Dấu son đỏ ai oán...
Vào thời nhà Tống, do chưa có nhiều kinh nghiệm và vì mới bắt đầu sử dụng nên Thủ cung sa đã gây ra không ít tai nạn cũng như những hiểu lầm tai hại không đáng có. Điển hình là vụ án oan sai khiến người vợ thủy chung của một viên quan phải bỏ mạng.
Chuyện kể rằng, vào thời nhà Tống, một hào phú tên là Lâm Mật sống ở huyện Vạn, Tứ Xuyên (Trung Quốc) được triệu vào kinh thành để nhận chức quan. Không những có một người vợ từ thuở hàn vi, Lâm Mật còn có tới 5 người thiếp, trong đó người thiếp được yêu quý nhất là nữ nhân xinh đẹp tên Hà Phương Tử.Nàng vốn xuất thân là một tiểu thư khuê các, xinh đẹp, có học vấn, được dạy dỗ đàng hoàng từ nhỏ, nhưng chỉ vì biến cố gia đình mà đành phải làm kẻ hầu người hạ cho nhà hào phú.
Một mình lên kinh thành nhậm chức nên Lâm Mật lo ngại về tiết hạnh của thê thiếp. Ông đã hỏi người bạn tên là Thượng Ất Chân và được chỉ cho một cách để khiến những nữ nhân của mình phải dè chừng, đó là dùngthủ cung sa. Sau khi tự tay chấm thủ cung sa lên cánh tay của những người thiếp thì Lâm Mật mới yên tâm rời nhà lên kinh.
Trong thời gian Lâm Mật đi vắng, những người vợ của Lâm Mật đều cố gắng giữ gìn cẩn thận vết chấm đỏ bằng hạt đậu trên cánh tay sau khi chồng rời đi, đến nỗi không dám tắm rửa hay đụng chạm vào. Ngược lại, người thiếp mà Lâm Mật trân quý nhất là Hà Phương Tử thì chỉ coi nó như một vết bẩn trên người nên vẫn tắm rửa như bình thường.
|
Bí thuật lưu truyền của người xưa chế tạo ra thủ cung sa bằng chu sa, thạch sùng. |
Nửa năm sau đó, khi đã ổn định cuộc sống, Lâm Mật cho người đón vợ con, thê thiếp lên kinh thành. Khi tiến hành kiểm tra vết Thủ cung sa trên cơ thể những người thê thiếp, tất cả đều còn nguyên vẹn, duy chỉ có Hà Phương Tử là không còn.
Lâm Mật nổi giận đùng đùng, ông ta ra sức đánh đập, dùng nhiều cách tra khảo nhưng Hà Phương Tử vẫn kiên quyết không chịu nhận tội có quan hệ với ai. Sau cùng, cô vợ trẻ đã để lại một bức thư rồi treo cổ tự vẫn. Tuy nhiên, Lâm Mật chỉ cho rằng do Hà Phương Tử quá xấu hổ nên mới tìm tới cái chết nên y không thèm đoái hoài đến bức di thư mà vội vã đem chôn.
Tuy nhiên, ông ta không ngờ rằng nếu ở quê, việc đánh chết hầu thiếp chỉ là chuyện nhỏ, bỏ chút tiền lo lót là xong, nhưng đây là kinh thành, ngay dưới chân Hoàng đế nên việc đánh chết người thiếp của Lâm Mật là chuyện không hề nhỏ.
Ngay khi biết sự tình, triều đình ra lệnh cho phủ Khai Phong lập tức tiến hành điều tra và nhận thấy rằng Hà Phương Tử đã bị đánh đập dã man trước khi tự sát. Không còn cách nào khác, Lâm Mật bèn kể lại mọi việc.Sau khi tiến hành thử nghiệm chấm thủ cung sa, quan phủ kết luận, Hà Phương Tử bị hàm oan, Lâm Mật mắc trọng tội. Cụ thể, quan phủ mời 3 người phụ nữ tới và tiến hành nhỏ lên vai của họ một vết Thủ cung sa,sau đó sai người đặt con thạch sùng lên vai của một người phụ nữ.
Kết quả, con thạch sùng lập tức liếm sạch vết đỏ của thủ cung sa. Trong khi đó, hai người phụ nữ còn lại được yêu cầu không tắm rửa trong một khoảng thời gian thì dấu vết thủ cung sa lại không hề bị mất dù sau đó có tẩy rửa. Có thể nói, thủ cung sa chỉ có công hiệu với những người con gái chưa xuất giá, còn Hà Phương Tử thì đã có chồng nên thủ thuật này không hề có tác dụng. Dù vụ án sáng tỏ nhưng thủ cung sa cùng sự gia trưởng, tàn nhẫn của người chồng đã hại chết người vợ thủy chung như Hà Phương Tử.
“Vòng kim cô” kìm chặt tự do
Chính vì quá nổi tiếng như vậy, nên ngày nay, nhắc đến thủ cung sa thì không một người Trung Quốc nào mà không biết, nó là một phần trong lịch sử, là một bảo chứng quan trọng để chứng minh từ thời xưa, việc trinh trắng của người phụ nữ đã được coi trọng đến nhường nào. Tuy vậy, thực tế thủ cung sa có công dụng diệu kỳ như sách vở, sử liệu ghi chép hay không, thì không một ai biết, cũng không một ai chứng minh được.
Xét ở góc độ khoa học hiện nay, thực chất thủ cung sa vốn dĩ chỉ là một truyền thuyết, hoặc một huyền sử. Bởi rõ ràng thủ cung sa, chu sa, thạch sùng đều chẳng có tí liên quan gì đến trinh tiết người phụ nữ hay chuyện cô ấy có chuyện chăn gối với ai hay chưa. Những câu chuyện về thủ cung sa thực chất chỉ là sản phẩm trong xã hội phụ quyền gia trưởng khi người đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp nhưng lại bắt những thê thiếp của mình phải chung thủy với họ.
Mặc khác, cũng có một số người khẳng định rằng, thủ cung sa có công hiệu thật, nhưng công hiệu của nó chỉ như là một thứ giả dược trong Tây y hoặc phương pháp ám thị tâm lý. Bởi vì khi người phụ nữ thời đó bị chấm lên người một dấu thủ cung sa sẽ được nghe những câu chuyện ly kỳ xung quanh nó, cả những sự đánh giá, những con mắt của xã hội đương thời nhìn vào nếu không giữ gìn phẩm hạnh mà để thủ cung sa nhạt mất, thế là họ sẽ sợ hãi và không dám nghĩ đến chuyện quan hệ bất chính với ai khác, đồng thời bằng mọi giá phải giữ vết thủ cung sa trên tay mình.
Lý giải điều này, khoa học hiện nay cho rằng, những con thằn lằn cái trong thời kỳ sinh sản sẽ được lựa chọn làm thủ cung sa. Bởi lúc đó chúng tiết ra nhiều nội tiết tố nữ (estrogen) và vì những nội tiết tố này không dễ dàng mất đi nên thủ cung sa cũng rất khó để phai mờ. Bởi vậy, nên khi quan hệ chăn gối, nội tiết tố nữ gặp nội tiết tố nam (androgen) trong quá trình ân ái sẽ khiến chúng trung hòa và biến mất.Lời giải thích này dựa theo quan điểm sinh học hiện đại và hiện đang được nhiều người ủng hộ nhất.
Nói cho dễ hiểu hơn, thì thủ cung sa vào thời đó, thực chất chỉ đóng vai trò giống như một phương pháp ám thị tâm lý, là một cái “vòng kim cô” mà những người đàn ông sống trong xã hội trọng nam khinh nữ nghĩ ra để bắt những người phụ nữ của họ phải phục tùng và chung thủy suốt đời với mình.Hơn nữa, lời đồn đại lan truyền từ trong cung cấm ra dân gian cũng khiến nhiều phụ nữ xưa kia kinh hãi về công dụng đáng sợ của thủ cung sa và họ phải hết sức cẩn thận để giữ gìn vết chấm đỏ trên tay mình mà không dám nghĩ đến chuyện phản bội hay dan díu với người khác.