Thừa Thiên - Huế: Nhiều “khuất tất” trong xét xử vụ án cố ý gây thương tích

(PLO) - Mặc dù đã quá hạn xử phúc thẩm, nhưng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử, phía nạn nhân cũng không nhận được bất cứ thông báo nào về sự trì hoãn này. 
Anh Hoàng tại thời điểm bị đánh trọng thương
Anh Hoàng tại thời điểm bị đánh trọng thương

Không đồng ý vẫn phải đi giám định lại thương tích

Phản ánh đến Báo PLVN, anh Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1970, trú phường An Cựu – TP Huế) cho rằng, vụ án “Cố ý gây thương tích” mà anh này là nạn nhân đang có những dấu hiệu của sự “khuất tất” sau khi TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế thụ lý vụ việc.

Theo cáo trạng của VKSND TP Huế, khoảng 18h, ngày 17/11/2015, tại ngõ 31, khiệt 246, đường Hùng Vương, phường An Cựu (TP Huế), do mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, Ngô Hữu Liên (SN 1964)  đã dùng một cái cờ lê bằng kim loại cùng với Ngô Quốc Đức (SN 1962 là anh trai Liên) dùng gậy gỗ đánh vào mắt, cẳng tay, bàn tay trái của anh Nguyễn Hữu Hoàng.

Hậu quả khiến anh Hoàng phải đi khâu ở hai bên mắt, qua giám định thương tích anh Hoàng bị đa chấn thương rách mí mắt phải, quanh mắt trái bị đụng dập, gãy cẳng và ngón tay, tổn hại sức khỏe 17%.

Theo VKSND TP Huế, hành vi của Liên và Đức được quy định tại khoản 2, Điều 104,  Bộ luật Hình sự phạm vào tội “cố ý gây thương tích”. Cũng theo đại diện của VKS TP Huế thì Liên và Đức còn bị buộc tội “cố sát”, bởi lẽ cả hai bị can này đã dùng hung khí là những vật sắc nhọn (mỏ lết bằng kim loại) để tấn công anh Hoàng.

Ngày 6/5/2016, TAND TP Huế đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án và quyết định xử phạt Ngô Hữu Liên 2 năm tù giam và Ngô Quốc Đức 1 năm 6 tháng tù treo. Sau đó bị cáo Liên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Vụ án tiếp tục được TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế thụ lý.

Tuy nhiên điều đáng nói trong vụ án này, mặc dù đã qua thời gian phúc thẩm (30 ngày kể từ khi bị cáo nộp đơn kháng cáo), nhưng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử?

Và, ngày 25/8 vừa qua, cơ quan nơi anh Hoàng làm việc “bất ngờ” nhận được công văn  của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị tạo điều kiện để anh này đi giám định lại thương tích. Tuy nhiên việc giám định này phía tòa án chỉ đơn phương chấp thuận theo yêu cầu của bị cáo Liên khi chưa có sự đồng thuận của anh Hoàng khiến anh  rất bức xúc.

“Tôi đi giám định pháp y vào tháng 11/2015, bây giờ đã hơn 10 tháng, sức khỏe đã dần hồi phục. Việc giám định pháp y lại liệu kết quả có đúng như kết quả giám định ban đầu hay không?”, anh Hoàng nói.

Cũng theo anh Hoàng, việc cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2, Điều 104; các điểm b, p khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự tuyên phạt Ngô Hữu Liên 24 tháng tù giam và  áp dụng khoản 2, Điều 104, các điểm b, p khoản 1, Điều 46, Điều 47, Điều 60 Bộ luật Hình sự tuyên phạt bị cáo Ngô Quốc Đức 18 tháng tù treo là không đảm bảo tính giáo dục răn đe và thiếu cơ sở pháp lý.

“Bởi lẽ, việc Liên và Đức hợp sức dùng hung khí nguy hiểm (mỏ lết, gậy gỗ) đánh tới tấp vào đầu tôi đến ngất xỉu là hành vi cực kỳ nguy hiểm, có tính côn đồ và cố sát. Thêm nữa, bị cáo Liên sống tại địa phương từng bị Công an phường An Cựu xử phạt hành chính về việc gây mất trật tự khu dân cư. Vì vậy, cần phải có bản án thích đáng hơn”, anh Hoàng bức xúc.

Tạm đình chỉ vụ án, bị hại không hề biết

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Yến Anh – Chánh văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế, bà Anh cho biết, đã nhận được yêu cầu giám định lại thương tích của anh Hoàng sau khi bị cáo Liên có đơn kháng cáo. 

Hỏi về cơ sở để giám định lại, bà Anh cho biết, bản thân anh Hoàng có bệnh lý về mắt và ảnh hưởng như thế nào đến thị lực của mắt, tỷ lệ là bao nhiêu? Và việc tính toán thế nào để xác định kết quả thương tích do bị cáo gây ra thì bản kết luận giám định chưa làm rõ, chưa được kết luận.

Việc đình chỉ vụ án, đại diện TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã gửi thông báo đến VKS, bị cáo và bị hại. Tuy nhiên, anh Hoàng cho biết chưa nhận được bất cứ thông báo nào về việc này.

Luật sư Nguyễn Trọng Hải, Trưởng văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An cho biết, theo quy định tại Điều 242, BLTTHS 2003 về thời hạn xét xử phúc thẩm thì: “…Tòa phúc thẩm TANDTC, Tòa án Quân sự Trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án…”. Do vậy, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa xét xử phúc thẩm là quá quy định.

Cũng theo quy định tại Điều 242 BLTTHS năm 2003, thì Tòa án có trách nhiệm phải thông báo về thời gian, địa điểm xét xử phúc thẩm cho VKS và những người tham gia tố tụng biết, chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên tòa.

Bên cạnh đó, việc giám định lại, theo quy định của Luật Giám định tư pháp thì bị cáo có quyền yêu cầu giám định và về bản chất yêu cầu của họ sẽ phải được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, khi đó cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định trưng cầu giám định. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2003 chưa quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc từ chối giám định của bị hại, do vậy, bị hại được quyền làm những gì pháp luật không cấm, nghĩa là vẫn có quyền từ chối giám định lại.