Thủ tướng muốn ngành Nông nghiệp xuất khẩu trên 50 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN)-Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với vị trí là "trụ đỡ" của nền kinh tế, ngành Nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn cho năm 2022, bới nếu khiêm tốn đặt mục tiêu như thực hiện năm 2021 thì “đứng yên tại chỗ”
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị của Bộ NN&PTNT
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị của Bộ NN&PTNT

Lần đầu tiên xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT năm 2021 tổ chức sáng 29/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTBNT Phùng Đức Tiến - cho biết, xuất khẩu nông, lâm thủy sản năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2021, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, caosu.

Dự báo đến hết tháng 12.2021, tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và các loại lâm sản ước đạt tới 15,87 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch đề ra và tăng 20% so với năm 2020, tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa Việt Nam tiếp tục đứng đầu ASEAN, đứng thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Xuất khẩu thủy sản mang về giá trị kim ngạch 8,9 tỷ USD. Tiếp theo là các mặt hàng rau quả, hạt điều là trên 3,6 tỷ USD; rau quả trên 3,5 tỷ USD; cao su từ 3,1-3,2 tỷ USD...

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành (VA) tăng khoảng 2,85 - 2,9% , trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD.

Năm 2022, ngành NN&PTNT đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng VA toàn ngành 2,8-2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản từ 2,9-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng...

Không để 'trụ đỡ' thụt lùi trong năm 2022

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong điều kiện một năm 2021 nhiều khó khăn, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ cả các doanh nghiệp, người dân, Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ…

“Những điểm sáng kinh tế đã được thể hiện qua các số liệu. Với mức tăng trưởng dương, vượt 6,6 tỷ USD so với kế hoạch, thu đủ chi, xuất đủ nhập, trong một năm khó khăn, ngành Nông nghiệp tiếp tục là "trụ đỡ" và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành này trong thời gian qua, Thủ tướng lưu ý ngành Nông nghiệp vẫn chưa được phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Ngành Nông nghiệp chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, tình hình mới. Công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc một số thị trường. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế. Việc chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, xuất khẩu còn mất cân đối.

“Cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ phải làm, cái gì thuộc thẩm quyền Bộ NN&PTNT thì cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh và phải giải quyết rốt ráo”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Dự báo năm 2022 vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức, đặc biệt, nhiều dự báo năm 2022 còn nhiều khó khăn hơn năm 2021, Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.

“Muốn thực hiện được như vậy, trước hết, ngành Nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn, tăng trưởng cao hơn, xuất khẩu cao hơn năm 2021. Tăng trưởng phải trên 3%, xuất khẩu trên 50 tỷ USD. Nếu chỉ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 49 tỷ USD thì “đứng tại chỗ”. “Trụ đỡ” mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi. Cái này không nên khiêm tốn mà cần phải mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đọc thêm