Từ nổi loạn “bơ vơ” đến thờ ơ, ích kỷ
Gần đây, dư luận bàng hoàng trước vụ 2 sinh viên (SV) Học viện Nông nghiệp ôm nhau tự tử bằng cách chích điện. Trước đó, cuối tháng 12/2014 tại Nghệ An, 2 học sinh (HS) lớp 10 đã tự tử vì bị gia đình ngăn cấm chuyện tình cảm…
Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định tự tử là lý do xếp thứ ba trong các nguyên nhân khiến trẻ từ 13 đến 19 tuổi tử vong. Tình cảm rối ren, áp lực học hành, gia đình mâu thuẫn… là những nguyên nhân dẫn đến những hành xử tiêu cực của các em.
Kết quả cuộc khảo sát gần đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tiến hành ở một số trường phổ thông và đại học tại Hà Nội, Hải Dương cho thấy có đến 93,57% số HS-SV được hỏi gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày.
Đặc biệt, ở lứa tuổi HS phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là 80,17%. Thực tế, như chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Vũ Văn Trà, có những HS chỉ bị thầy cô giáo mắng cũng dẫn đến trầm cảm, định tự vẫn và tự vẫn.
Theo thạc sỹ Nguyễn Tất Thắng, Phó Trưởng ban Công tác chính trị và HS – SV (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với các SV, những rối nhiễu tâm lý phức tạp hơn. Các em từ các địa phương khác lên Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn trong mọi lĩnh vực, từ thích ứng với môi trường mới trong cuộc sống hàng ngày đến học tập.
Thế nhưng, điều đáng lo ngại là đa số các em đều không có cơ hội chia sẻ những vấn đề tâm lý mình đang gặp phải. Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV (Bộ GD&ĐT) cho biết, đời sống tinh thần, tâm lý trong HS-SV ngày càng phong phú; tuy nhiên, tâm lý ngại chia sẻ, ngại đến Trung tâm tư vấn hoặc sợ bí mật riêng tư bị lộ hoặc quỹ thời gian của các em ở trường đã kín vì lịch, mỗi khi gặp sự cố tâm lý không biết cách giải quyết, các em thường vào các diễn đàn mạng chia sẻ với bạn bè thân thiết chứ không thổ lộ với gia đình hoặc thầy cô nên việc nắm bắt tâm lý trong HS-SV dường như quá xa vời…
|
Đánh, chửi nhau- những hành vi không còn xa lạ với các em học sinh |
“Thái độ thờ ơ, ích kỷ không còn là điều lo ngại đâu xa mà ở ngay trước mắt bởi khi chúng tôi dựng cảnh một nữ sinh bị ngã xe máu chảy đầy người ngay tại cổng trường, kết quả là chỉ nhận được những cái nhìn tò mò, thậm chí thờ ơ từ các bạn HS đi ngang qua thay vì những bàn tay giúp đỡ”, ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV (Bộ GD&ĐT) liệt kê cả ở phổ thông và trường đại học, tình trạng nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô giáo, người lớn tuổi không phải là cá biệt.
Cùng với đó, những hiện tượng không phù hợp với chuẩn mực đạo đức truyền thống ngày càng nhiều như quan hệ tình dục sớm, chụp ảnh khỏa thân rồi tung lên mạng xã hội vì mục đích cá nhân. “Hiện tượng kết bạn trên mạng rồi hình thành các băng nhóm ở tuổi vị thành niên và có những hành vi lệch chuẩn như: bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, uống rượu bia say xỉn, đua xe, cá biệt có khi sống quần hôn… là những biểu hiện đáng lo ngại ở một bộ phận giới trẻ hiện nay” - ông Linh nói.
Dạy người – không thể làm hay không muốn làm?
Chia sẻ về những thực tế trong văn hoá học đường hiện nay, phần đa ý kiến cho rằng vì chương trình học đã quá nặng và nguồn kinh phí eo hẹp nên thầy cô rất khó để dành thời gian quan tâm tới HS của mình. Đồng thời, hiện chưa có chế độ, chính sách cho thầy cô làm tham vấn tâm lý nên ở các trường, công tác này phần lớn vẫn còn bỏ ngỏ hoặc mang tính hình thức.
Tuy nhiên, nếu các trường thực sự quan tâm đều có thể thực hiện được. Bà Nguyễn Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết: “Giờ vàng của HS đều diễn ra ở trường. Nếu chỉ bắt các em học thì các hoạt động khác sẽ rơi vào buổi tối. Như vậy giáo viên, phụ huynh sẽ khó nắm bắt, định hướng và không hiệu quả”.
Vì vậy, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai mạnh dạn đầu tư các hoạt động ngoại khóa rất bài bản với mức kinh phí từ 50-100 triệu đồng mà không phải trường nào cũng dám bỏ ra nhằm định hướng để HS phát huy sở trường, năng lực ngoài học kiến thức văn hóa. Tuy đây là kinh phí không nhỏ nhưng vẫn có thể thực hiện được với mức chi ngân sách hiện nay khi giúp cho HS thể hiện tư duy, suy nghĩ của mình với sự hỗ trợ của giáo viên.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV (Đại học Thái Nguyên) cho biết, Trung tâm thường xuyên vận động tài trợ để tổ chức nhiều hoạt động phong phú sẽ giảm gánh nặng kinh phí của Trung tâm.
Từ mạng lưới doanh nghiệp gắn bó với hoạt động của đơn vị, riêng năm 2014, Đại học Thái Nguyên thu được hơn 200 triệu đồng cho hoạt động văn hoá, thể thao. Ở góc độ khác, nhà tư vấn tâm lý Đỗ Văn Giảng, Phòng Tâm lý học đường, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta bắt gặp nhiều hình thức ứng xử của HS khiến người lớn cũng phải “đỏ mặt”, xấu hổ, đó là lối ứng xử thiếu văn hóa.
Đó là những điều lo ngại vì giáo dục nhân cách phải bắt đầu từ hành vi ứng xử. Việc học ứng xử trước hết phải từ gia đình, nhưng hiện nay có một điều đáng buồn là gia đình thường bỏ qua những “phép tắc” này./.