Hưng Đạo chẳng hạn, vẫn được tồn tại, mà đây là tên cho các doanh nghiệp” – ông Tuấn nói.
Vả lại, sử dụng tên riêng là quyền nhân thân, và luật pháp không “khoanh vùng” việc đặt tên giới hạn đến mức như Thông tư nói trên nêu ra, nên quy định này dường như thiếu tính thuyết phục. Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, văn bản pháp luật đã được ban hành thì phải rõ ràng, cụ thể, chính xác chứ không thể nêu chung chung rồi khi thực hiện lại phụ thuộc trình độ và cảm tính của một số người thì rất khó thực thi.
Luật sư Thắng cho rằng, quy định này cũng sẽ làm khó doanh nghiệp, khi qua hàng vạn năm lịch sử với bao thăng trầm, nếu tính kỹ ra có tới hàng vạn cái tên trong “danh sách cấm”. “Theo tôi, chỉ nên cấm việc đặt tên trùng nhau theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thôi chứ cấm đặt tên trùng tên danh nhân, địa danh, giặc ngoại xâm… sẽ rất khó thực hiện”, ông Thắng nhận định.
Những trường hợp đặt tên doanh nghiệp vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bao gồm: sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ, khiếm nhã đối với tổ chức, cá nhân khác; sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới… (theo Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL)