Ngoài việc khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, đại dịch thuốc giảm đau nhóm opioid ở Mỹ còn khiến nước Mỹ mất tới 500 tỷ USD mỗi năm cho các dịch vụ y tế, bệnh viện, cảnh sát, trại cai nghiện, bảo vệ trẻ em để giữ lấy mạng sống của những người nghiện thuốc. Chính quyền các cấp đang kiện Công ty Purdue với hy vọng thu hồi nhiều tỷ USD, như cách mà các tập đoàn thuốc lá phải trả 200 tỷ USD năm 1998.
Purdue Pharma (hãng dược do anh em nhà Sackler kiểm soát) hiện là bị đơn trong hơn 2.000 vụ kiện ở gần hết các tiểu bang ở Mỹ về cáo buộc đã quảng cáo sai lệch về OxyContin, gạt đi rủi ro gây nghiện. Đây là công ty đầu tiên trong số hơn 20 công ty dược đang bị kiện trên toàn nước Mỹ vì đã gây ra đại dịch thuốc giảm đau nhóm.
Gần 2000 thành phố và các hạt ở Mỹ, cùng với gần như tất cả các bang của Mỹ, đã kiện Công ty Purdue, và trong một số trường hợp kiện luôn cả gia đình Sackler là những người kiểm soát hãng dược này. Các đơn kiện cáo buộc hãng dược cùng gia đình quản lý đã rất tích cực tiếp thị các sản phẩm thuốc giảm đau kê đơn này tới người dùng, lờ đi hoặc gây hiểu sai về những nguy cơ gây nghiện cũng như lạm dụng của thuốc. Các nguyên đơn yêu cầu Hãng dược Purdue phải bồi thường thiệt hại cho người dùng hàng tỉ USD vì hành vi sai trái đó. Cho đến nay Hãng dược Purdue và gia đình Sacklers vẫn bác bỏ các cáo buộc.
Trong số các bang phản đối có Massachusetts, New York và Connecticut. Các bang này muốn nhà Sacklers phải đảm bảo chi trả nhiều tiền hơn để dàn xếp các vụ kiện, ở mức hơn 10 tỉ USD.
Tuy nhiên gia đình Sacklers cho tới nay chỉ chấp nhận chi 3 tỉ USD tiền mặt, cộng thêm khoảng 1,5 tỉ USD hoặc hơn thế từ tiền bán một công ty khác thuộc sở hữu của họ là Mundipharma để giải quyết vụ việc, họ từ chối nâng mức tiền dàn xếp đó.
Tháng 9/2019, công ty này đã nộp đơn xin phá sản. Purdue Pharma cho biết việc phá sản là một phần trong thỏa thuận trả hàng tỷ USD giữa công ty cho các tiểu bang, chính quyền địa phương và bộ lạc.
Theo một thỏa thuận sơ bộ, gia đình Sackler sẽ giao lại công ty cho chính quyền Mỹ. Toàn bộ lợi nhuận từ công ty, ước tính tổng cộng 7-8 tỷ USD sẽ được sử dụng để xử lý hậu quả của đại dịch, hỗ trợ người nghiện. Gia đình Sackler cũng sẽ bỏ ra thêm khoảng 3 tỷ USD, nâng giá trị thỏa thuận nhằm chấm dứt kiện tụng này lên tới khoảng từ 10 đến 12 tỷ USD.
Tuy nhiên, Purdue cũng đang có kế hoạch tạo ra một công ty khác gọi là NewCo chuyên sản xuất thuốc để làm giảm tình trạng quá liều thuốc giảm đau và tiếp tục phát triển một sản phẩm naloxone không kê đơn với chi phí thấp cho các cộng đồng trên khắp Mỹ. Với quyết định này có vẻ như Purdue muốn theo đuổi tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp theo những điều khoản thỏa thuận nhằm dàn xếp các vụ kiện chống lại họ đang lan rộng.
Đối với OxyContin, việc nhà Sackler có thể tiếp tục sản xuất thuốc giảm đau này hay không sẽ được quyết định sau. “Sự dàn xếp rõ ràng này là một cái tát vào mặt những người đã phải chôn cất người thân do sự hủy hoại và lòng tham của gia đình Sackler”, Tổng chưởng lý bang Pennsylvania Josh Shapiro nói trong một tuyên bố. Ông Shapiro cũng cho rằng thỏa thuận trên sẽ phép gia đình Sackler tránh được những rắc rối sau khi đã thu về hàng tỷ USD và không thừa nhận hành động sai trái nào.
Thuốc OxyContin có bán ở Việt Nam, ít nhất từ 2015
Theo nội dung đăng trên trang wb Luatvietnam.vn về Quyết định 552/QĐ-QLD của Cục Quản lý dược về việc ban hành danh mục 21 thuốc nước ngoài (thuốc có hoạt chất lần đầu, phối hợp hoạt chất lần đầu hoặc dạng bào chế lần đầu đăng ký tại Việt Nam - số đăng ký có hiệu lực 2 năm) được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam - Đợt 91 (ngày 6/10/2015), nhà sản xuất Purdue Pharmaceuticals, L.P. được phép lưu hành thuốc OxyContin dạng viên nén giải phóng kéo dài với các loại hàm lượng 10, 15, 20, 30, 40, 60 và 80mg.