Xuất thân nghèo khó
Thực tế, Lý Quốc sư không phải tên gọi mà là chức danh dành cho vị cao tăng có chức vị cao nhất trong triều đại nhà Lý. Sử sách chép rằng Lý Quốc Sư tên thật Nguyễn Chí Thành, pháp hiệu Nguyễn Minh Không. Ông sinh ngày 15/10/1065 tại làng Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Cha tên là Nguyễn Sùng, quê ở Tràng An, còn mẹ tên Dương Thị Mỹ, quê ở Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Chuyện kể rằng, mặc dù gia cảnh ông Sùng rất nghèo nhưng hai vợ chồng luôn chăm lo làm việc thiện. Họ sinh hạ cậu con trai khôi ngô tuấn tú đặt tên Nguyễn Chí Thành. Cha mẹ mất từ khi còn rất nhỏ, cậu bé sớm phải mò cua, bắt ốc sống qua ngày.
Thời ấy, Phật giáo truyền vào Việt Nam ở giai đoạn cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống. Vì vậy, người dân đều lập chí tu hành học đạo, Chí Thành cũng vậy.
Về việc học đạo của Chí Thành có nhiều truyền thuyết khác nhau. Có người nói rằng, Minh Không và Từ Đạo Hạnh vốn là bạn thân từ nhỏ. Lớn lên, hai người cùng xuất gia và cùng thiền sư Giác Hải lên đường đi Tây Thiên tầm sư học đạo. Vượt qua xứ răng vàng đường sá hiểm trở, cả ba đến được Tây Thiên học phép linh dị. Sau khi đắc đạo, ba người kết nghĩa anh em, trở về truyền bá phật pháp.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Minh Không là học trò của Từ Đạo Hạnh. Năm 11 tuổi, Chí Thành gặp Từ Đạo Hạnh liền xin theo học. Từ Đạo Hạnh nhận Chí Thành làm đệ tử, ban pháp hiệu Minh Không. Ông vốn thông minh, lĩnh ngộ nên được Từ Đạo Hạnh khen ngợi, truyền cho tâm ấn.
Chính vì vậy, trước khi viên tịch, Từ Đạo Hạnh dặn dò vị học trò giỏi nhất sau này giúp mình chữa căn bệnh “hóa hổ” của mình khi đã đầu thai chuyển kiếp vào vua Lý Thần Tông.
Chữa căn bệnh “hóa hổ” của vua
Truyền thuyết kể lại Từ Đạo Hạnh sau khi viên tịch đã đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu, em ruột vua Lý Nhân Tông, được đặt tên là Dương Hoán. Khi Lý Nhân Tông qua đời, Dương Hoán được chọn làm con người kế vị, tức vua Lý Thần Tông.
Lên ngôi không được bao lâu, nhà vua bệnh nặng, mọc lông khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày. Các danh y tài giỏi được mời đến nhưng bệnh của vua không thuyên giảm. Triều đình phái sứ giả đi khắp nơi tìm người có thể chữa bệnh cho đức vua.
Khi sứ giả đến vùng núi Tử Trầm, nơi Minh Không trụ trì, thấy trẻ con hát câu đồng dao: “Tập tầm vông, có Nguyễn Minh Không chữa được mình rồng thiên tử…”. Sứ giả thấy lạ liền hỏi thăm và tìm được Nguyễn Minh Không liền mời ông vào triều chữa bệnh cho vua.
Gặp sứ giả, Minh Không bèn lấy cái niêu nhỏ đem cho họ cùng ăn, bảo rằng: “Anh em đông quá sợ không đủ no bụng, tạm ăn vậy”. Lính chèo thuyền hơn trăm người không sao ăn hết được niêu cơm. Sau đó, Minh Không lại bảo: “Anh em hãy tạm ngủ say một lát nữa đợi nước triều lên ta hãy bắt đầu đi”. Trong khoảnh khắc, thuyền đã trở về tới kinh đô, quân lính đều phục tài thiền sư.
Đến điện ngọc, Minh Không thấy nhiều pháp sư khác đang làm phép chữa bệnh cho vua. Họ thấy Minh Không ăn mặc quê mùa nên khinh thường không thèm chào hỏi. Thấy vậy, thiền sư lấy ra chiếc đinh lớn, đóng sâu vào cột, rồi lên tiếng hỏi: "Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì hãy nói chuyện chữa bệnh".
Minh Không nói thế ba lần nhưng chẳng vị pháp sư nào dám làm. Thiền sư ung dung bước lại gần, dùng hai ngón tay trái nhẹ nhàng rút ra. Mọi người chứng kiến đều khiếp phục sức mạnh phi thường của vị sư, nhường ông vào chữa bệnh cho vua.
Gặp nhà vua, Minh Không lớn tiếng hỏi: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”. Vua nghe thấy vậy, không dám kêu gầm nữa. Minh Không lại sai người lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới trăm lần, dùng tay không quấy lên khoảng bốn lần, sau đó tắm vua trong đó. Ít lâu sau nhà vua khỏi hẳn.
Cảm phục tài năng của Minh Không, đồng thời cảm tạ ơn cứu mạng của ông nên vua Lý Thần Tông phong cho là Quốc sư, được đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý của vua, cấp cho nhà ở, ban lộc mấy trăm hộ, tất cả được miễn thuế.
Không chỉ nổi tiếng vì đã chữa bệnh cho vua, thiền sư Minh Không còn là người có công xây dựng rất nhiều ngôi chùa trên nước Đại Việt. Sử chép sau khi tu hành đắc đạo, thiền sư Minh Không trở về quê nhà ở Ninh Bình, dựng chùa Viên Quang, sau đó lại lập nhiều chùa ở Phả Lại (Bắc Ninh), Giao Thủy (Nam Định), Vũ Thư (Thái Bình)... để tu hành. Trong suốt cuộc đời, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt.
Ngoài ra với vai trò Quốc sư triều Lý, ông là người đúc tượng phật chùa Quỳnh Lâm, đúc đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên góp phần tạo nên An Nam tứ đại khí. Ông là người sưu tầm phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa văn minh Đông Sơn. Vì thế được suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng.
Ông qua đời vào năm 1141, niên hiệu Thái Bình thứ 22, thọ 76 tuổi.