Gần 10 năm ì ạch xử lý ô nhiễm
Ô nhiễm chì ở Đông Mai không phải đến thời điểm này mới được đề cập. Trước đó, theo thông tin từ Ths. Bác sỹ Lỗ Văn Tùng - Phó trưởng khoa Vệ sinh và Sức khỏe trường học (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường), khoảng năm 2006, đơn vị này đã có những nghiên cứu cảnh báo đầu tiên về ô nhiễm chì trong khu vực trên. Theo đó, các mẫu bụi, nước và đặc biệt là đất bề mặt đều có chứa hàm lượng chì rất cao. Về nồng độ ô nhiễm chì trong không khí, theo một thống kê của TS Lê Đức, giảng viên Khoa Môi trường (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội), có thời điểm nồng độ chì trong không khí vượt ngưỡng cho phép tới 4.600 lần.
Ths. Bác sĩ Lỗ Văn Tùng - Phó trưởng khoa Vệ sinh và Sức khỏe trường học -Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường chia sẻ về tình trạng ô nhiễm chì ở Đông Mai, sau khi báo PLVN phản ánh. |
Ô nhiễm nghiêm trọng là vậy nhưng quá trình khắc phục, xử lý tại địa phương lại khá ì ạch. Về mặt chủ trương, theo Quyết định số 64-2003/QĐ -TTg của Thủ tướng, đến hết năm 2007 thôn Đông Mai phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời các hộ, cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng, mãi đến năm 2011 Đông Mai mới được tỉnh Hưng Yên phê duyệt “Dự án xây dựng cụm công nghiệp Đông Mai”, rộng 21 héc ta để tập trung các hộ tái chế kim loại độc hại, sử dụng mô hình sản xuất hiện đại khép kín. Dự án đã có nhưng tới 2 năm sau nó vẫn phải… đợi chờ vì thiếu vốn.
Trước tình cảnh hàng trăm con người phải sống vật vờ trong môi trường ô nhiễm, Ths. Bác sỹ Lỗ Văn Tùng bức xúc: “Chì là kim loại nặng có thể tồn tại rất lâu dài trong đất. Việc xử lý ô nhiễm đất là một phương pháp rất khó khăn và tốn kém. Sau khi ngấm vào đất, chì có thể thâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đường hô hấp và có thể qua da”.
“Bóc đất” cứu làng nhiễm chì
Hiện tại, Cụm công nghiệp Đông Mai bước đầu đã tách các cơ sở sản xuất ra khỏi cụm dân cư. Tuy nhiên, vấn đề “gốc” là xử lý những hệ lụy, do tái chế chì suốt nhiều năm trên địa bàn Đông Mai vẫn chưa thực sự được chính quyền sở tại quan tâm. Lượng kim loại nặng tồn lưu trong đất vẫn rất lớn. Và đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc chì của nhiều trẻ em trong thôn. Những diện tích đất tưởng chừng đã “chết” vì nhiễm chì nặng ấy nếu không áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý sẽ là môi trường trung gian thúc đẩy quá trình xâm nhập chì vào cơ thể người.
Trong khi người dân Đông Mai đang bí bách với môi trường sống ô nhiễm thì niềm hy vọng hồi sinh lại những vùng đất chết của làng được thắp lên. Theo đó, “Dự án khắc phục ô nhiễm chì tại làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai” của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), Đại học Washington, Viện Blacksmith (Mỹ) sẽ tiến hành những biện pháp như bóc đất, lọc chì... góp phần giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của chì trong môi trường.
Cụ thể, dự án diễn ra từ tháng 11/2013 đến đầu năm 2014, thông qua phương pháp xử lý đất nhiễm chì tại 38 hộ gia đình với tổng diện tích 1.953 m2. Qua mô tả của Ths. Bác sĩ Lỗ Văn Tùng, người trực tiếp tham gia dự án, sau khi bóc đi một lớp đất mỏng trên bề mặt, diện tích đất ô nhiễm sẽ được trải lên một lớp vải địa kỹ thuật. Nó sẽ hoàn toàn được cách ly lớp đất nhiễm chì qua việc che phủ bề mặt bằng đất sạch hoặc cát sạch.
Phần diện tích đất được thanh lọc ấy có thể sử dụng để trồng rau xanh hoặc lát thêm gạch để làm sân chơi. Ông Bùi Văn Lỏng, thôn Đông Mai, cho biết: “Gia đình tôi làm nghề tái chế chì từ năm 1983 đến năm 1990. Mặc dù đã ngưng sản xuất chì trong một thời gian dài nhưng những ảnh hưởng từ chì khiến tôi luôn sống trong cảnh nay ốm, mai đau. Sau khi lớp đất ô nhiễm bị cách ly, tôi có thể yên tâm trồng, chăm sóc và tiêu thụ chính những ngọn rau, quả trứng, con gà do mình nuôi, trồng được mà không phải lo lắng gì”.
Ông trưởng thôn Lê Huy Gương cũng nhận định: Dự án khắc phục ô nhiễm chì đã phần nào giúp người dân trong việc xử lý ô nhiễm, là một giải pháp thiết thực, hữu ích nhất đối với người dân trong thời điểm này.
Dự án tẩy chì ở 38 hộ dân Đông Mai bước đầu đã thấy hiệu quả, song đó chỉ là hướng gợi mở giúp giảm thiểu ô nhiễm. Để xử lý toàn bộ diện tích đất nhiễm chì ở Đông Mai, theo ông Lỗ Văn Tùng, khá tốn kém. Riêng đối với các khu vực vẫn đang diễn ra các hoạt động tái chế chì thì việc thanh tẩy thứ kim loại trên hoàn toàn không có hiệu quả.
Rất mong các cấp chính quyền Hưng Yên sẽ mạnh mẽ vào cuộc để hồi sinh vùng đất đã và đang chết vì ô nhiễm chì. Với trẻ em và cả người lớn đang bị ngộ độc chì, cần có biện pháp khám chữa bệnh kịp thời, hiệu quả, phòng ngộ độc mãn tính để làng nhiễm chì không thành “làng ung thư” trong tương lai…