Thủ lĩnh bị tiêu diệt, liệu IS có trở nên suy yếu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cuộc truy lùng trong nhiều tháng bằng cả lực lượng trên bộ và máy bay không người lái của Mỹ, đã tiết lộ chi tiết về thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng al-Qurayshi.
Hình ảnh thủ lĩnh Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi.
Hình ảnh thủ lĩnh Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi.

Cuộc đột kích trong đêm do lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành ở Syria đã dẫn tới cái chết của thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã có những tác động nhất định tới nội bộ nhóm này cũng như hoạt động của các nhóm liên kết trên toàn cầu.

Đột kích thủ lĩnh IS

Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi là biệt hiệu của Amir Muhammad Sa’id Abdal-Rahman al-Mawla - người trở thành thủ lĩnh IS năm 2019 sau cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi trong một cuộc đột kích cũng do Mỹ tiến hành.

Qurayshi sinh năm 1976 tại Mosul, miền Bắc Iraq. Tuy nhiên, có rất ít thông tin về Qurayshi. Phải đến tháng 9/2020, mới có thông tin cho rằng Qurayshi từng bị lực lượng Mỹ bắt giữ và thẩm vấn ở Iraq đầu năm 2008.

Các báo cáo thẩm vấn được công bố thời gian đó cho thấy Qurayshi là một học giả mới tốt nghiệp và có sự thăng tiến vượt bậc trong hàng ngũ của IS. Qurayshi khai tham gia IS từ năm 2007, sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ về nghiên cứu Quranic tại Đại học Mosul.

Ngay sau khi gia nhập IS, Qurayshi trở thành cố vấn Shariah (một nhân vật tôn giáo có vai trò quan trọng) ở Mosul và sau đó là phó “wali” hay “chỉ huy bóng tối” của thành phố trước khi bị bắt đầu năm 2008.

Theo các báo cáo thẩm vấn, Qurayshi đã tiết lộ tên của ít nhất 20 thành viên được cho là thuộc tổ chức IS tại Iraq. Sự phản bội của Qurayshi xảy ra ở thời điểm quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh tiêu diệt hoặc bắt giữ nhiều thành viên của IS.

Hình ảnh ngôi nhà ở Atma, phía tây bắc Syria sau cuộc đột kích.

Hình ảnh ngôi nhà ở Atma, phía tây bắc Syria sau cuộc đột kích.

Có rất ít thông tin về hoạt động của al-Qurayshi trong thập kỷ tiếp theo sau khi được thả. Qurayshi được cho là tiến hành âm mưu diệt chủng đối với người thiểu số Yazidis và từng là cấp phó của al-Baghdadi ít nhất kể từ năm 2018.

Việc Qurayshi trở thành “caliph” (giáo chủ) gây tranh cãi trong giới thánh chiến, nhất là sau khi hồ sơ thẩm vấn được công bố cho thấy Qurayshi đã tiết lộ thông tin nội bộ của IS trong thời gian bị Mỹ bắt giữ.

Vào mùa thu năm 2021, máy bay do thám không người lái của Mỹ di chuyển đến phía trên một ngôi nhà ở rìa rừng ô liu phía Tây Bắc Syria. Camera của chiếc máy bay đã ghi lại chớp nhoáng hình ảnh một người đàn ông bị mất một chân sống bên trong tòa nhà. Nhân vật này bị cụt chân phải. Điều đó khớp chính xác với mô tả về đối tượng của cuộc truy lùng ráo riết do Mỹ thực hiện trong suốt hai năm: Thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi.

Một nhóm dân quân, chủ yếu là người Kurd, đã liên kết chặt chẽ với đặc nhiệm Mỹ để thực hiện việc giám sát. Họ theo dõi sự ra vào tòa nhà của những người đàn ông có vũ trang đến gặp al-Qurayshi.

Các tài liệu tiết lộ rằng căn phòng ở tầng hai của tòa nhà được thuê vào tháng 3/2021, bởi Abu Ahmed al-Halabi, một thuộc hạ thân cận của al-Qurayshi. Hai tuần sau, anh ta cũng làm hợp đồng thuê tầng trên cùng, nơi al-Qurayshi đã ẩn náu sau đó.

Vào ngày 20/12/2021, Tổng thống Joe Biden đã họp với đội an ninh quốc gia để chính thức phê duyệt chiến dịch tấn công Qurayshi. Ông Biden đã hỏi về khả năng gây thương vong cho dân thường và liệu ngôi nhà có thể sụp đổ nếu kẻ khủng bố kích nổ bom hay không. Tuy nhiên, các kỹ sư quân sự đã nghiên cứu cấu trúc và kết luận là không.

Trong khi đó, việc giám sát liên tục cũng giúp các quan chức tình báo mở rộng kiến thức về mạng lưới ngầm của al-Qurayshi.

Lượng người đưa tin đến tòa nhà nơi thủ lĩnh IS ẩn náu tăng lên đáng kể sau cuộc tấn công lớn vào nhà tù ở al-Hasakah, phía đông bắc Syria. Điều đó giúp các quan chức đưa ra quyết định.

Đến ngày 1/2, các nhà hoạch định quân sự quyết định đây là thời điểm hoàn hảo để tấn công. Sau đó, chiến dịch đột kích được đặc nhiệm Mỹ được tiến hành hôm 2/2.

al-Qurayshi đã không đầu hàng cũng như không cho phép gia đình mình trốn thoát. al-Qurayshi đã kích nổ bom tự sát, khiến cả gia đình thiệt mạng. Thi thể của thủ lĩnh IS được tìm thấy trên mặt đất bên ngoài tòa nhà sau đó.

Liệu IS có như “rắn mất đầu”?

Chiến dịch nhằm vào Qurayshi được thực hiện vào thời điểm bấp bênh đối với IS. Quá trình chuyển đổi của IS từ một phong trào tập trung vào Iraq thành một cuộc nổi dậy toàn cầu với các chi nhánh rải rác khắp Trung Đông, châu Phi và châu Á vẫn còn tương đối mới mẻ.

Các cuộc tấn công gần đây của IS nhằm vào nhà tù Hasakah ở Đông Bắc Syria và các nơi khác trên khắp Iraq cho thấy tổ chức khủng bố này phát triển nhanh hơn so với dự đoán trong việc tái xây dựng năng lực trên khắp các vùng đất chúng có ảnh hưởng truyền thống.

Cái chết của Qurayshi chỉ 2 năm sau cái chết của người tiền nhiệm cũng làm dấy lên những lo ngại trong nội bộ nhóm về việc ai sẽ trở thành thủ lĩnh kế nhiệm. Việc IS không thể bảo vệ được các thủ lĩnh hàng đầu cho thấy sức ép liên tục từ các lực lượng Mỹ và đồng minh đối với nhóm khủng bố này có hiệu quả.

Trong khi thủ lĩnh tiền nhiệm có thể sống sót gần 1 thập kỷ, “ngày tàn” của Qurayshi lại đến nhanh chóng cũng có thể cho thấy những rạn nứt nội bộ IS. Sau khi trở thành thủ lĩnh, Qurayshi đã bị một số thành viên bất đồng chính kiến mô tả là “kẻ vô danh”, trong khi một số khác đặt câu hỏi về tư cách thủ lĩnh của Qurayshi, đặc biệt là sau khi báo cáo thẩm vấn y được công bố vào tháng 9/2020.

Có thể chính al-Qurayshi đã bị phản bội và điều đó cuối cùng góp phần dẫn đến cuộc đột kích của Mỹ. Nếu đúng như vậy, điều đó có thể cho thấy sự chia rẽ trong nhóm giữa al-Qurayshi và những thành phần bất đồng chính kiến.

IS có thể sẽ chỉ định người kế nhiệm al-Qurayshi dựa trên sự cân nhắc của ban lãnh đạo cấp cao của IS, như đã từng làm trước đây. Nếu mọi việc được thực hiện theo tiền lệ, IS sẽ có thủ lĩnh kế nhiệm al-Qurayshi trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Thủ lĩnh mới sẽ được đặt biệt hiệu để che giấu danh tính. Các thành viên trong nhóm và lãnh đạo các chi nhánh của IS trên toàn cầu sẽ được yêu cầu cam kết trung thành với thủ lĩnh mới, nhưng người này sẽ không được xuất hiện trước công chúng trong vài tháng hoặc nhiều năm, thậm chí có thể không bao giờ xuất hiện.

Việc tiêu diệt các thủ lĩnh là yếu tố chủ chốt trong hoạt động chống khủng bố và chống nổi dậy. Chiến lược này được nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, áp dụng rộng rãi. Nghiên cứu cho thấy, trong điều kiện phù hợp, việc nhắm vào các thủ lĩnh hàng đầu có thể khiến các thành viên ít tiến hành tấn công bạo lực hơn và làm tăng cơ hội đánh bại nhóm khủng bố.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại chỉ ra vấn đề với chiến lược tiêu diệt có chủ đích. Chiến lược này có thể dẫn đến sự phân quyền của nhóm và làm gia tăng bạo lực bừa bãi của các nhóm bị mất thủ lĩnh. Trong ngắn hạn, cái chết của al-Qurayshi có thể khiến IS tạm thời “án binh bất động”, nhưng điều đó không có nghĩa là tổ chức khủng bố này sẽ sụp đổ. Việc mất al-Qurayshi cũng có thể làm dấy lên các cuộc tấn công trả đũa như một tín hiệu về sự quyết tâm của nhóm khủng bố.

Cái chết của al-Qurayshi khó có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các nhánh của IS. Nhiều nhánh có chiến lược dựa nhiều vào nguồn lực địa phương và liên minh với các nhóm khác. Mặc dù cuộc tấn công mới nhất của Mỹ có thể khiến IS khó mở rộng hoạt động, nhưng lịch sử cho thấy IS có thể thúc đẩy các cuộc tấn công trong khu vực và thiết lập lại sự hỗ trợ của các chi nhánh trên khắp thế giới.

Đọc thêm