Thung lũng Chết có điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thường trên 49°C (vào ngày 10/7/1913 nhiệt độ đã đạt đến mức kỷ lục 113°C). Lượng mưa trong thung lũng rất thấp, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 42mm. Năm cao nhất, lượng mưa cũng chỉ là 114mm và năm thấp nhất không có một giọt mưa nào. Mỗi khi có mưa xuống, những nơi nóng rực sẽ có những lớp bùn đỏ trôi ra trông như núi lửa phun trào. Vì thế, nơi đây còn có tên gọi là “miệng núi lửa chết”.
Lịch sử cái tên “kinh dị”
Trong Thung lũng Chết có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như quặng borac và muối. Từ năm 1880, bất chấp gian khổ và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ngành khai khoáng ở đây bắt đầu manh nha. Đến những năm 80 của thế kỷ 19, người ta bắt đầu khám phá ra mỏ đồng, vàng, bạc, nhôm ở vùng phụ cận của thung lũng, từ đó nhiều thành phố, thị trấn quy tụ nhân công khai khoáng được xây dựng Tuy nhiên, cùng với sự cạn kiệt của khoáng sản, người ta rời đi và để lại một vùng hoang tàn đổ nát.
Thực vật trong Thung lũng Chết rất ít. Động vật cũng chỉ có thỏ rừng, chuột, cáo, chó sói và sơn dương, thằn lằn, rắn, rết, bọ cạp. Ở thung lũng hoang vu vừa khô vừa nóng này, sự sinh tồn của con người và động vật rất khó khăn.
Những nghiên cứu sau này cho thấy, nguyên nhân gây ra sự chênh lệch lớn về nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm ngay tại Thung lũng Chết khiến nó trở nên khắc nghiệt. Vào ban ngày, nhiệt độ trung bình ở đây vào khoảng 50°C nhưng nhanh chóng giảm xuống mức âm khi màn đêm buông xuống.
Mặc dù là nơi khô nhất, nóng nhất lục địa Bắc Mỹ, nhưng điều kỳ lạ là cứ 10 năm hoặc lâu hơn, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra, khi một thảm hoa dại bất ngờ bung nở với hàng nghìn bông hoa vàng, tím và trắng, thu hút rất nhiều khách du lịch tìm đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh.
Cái tên “Thung lũng Chết” ra đời cách đây 150 năm. Vào năm 1849, một đoàn người đi tìm vàng trong khi cố gắng tìm con đường tắt đã đi lạc vào thung lũng này và bị mất phương hướng. Họ đã phải trải qua đói khát, bị ánh nắng mặt trời gay gắt thiêu đốt và bị tấn công bởi các loài côn trùng, sâu bọ như rắn và bọ cạp.
Chịu nhiều khổ ải, có người vùi xác dưới đáy vực, có người bị chết vì đói, vì rắn độc cắn, mãi đến tháng 1/1850 mới có một số ít thành viên trong đoàn trốn thoát ra. Họ rêu rao khắp nơi về sự đáng sợ của nơi này và từ đó gọi nó bằng cái tên “Thung lũng Chết”.
Tiếp đó vào năm 1941, một nhóm thám hiểm người Mỹ cũng không may mắn lạc vào Thung lũng Chết. Cũng giống như nhóm người đào vàng lạc đường gần một thế kỷ trước, không một cơ hội nào cho nhóm nghiên cứu người Mỹ thoát khỏi thung lũng. Năm 1949, một đoàn thám hiểm khác nữa vô tình lạc vào thung lũng và chết vì một “sức mạnh thần bí”. Một vài người chạy thoát nhưng chẳng bao lâu họ cũng qua đời một cách khó hiểu.
Tháng 7/1996, kiến trúc sư người Đức Egbert Rimkus (37 tuổi) cùng con trai Meyer Max (4 tuổi) và bạn gái là Cornelia Meyer (24 tuổi), đi du lịch tại Thung lũng Chết ở California Mỹ và mất tích một cách đầy bí ẩn. 13 năm sau, một người đi bộ đường dài phát hiện một số bộ hài cốt được cho là của Egbert và Cornelia. Cho đến nay, vụ mất tích bí ẩn xảy ra ở Thung lũng Chết vẫn chưa tìm ra lời giải.
Nhiều người báo cáo đã phát hiện một số hang động ngầm và hầm mộ bên dưới Thung lũng Chết. Từ đó, họ suy đoán đây có thể là bằng chứng về sự tồn tại của một nền văn minh cổ xưa. Cụ thể, năm 1931, Tiến sĩ F. Bruce Russell và Tiến sĩ Daniel S. Bovee tuyên bố họ tình cờ phát hiện một hang động bí ẩn dưới lòng đất, có xác ướp của ba người khổng lồ cao 8 hoặc 9 feet và một kho báu những đồ vật có giá trị từ thời Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, cũng từ đó không ai tìm thấy hang động này nữa, bản thân 2 nhà tiến sĩ cũng biến mất không dấu vết.
Cho đến ngày nay, dù đã nhiều người cố gắng lý giải về “sức mạnh thần bí” của Thung lũng Chết đã gây nên cái chết của các đoàn thám hiểm nhưng chưa có sự giải đáp thỏa đáng.
Những hòn đá biết đi
Một điều khiến Thung lũng Chết trở nên đặc biệt khó hiểu, đó là trên mặt hồ cạn Racetrack Playa vốn là một khu vực rất khô cằn vào mùa hè, nằm tại phía tây bắc của thung lũng. Nơi này được biết tới là một trong những địa danh bí ẩn và kỳ lạ nhất hành tinh - nơi có những tảng đá tự di chuyển và để lại những “con đường mòn” trên mặt hồ.
Khi biết đến hiện tượng kỳ lạ này, ban đầu nhà khoa học NASA Brian Jackson đã cho rằng, điều bí ẩn này khiến người ta liên tưởng tới nơi đây giống như một hành tinh khác. Những hòn đá rải rác trên sa mạc đều là những hòn đá bình thường chứ không có điểm gì đặc biệt vì chúng đều rơi từ trên núi xuống. Cứ hơn một tháng, những hòn đá này lại di chuyển được khoảng 100m. Cứ thế, những hòn đá liên tục thay đổi vị trí theo những quỹ đạo bất định, để lại dấu vết trải dài hàng trăm mét trên nền đất khô cằn.
|
Những hòn đá biết đi ở Thung lũng Chết. |
Điều khó hiểu ở chỗ, sự di chuyển này không hề có tác động của máy móc hay con người. Bởi đây là khu vực không có người sinh sống và cũng chưa ai tới đây nhìn thấy những hòn đá dịch chuyển. Có những tảng đá nặng tới 300kg, người ta đo được khoảng cách chúng di chuyển trên quãng đường lên tới 450m trong thời gian từ 2-5 năm. Tuy nhiên, không ai xác định được tốc độ di chuyển của chúng ra sao.
Chưa ai có cơ hội chứng kiến những tảng đá di chuyển nên đó vẫn là một trong những bí ẩn về Thung lũng Chết làm đau đầu các nhà khoa học. Hàng loạt giả thuyết được đưa ra, thậm chí có cả sự lý giải về việc can thiệp của người ngoài hành tinh.
Có một số các nhà khoa học nghiên cứu địa hình khu vực này nhận thấy, khu vực này tương đối bằng phẳng, phía bắc cao hơn phía nam vài cm nên hầu hết những hòn đá di chuyển giống như leo dốc. Cũng có những người khác cho rằng, những hòn đá này di chuyển nhờ mưa, gió.
Theo nghiên cứu của một giáo sư địa chất trường đại học ở bang San Jose ở California, gió ở đây rất mạnh và đã đẩy các hòn đá đi. Nhưng trên tất thảy, những điều đó mới dừng lại ở việc phỏng đoán. Trong khi đó, những tảng đá nằm dưới lòng hồ Racetrack vẫn “miệt mài” thực hiện hành trình di chuyển của mình như thách thức giới khoa học.
Nhiều lập luận và tranh cãi nổ ra trong suốt hàng chục năm qua nhưng vẫn không thu được kết quả gì. Năm 2010, một đoàn thám hiểm gồm 17 nhà khoa học và sinh viên dưới sự hướng dẫn của nhân viên NASA đã tới đây để nghiên cứu.
Mưa chưa ngớt được bao lâu, mặt đất đã nhanh chóng khô ráo và nứt nẻ. Các nhà nghiên cứu hệ thống vệ tinh GPS còn đào sâu nghiên cứu quỹ đạo của những hòn đá. Ngoài ra, họ còn phân tích cả thổ nhưỡng vùng này nhưng vẫn chưa đưa ra được lời giải thích thỏa đáng.
Tưởng chừng mọi thứ rơi vào ngõ cụt, nhưng cuối cùng vào năm 2013, một bằng chứng thuyết phục hơn cả đã xuất hiện. Ralph Lorenz, một trong những nhà khoa học vũ trụ ở NASA có dịp tới Racetrack Playa ở thung lũng Chết để nghiên cứu, ông bị hấp dẫn ở những hòn đá tự lăn và quyết tìm kiếm câu trả lời.
Nhóm nghiên cứu của ông nhận thấy, vào mùa đông, nước bị đóng băng trên mặt đất sẽ tan ra. Lớp băng mỏng là yếu tố giúp hòn đá di chuyển. Cộng thêm sức gió đẩy nó tự trượt trên nền đất mềm, đồng thời tạo thành vệt đường dài phía sau. Quan trọng hơn cả, phải có đầy đủ các yếu tố cần thiết trong điều kiện hoàn hảo, các tảng đá sẽ tự di chuyển dần dần.
Nghiên cứu này cũng tương tự với kết quả đánh giá của Tiến sỹ Paula Messina, Giáo sư địa chất thuộc Đại học San Jose State ở California, người đã theo dõi sự dịch chuyển của 162 tảng đá nằm rải rác khắp khu vực. Cũng theo Tiến sỹ Messina, sự kết hợp hiếm có giữa nước, gió và mặt đất đã tạo nên những bí ẩn kể trên.