Thua kiện nhưng thay đổi luật

(PLVN) - Dư luận cho rằng, Bộ luật mới về ly hôn ở Anh và xứ Wales giúp cho quá trình xét xử các vụ ly hôn có thể diễn ra chóng vánh hơn và ít trở ngại hơn. 

Bộ luật mới về ly hôn ở Anh và xứ Wales trong Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland (có thêm xứ Scottland và Bắc Ireland) trong thực chất là một cuộc cách mạng thật sự về tư pháp. Nó khắc phục những bất cập trong xét xử về ly hôn trước các cấp tòa án ở hai xứ này trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Bộ luật mới này giúp cho quá trình xét xử các vụ ly hôn có thể diễn ra chóng vánh hơn và ít trở ngại hơn. Dư luận ở hai xứ này còn cho rằng vì từ nay ly hôn dễ dàng hơn thì xu thế kết hôn sẽ gia tăng mạnh mẽ.

Sự ra đời của bộ luật mới có nguồn gốc từ sự thua kiện ở Tòa án Tối cao nước Anh của bà Tini Owen. Bà này năm 2018 muốn ly dị chồng sau cuộc hôn nhân kéo dài hơn 40 năm nhưng bị tất cả các cấp tòa án xét xử ở nước Anh bác bỏ với lập luận chủ đạo là “Hôn nhân không hạnh phúc không phải là lý do cho ly hôn”.

Bộ luật mới bác bỏ hoàn toàn quan điểm xét xử và lập luận này của hệ thống tư pháp cũ ở nước Anh. Bà Owen thua kiện nhưng đã làm nên kỳ tích là luật pháp đã ra tay và vào cuộc để buộc phía tư pháp phải thay đổi.

Cho tới trước đó, luật pháp nước Anh quy định những lý do cho ly hôn là: ngoại tình, ứng xử không đúng đắn, vợ chồng không còn đoái hoài gì đến nhau hoặc đã sống ly thân ít nhất 2 năm. Trong trường hợp người vợ hoặc người chồng không đồng ý ly hôn thì người chủ động ly hôn phải chờ đợi ít nhất 5 năm. Hệ lụy trực tiếp là thuê thám tử theo dõi và thu thập bằng chứng để được ly hôn, thỏa thuận với nhau ngụy tạo chứng cứ... khiến cho bên nào cũng mệt mỏi về tâm lý, tốn kém tiền bạc và thời gian.

Bộ luật mới giờ vứt bỏ tất cả những điều kiện nói trên và quy định chỉ cần một bên trong cuộc hôn nhân yêu cầu ly hôn thì tòa án buộc phải xử cho cặp vợ chồng này ly hôn. Bà Owen năm xưa bị thua kiện và không được xử cho ly hôn nhưng đã mở đường cho rất nhiều bà vợ hay ông chồng ở xứ Anh và Wales từ nay có thể dễ dàng được giải thoát ra khỏi địa ngục của cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Người ta có thể nhận thấy được là tòa án đã quá bảo thủ và vô lý trong chuyện ly hôn và phía lập pháp đã cần quá nhiều thời gian mới khắc phục được sự bất cập, lạc hậu này trong nhận thức của phía tư pháp. Ở đâu cũng vậy, hôn nhân có ý nghĩa và giá trị rất to lớn về nhân văn, xã hội, tôn giáo và cả pháp lý. Nhưng cốt lõi của hôn nhân là chung sống hạnh phúc và chung sống hạnh phúc cũng còn là sự đảm bảo bền vững nhất cho sự tồn tại lâu dài của cuộc hôn nhân.

Vì thế, bình đẳng trong hôn nhân là điều kiện pháp lý tiên quyết, tình cảm và tôn trọng là những tiền đề không thể thiếu bên cạnh tình yêu. Một khi những điều kiện và tiền đề này không được đáp ứng và đầy đủ thì cuộc hôn nhân không thể bền vững và bất hạnh.

Vậy mà trong suốt thời gian rất dài, hệ thống tư pháp ở nước Anh vẫn luôn bám giữ quan điểm duy trì hôn nhân cho dù người trong cuộc đã không còn thấy hạnh phúc nữa. Thất bại pháp lý của một cá nhân có thể làm thay đổi luật pháp của quốc gia hay vùng lãnh thổ như thế đấy.

Đọc thêm