Tốn kém, phô trương và lãng phí
Ngạn ngữ Trung Quốc thường có câu “Dân dĩ thực vi tiên” nghĩa là đối với bách tính ăn uống là việc cực kỳ quan trọng. Đối với người dân còn như vậy thì hiển nhiên chuyện ăn uống của các bậc đế vương không thể là tầm thường.
Ngay từ thời nhà Thương (thế kỷ XVI - XV trước Công nguyên), Duẩn Y là một người đầu bếp có công giúp vua Thương khỏi ốm bằng 8 món ăn nổi tiếng (trư bát trân) từ các loại thịt: lợn, dê, chó và nấu món “canh thuốc” quốc bảo. Sau khi ăn những món này vua Thương khỏi bệnh, thể lực được khôi phục dồi dào, sắc mặt hồng hào. Trong suốt mấy đời vua nhà Thương, Duẩn Y luôn được coi trọng bởi tài nấu ăn của mình và đã được phong chức “Phu Bật” (tương đương với Tể tướng”. Khi ông mất thậm chí còn được nhà vua cho phép cử hành tang lễ của ông theo nghi thức dành cho thiên tử.
Tới đơi nhà Chu, trong trốn cung đình xuất hiện 4 loại y quan khác nhau trong đó có quan Thực y – người chuyên lo ẩm thực để chữa bệnh. Việc ăn uống của vua vốn là điều trọng yếu của lễ chế. Bởi vậy hàng loạt bộ sách nói về nghệ thuật nấu ăn của các đầu bếp trong cung đình đã được ra đời. Thời Nguyên, đã có bộ sách “Ẩm thiện chính yếu”, tài liệu chuyên sâu về dinh dưỡng học, chủ trương kết hợp y khoa và ẩm thực.
Để chuẩn bị cho bữa ăn của nhà vua số lượng người được sử dụng khá đông lên tới con số hàng nghìn và được chọn lọc kỹ lưỡng. Thời nhà Thanh, chỉ những người Mãn tộc, cha truyền con nối mới được chọn làm đầu bếp để tránh làm hại vua. Trong chuyến tuần du của vua Càn Long đi về phương Đông, diễn ra từ tháng 7 - 9/1777, số đầu bếp đã trên 30 người. Để lo bữa ăn cho hoàng cung nhà Thanh, đội quân nhà bếp khá đông đảo, đã có lúc lên tới 4.100 người.
|
Một số quần thần có vinh dự được nhà vua ban thưởng bằng thức ăn (Ảnh minh họa). |
Theo quy định lúc đó, mỗi bữa ăn của vua 108 món, tương đương là hoàng thái hậu, còn hoàng hậu 96 món, hoàng phi 64 món. Mãi sau này đến cuối thời Tuyên Thống, do nhà vua còn nhỏ tuổi nên giảm xuống còn 26 món cho mỗi bữa.
Bởi vậy, chi phí dành cho việc ăn uống của vua trong cung luôn chiếm một phần lớn ngân khố. Đời Minh, mỗi năm ngân sách phải chi ra 240.000 lạng vàng cho việc ăn uống trong cung. Trong đó, riêng chi phí phục vụ hoàng đế là 13.140 lạng vàng, tương đương 36 lạng vàng mỗi ngày. Đến đời Càn Long thứ 25 (năm 1760), việc ăn uống của vua tiêu tốn 22.000 lạng vàng; nhà Thanh là 30.000 lạng; cho đến đời Quang Tự 29 (năm 1903) con số này lên tới 38.839 lạng vàng mỗi năm.
Bữa ăn của Hoàng đế chỉ riêng về số lượng món ăn cũng được quy định hết sức rõ ràng. Một bữa ăn thông thường sẽ có ít nhất 8 món chính cùng với nhiều loại cháo. Tổng số lượng đồ ăn trong mỗi bữa thường sẽ lên tới hai mươi mấy loại. Bởi vậy, bữa ăn của nhà vua hầu hết đều sẽ bị lãng phí.
Để hạn chế việc lãng phí, Sau khi ăn xong, nhà vua thường ban các món ngon cho những mỹ nhân Hậu cung, ngoài ra Hoàng đế còn thưởng cho các quan viên trong triều. Việc này nhìn tưởng đơn giản, nhưng thực chất lại là một hành động mang nhiều tầng nghĩa. việc Hoàng đế đem món ăn mình dùng ban thưởng cho các đại thần dưới trướng lại được xem là một ân huệ vô cùng lớn. Đồng thời, hành động này cũng là minh chứng cho thấy các đại thần nói trên đã được ban vinh dự ăn chung món ăn với bậc Thiên tử.
Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, dựa theo phép tắc thời xưa, người có thể được nhà vua ban thưởng đồ ăn phần lớn là sủng thần hoặc đại thần có vai vế không nhỏ trong triều. Phần vì coi trọng chiến công, phần vì tin tưởng, trọng dụng họ nên Hoàng đế mới ban sơn hào hải vị của mình cho những người này.
Những lúc Hoàng đế không ban thưởng cho các phi tần Hậu cung và quan viên thì sẽ trở thành cơ hội kiếm lời lớn cho các cũng nữ và thái giám. Họ sẽ lén lút đem bán món ăn của Hoàng đế cho các quán ăn lớn ở ngoài cung. Do đều là món ăn trong cung được chế biến cầu kì dâng lên Hoàng thượng nên không ít người tò mò muốn nếm thử.
Đối với những món Hoàng thượng không đụng đũa, và hương vị còn tươi ngon, thái giám sẽ giữ lại bày biện như mới cho bữa ăn tiếp theo, đồng thời đặt nó cách xa Hoàng đế. Bằng cách này, họ có thể "báo khống" và đút túi riêng chi phí mua nguyên liệu, đồng thời lại có thể tiết kiệm công sức chế biến các món ăn này.
Còn một cách thông dụng nữa đó là sau mỗi bữa ăn của Hoàng thượng, các thái giám liền gửi cho các cung nữ chuyên nuôi động vật trong cung, và làm thành đồ khô. Thức ăn cho vật nuôi sau đó được phân phát cho nô tài trong cung điện và dùng để nuôi những con vật nhỏ này. Tuy nhiên cũng giống như các thái giám, nô tài trong cung cũng học cách khai gian và nói đây đều là thức ăn mua từ ngoài cung để kiếm lời.
An toàn được đặt lên hàng đầu
Thế nhưng đối với những Hoàng đế Trung Hoa, thứ họ coi trọng hơn cả không phải là hương vị hay mức độ quý giá của món ăn mà lại là tính an toàn. Quá trình thử độc cho nhà vua trước mỗi bữa ăn mới thực sự là bước cầu kỳ và tốn kém và cũng đầy nguy hiểm.
Dụng cụ ăn uống của vua cũng chủ yếu làm từ vàng, bạc và đồ gốm hảo hạng. Riêng đồ dùng của vua Càn Long hầu hết đều bằng từ bạc. Người xưa thường hạ độc bằng thạch tín (asen), nếu đồ ăn có chứa thứ này thì bạc sẽ biến thành màu đen. Vì thế khi dâng món ăn lên vua lúc nào cũng phải kèm theo một thanh bạc. Trước sự chứng kiến của vua, thái giám sẽ dùng thanh bạc để thử độc trong đồ ăn. Nếu Sau khi vua ngự xong, mỗi món sẽ được lưu lại một ít ở Ngự thiện phòng để lỡ có chuyện thì dễ dàng kiểm tra, đối chiếu.
Dưới thời nhà Thanh, Ngự Thiện Phòng, thuộc quản lý trực tiếp và điều hành của Phủ Nội vụ. Ở đây có một vài đại thần phụ trách công việc chuyên môn và đều là những người vô cùng thân tín với hoàng thượng. Mục đích của việc này là tránh việc có người bỏ độc vào những món ăn của hoàng thượng. Sau khi món ăn được đưa lên sẽ được thử bằng đũa bạc, khi đũa có biểu hiện an toàn thì vua mới dùng bữa.
Để tránh việc bị hạ độc, hoàng thất Mãn Thanh vốn có gia quy, Hoàng đế khi dùng bữa tuyệt đối không được ăn quá 3 miếng cho mỗi món. Quy củ này lập ra để tránh việc sở thích của Thiên tử bị tiết lộ ra ngoài, từ đó nhằm phòng ngừa những kẻ có ý đồ xấu.
Bởi vậy, nghề đầu bếp trong cung là nghề đùa với quỷ. Chỉ cần sơ xuất là có thể mất đầu. Sử sách từng ghi chép: Đầu bếp của Tấn Linh Công bị giết vì món tay gấu chưa chín kỹ; đầu bếp của Tấn Văn Linh suýt mất đầu vì món ăn của vua có dính một sợi tóc. Nhờ trí thông minh, lý luận sắc bén mà ông này đã thoát tội.