Thương cảng Hội An: Nhìn từ lịch sử huy hoàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội An - đô thị cổ ven biển Quảng Nam vẫn luôn là tâm điểm của rất nhiều sự quan tâm, chú ý, bảo tồn của người Việt và dư luận toàn cầu. Có một thời, đô thị nhỏ bé này từng là một thương cảng lẫy lừng, đóng vai trò cực kì quan trọng trong giao thương khu vực và quốc tế.
Hội An - viên ngọc quý của văn hóa Việt, điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế.
Hội An - viên ngọc quý của văn hóa Việt, điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế.

Thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đông Nam Á

Nếu nói về sự hình thành đô thị, thương cảng, Hội An đã bắt đầu phát triển từ rất lâu. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hai đồng tiền cổ của Trung Quốc thời Hán là Ngũ Thù và Vương Mãng. Đây là phát hiện quan trọng cho thấy Hội An đã trở thành thương cảng từ cách đây 2000 năm trước. Thế kỉ 9 và 10, dưới thời vương quốc Chăm Pa, Hội An có tên là Lâm Ấp Phố, khi ấy đã trở thành điểm giao thương, buôn bán, trao đổi vật phẩm của các thương gia từ Ả Rập, Ba Tư, Trung Quốc...

Nhưng chỉ đến thế kỉ 16, khi chúa Nguyễn vào trấn thủ đất Thuận Hóa, sau đó được Vua Lê cho kiêm lãnh trấn Quảng Nam, Chúa Nguyễn tập trung phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài thì Hội An mới bước vào thời kì cực thịnh của mình, trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á bấy giờ.

Có thể nói, thế kỷ 16 đánh dấu thời kỳ hoàng kim của Hội An, một thương cảng quốc tế quan trọng của Việt Nam. Nằm trên bờ sông Thu Bồn, nằm trên tuyến đường biển huyết mạch nối liền các quốc gia châu Á và châu Âu, Hội An không chỉ là một cửa ngõ giao thương sầm uất mà còn là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, tôn giáo và phong tục tập quán từ khắp nơi trên thế giới. Vị trí chiến lược này đã biến Hội An thành một thương cảng sôi động, nơi các thương nhân từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Hà Lan và nhiều quốc gia khác đến trao đổi hàng hóa. Gạo, lụa, gốm sứ, gia vị và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là những mặt hàng chủ lực trong các giao dịch tại đây.

Trong Phủ biên tạp lục, một trong những tập khảo cứu rất có giá trị về Đàng Trong, nhất là xứ Thuận Quảng vào thế kỷ XVIII, hoạt động buôn bán nhộn nhịp, phát triển của Hội An, Quảng Nam được Lê Quý Đôn ghi chép như sau: “Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về cũng chỉ có một thứ hồ tiêu, còn từ Quảng Nam về thì các hàng không món gì không có, các nước phiên không kịp được. Phàm hóa sản vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy đường bộ, đi thuyền đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đấy để mua về nước”.

Hội An không chỉ là thương cảng sầm uất, trung tâm thương mại của Việt Nam mà còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới thương mại toàn cầu thời kỳ này. Các thương nhân người Nhật khi đó tới bán những đồ đồng, tiền đồng, sắt, đồ gia dụng… và mua lại đường, tơ lụa, trầm hương… Các thương nhân châu Âu đến Hội An để tìm kiếm các mặt hàng quý hiếm từ châu Á, đồng thời giới thiệu các sản phẩm từ phương Tây. Sự thịnh vượng của Hội An đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Đàng Trong, đồng thời tạo ra một môi trường đa văn hóa, đa tôn giáo hiếm có.

Phố Nhật Bản được thành lập, các Hội quán của người Trung Quốc được mở ra, khách thương Ấn Độ, Ba Tư, châu Âu kinh doanh, sinh sống, sinh hoạt nơi đây biến Hội An thành một đô thị đa sắc tộc, đa văn hóa, phóng khoáng và cởi mở hiếm thấy.

Theo phân tích của các nhà sử học, có 3 lý do chính yếu để Hội An trở thành thành phố cảng lớn nhất Đàng Trong và cả khu vực. Thứ nhất, quan trọng hàng đầu là vị trí địa lý thuận lợi: Hội An là cửa ngõ ra - vào của các tỉnh và Biển Đông, có hải cảng sâu, rộng phù hợp cho các thuyền buôn trong và ngoài nước đến neo đậu, buôn bán. Thứ hai, hàng hóa từ Quảng Nam, Bình Khang, Diên Khánh,… đều theo đường thủy, đường bộ tập trung về Hội An. Thứ ba, việc Chúa Nguyễn nới lỏng cho phép tự do buôn bán của thương nhân nước ngoài, cho phép họ vào buôn bán để nhờ họ mua vũ khí. Tất cả những điều này đã góp phần khiến Hội An trở thành đầu mối giao thông biển quan trọng nhất của khu vực Đàng Trong và là trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất của cả vùng Đông Nam Á thời ấy.

Quang cảnh tấp nập trên sông phố Hội. (Nguồn: "Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793)" của tác giả John Barraow, Nguyễn Thừa Hỷ dịch)

Quang cảnh tấp nập trên sông phố Hội. (Nguồn: "Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793)" của tác giả John Barraow, Nguyễn Thừa Hỷ dịch)

Viên ngọc quý về văn hóa

Với vai trò là thương cảng sầm uất nhất khu vực, sự hiện diện của các thương nhân nước ngoài đã mang đến cho Hội An một diện mạo đa dạng về văn hóa và kiến trúc. Về di sản vật thể, Hội An hiện có hơn 1.360 di tích văn hóa - kiến trúc. Trong đó có 1273 di tích kiến trúc nghệ thuật bao gồm nhiều loại hình di tích như: Nhà ở, nhà thờ tộc, đình, chùa, hội quán, nhà thờ Công giáo, thánh thất, cầu, giếng, chợ, lăng - miếu và mộ...

Những ngôi nhà cổ, hội quán, đền chùa mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu vẫn còn tồn tại đến ngày nay đã minh chứng cho một thời kỳ giao thoa văn hóa rực rỡ. Trong đó, Chùa Cầu là một kiến trúc rất đặc biệt, được nhiều người coi là một “biểu tượng” của công trình kiến trúc Hội An.

Chùa Cầu được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng vào thế kỉ 17. Vào năm 1719, Chúa Nguyễn Phúc Châu khi thăm Hội An đã đặt cho chiếc cầu cái tên là Lai Viễn Kiều (ý nghĩa: Cầu đón khách phương xa). Theo niên đại khảo cứu ở xà nóc và văn bia tại đầu cầu thì chiếc cầu đã được xây dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa trên đó có lẽ cũng được xây dựng lại vào thời điểm này. Đến ngày 17/12/1990, Chùa Cầu được cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia.

Hiện nay, Chùa Cầu đang được trùng tu lại, tuy có một số ý kiến trái chiều nhau, nhưng tất cả cho thấy được sự yêu mến của người dân đối với công trình cổ này của Hội An.

Cạnh đó, các hội quán như Hội Quán Phúc Kiến, Hội Quán Triều Châu là những công trình nổi bật, không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là nơi tụ họp, giao lưu của cộng đồng người Hoa tại Hội An.

Về mặt đời sống tinh thần, người dân Hội An có tính nhạy bén, cởi mở nhưng vẫn giữ trọn vẹn được các tập tính truyền thống. Các lễ hội, tập quán đặc sắc và ẩm thực đa dạng cũng làm nên bản sắc văn hóa đặc biệt của vùng đất này.

Trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn có ghi một đoạn lời kể của một thương gia họ Trần (người Quảng Đông) khi chở hàng đến Hội An: Người Minh Hương và người Thanh (Trung Quốc) chọn Hội An làm nơi định cư đã mang theo đèn lồng từ quê hương đến và có thói quen thắp sáng đèn mỗi khi màn đêm buông xuống. Thời kỳ này, Phố cổ Hội An chia thành 3 khu phố chính: Phố An Nam của người Việt, Phố Khách của người Hoa và Phố Hoài của người Nhật… Họ cùng nhau chung sống, giao lưu, buôn bán dưới sự cai quản của Chúa Nguyễn, tạo sự đan xen, hội nhập kinh tế ngay từ thời gian này. Năm 1639, khi nước Nhật chủ trương đóng cửa với thế giới bên ngoài thì Phố Hoài của người Nhật đã để lại cho người Việt và người Hoa quản lý.

Cuối thế kỷ 18, thương cảng Hội An bắt đầu suy tàn do sự cạnh tranh của các cảng mới và sự thay đổi trong tuyến đường thương mại. Đến thế kỷ 19, thương cảng Hội An đã nhường bước cho Đà Nẵng, một cảng đa chức năng phát triển theo mô hình cảng cận hiện đại. Tuy nhiên, di sản văn hóa và kiến trúc của Hội An vẫn được bảo tồn một cách kỳ diệu. Năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, khẳng định giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt của nơi này.

Trải bao cuộc đổi dời của lịch sử, Hội An - Hoài Phố - Faifo đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình trong quá khứ, đảm trách vai trò của ngõ giao thương lớn nhất khu vực, đem lại sự phồn thịnh cho nền kinh tế trong nước, mở rộng tầm văn hóa, tri thức, đồng thời góp phần củng cố sức mạnh của quốc gia. Ngày nay, đô thị cổ ven sông Hoài giữ vai trò là một “viên ngọc quý” về văn hóa, bảo tồn những giá trị đẹp đẽ để lưu giữ cho đời sau, cho người Việt và cư dân quốc tế đến ngắm nghía, chiêm ngưỡng, thưởng thức, được bình chọn là 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh... Ở thời nào đi nữa, Hội An vẫn luôn là một điều gì đó rất lạ, rất đặc biệt, rất tỏa sáng trong lòng người Việt.