Thương hiệu Balenciaga từng dính “nghi án” đạo nhái ý tưởng của nữ du học sinh người Việt?

(PLVN) - Cách đây chưa lâu, Balenciaga vướng nghi án đánh cắp ý tưởng thiết kế từ một cô gái Việt. Lời giải thích của thương hiệu thời trang cao cấp Tây Ban Nha sau đó càng khiến dân mạng dậy sóng. Sở dĩ có sự ồn ào này có lẽ là xuất phát một phần từ danh tiếng lâu đời của thương hiệu đình đám trong làng thời trang thế giới.
Thương hiệu Balenciaga từng dính “nghi án” đạo nhái ý tưởng của nữ du học sinh người Việt?

Bị tố đạo nhái ý tưởng của nữ du học sinh

Câu chuyện bắt đầu với bức ảnh chiếc xe máy và quần áo khá “độc lạ” mà không có một chú thích nào xuất hiện trên fanpage của Balenciaga. Giới yêu thời trang còn chưa hiểu ẩn ý của hãng thì tài khoản Instagram có tên tra.my1 (Nguyễn Trà My, một cô gái gốc Việt đang sinh sống và học tập tại Đức) đã có bài viết thể hiện sự phẫn nộ khi thấy tác phẩm cho khóa thạc sĩ của mình từ năm 2019 được Balenciaga thay đổi và đăng tải.

Theo chia sẻ của Trà My, vào tháng 6/2019, cô đã thực hiện một dự án về “Ninja đường phố” ở Việt Nam. Ý tưởng phủ nhiều quần áo lên chiếc xe máy xuất phát từ chính hoàn cảnh gia đình của cô, từ người mẹ đã bán một chiếc xe để gia đình có thể di cư sang Đức. Với cô, đây là một dự án tâm huyết theo đuổi trong nhiều năm nhằm giải mã phong cách đường phố ở Việt Nam và được đặt tên là “Street Ninja” (tạm dịch: Ninja đường phố).

“Duyên nợ” giữa Trà My với Balenciaga được cô kể lại là xảy ra vào năm ngoái khi một nhà tuyển dụng từ Balenciaga đã đến trường đại học của cô và xem qua dự án tốt nghiệp thạc sĩ của lớp. Trà My cũng cho biết nhà tuyển dụng này đã yêu cầu xem tập tài liệu của cô 2 lần. Bắt gặp bức ảnh trên Instagram của “ông lớn” khiến Trà My nhận định Balenciaga đã có sự “sao chép” không xin phép. Để củng cố cho kết luận của mình, Trà My cũng bổ sung thêm nhiều bức ảnh khác nằm trong dự án của “Street Ninja” cô thực hiện trước đây.

Trà My cũng thẳng thắn đối chất với Balenciaga, tag hẳn nhà mốt vào trong bài viết của mình: “Cảm hứng của bạn để tạo ra bức ảnh này là gì? Tại sao lại để quần áo trên một chiếc xe máy? Bạn muốn nói điều gì với chúng tôi? Hãy nói với tôi này! Tôi yêu cầu một lời xin lỗi và cũng đề nghị bạn xóa bức ảnh này đi”.

Bức ảnh gây tranh cãi của Balenciaga
 Bức ảnh gây tranh cãi của Balenciaga 

Vài ngày sau, Balenciaga lên tiếng phủ nhận thông tin Trà My đưa ra: “Bức hình chúng tôi đăng tải ngày 21/7 không dựa trên tác phẩm của bất kỳ nghệ sĩ nào. Nó được lấy cảm hứng từ những người bán hàng rong bày hàng hóa của họ. Điều này được thể hiện qua những bức hình nhiếp ảnh gia của chúng tôi chụp”. Tiếp theo đó, Balenciaga công bố 2 tấm hình cho thấy nguồn cảm hứng và những khoảnh khắc do nhiếp ảnh gia của thương hiệu chụp.

Tuy nhiên, ở mục bình luận xuất hiện nhiều ý kiến thể hiện sự bất bình từ dân mạng. Đặc biệt, phát hiện Balenciaga xóa bình luận của Trà My, các bình luận cho rằng thương hiệu Tây Ban Nha cần xóa bài đăng ngày 21/7, thừa nhận ăn cắp ý tưởng sinh viên và xin lỗi cô. Lời giải thích của hãng vào tối 28/7 cũng bị phần đông dân mạng bác bỏ vì không thuyết phục. 

Đáng chú ý, một số nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực thời trang đã lên tiếng ủng hộ Trà My. Isabella Carapella (Giám đốc nghệ thuật của trang The Huffington Post) lên tiếng: “Hãy ngừng xóa bình luận của tôi. Thật kinh khủng khi bạn bịt miệng nghệ sĩ và thản nhiên đánh cắp tác phẩm của họ. Hãy trả lại công bằng cho Trà My”. 

Đồng ý kiến, Yvan Rodic (nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng người Thụy Sĩ) viết: “Phản ứng duy nhất từ Balenciaga cho đến nay là xóa bình luận của Trà My. Thật đáng xấu hổ. Một thương hiệu xa xỉ có thể cư xử ‘rẻ’ hơn như thế nào nữa?”...

Đế chế hồi sinh

Không ngoa khi nói rằng nếu Balenciaga không phải là một tên tuổi đình đám thì sự vụ trên chẳng gây ồn ào đến thế. Thương hiệu lâu năm này được thành lập bởi Cristóbal Balenciaga từ năm 1919. 

Nhắc đến Cristóbal Balenciaga, người ta luôn nói về những thiết kế phá vỡ mọi nguyên tắc của ông. Ông xóa bỏ các phom dáng nhàm chán bằng những cải tiến sáng tạo mang tính lịch sử, đồng thời đem đến một cuộc định hình mới về phom dáng cho phái đẹp suốt thập niên 1950. Điều khác biệt làm nên tên tuổi của Cristóbal Balenciaga chính là những đường cắt ráp phá cách đi trước thời đại, thể hiện rõ nét ở đường cắt tinh xảo, sự linh hoạt và tính toán tỷ lệ tuyệt vời trong thiết kế của ông.

Lối tư duy khác biệt của Balenciaga ảnh hưởng phần lớn từ nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc. Thậm chí người ta còn truyền tai nhau rằng: “Bất kỳ một phụ nữ nào khoác lên mình bộ suit may đo từ nhà Cristóbal thì khó lòng vừa ý một nhà may khác”.

Tài năng của ông lan khắp châu Âu và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của giới thượng lưu. Các khách hàng “ruột” của ông phải kể đến các nữ minh tinh đình đám như Marlene Dietrich hay Greta Garbo. Ngay cả giai đoạn trong thế chiến, các khách hàng thượng lưu sẵn sàng gạt bỏ sự an toàn của mình chỉ để bay đến Paris xem bộ sưu tập mới của ông.

Cùng với Coco Chanel và Christian Dior, Cristóbal Balenciaga là nhà mốt quyền lực nhất của thế kỷ 20. Christian Dior gọi Balenciaga là “The master of us all” (bậc thầy của tất cả chúng ta). Còn Coco Chanel miêu tả ông như một couturier (Người may y phục thời trang cho phái nữ) thực thụ và duy nhất trên thế giới. Những năm 1950 và 1960 được xem là thời kỳ đỉnh cao và rực rỡ nhất của đế chế Balenciaga. 

Nhà tạo mẫu Cristóbal Balenciaga
Nhà tạo mẫu Cristóbal Balenciaga

Tuy vậy, từ ngày 23/3/1972, thương hiệu gần như rơi xuống vực thẳm sau sự ra đi của Cristóbal Balenciaga. Dần rơi vào quên lãng, Balenciaga đã vượt qua thời điểm khó khăn và quay trở lại đường đua vào năm 1986 khi Công ty sản xuất mỹ phẩm làm đẹp và nước hoa Jacques Bogart S.A quyết định mua lại thương hiệu. Năm 2001, Balenciaga chính thức được Tập đoàn Kering mua lại và tiếp quản đến nay.

Cho tới hiện tại, thương hiệu đã trải qua 4 đời giám đốc sáng tạo. Lần lượt là Michel Goma (1987-1992); Josephus Thimister (1992-1997); Nicolas Ghesquière (1997-2012); Alexander Wang (2013-2016). Tháng 10/2015, cương vị giám đốc sáng tạo của Balenciaga được trao cho nhà thiết kế Demna Gvasalia.

Cú chuyển mình mạnh mẽ của Balenciaga là nhờ Nicolas Ghesquière. Người ta gọi Ghesquière là “truyền nhân” kế nghiệp phù hợp nhất của nhà sáng lập. Bởi anh có công vực dậy cả một đế chế đang rơi dần vào quên lãng. 

Đến năm 2016, thương hiệu lại thêm một lần “thay da đổi thịt” với sự bổ nhiệm Demma Gvasalia vào vị trí thay thế Alexander Wang. Trong thiết kế của Gvasalia, người ta thấy thấp thoáng sắc thái và sự linh hoạt trong xử lý phom dáng của nhà sáng lập Cristóbal.

Dưới thời Demna Gvasalia, Balenciaga đã trình làng những món đồ gây nghiện cho giới trẻ thế giới. Chẳng hạn như áo phông in logo; giày gót cao mũi nhọn ôm sát cổ chân; giày thể thao ‘Speed trainers’ và ‘Balenciaga Triple S’... Cái tài của Gvasalia là kiến tạo ra xu hướng để giới mộ điệu phải tuân theo luật chơi của mình. Balenciaga khiến người ta nghĩ ngay đến những gì quái lạ và thời thượng nhất.

Trước sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu thời trang đường phố và xu hướng tiêu dùng của thế hệ Y (millennials - những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000), Balenciaga cùng với Gucci chính là hai cái tên nổi bật nhất, biến các sản phẩm thời trang thành một phần trong cuộc sống giới trẻ. Balenciaga còn là minh chứng hoàn hảo cho những thay đổi kỳ diệu nhất - từ vị trí người “tụt lại phía sau” đã lội ngược dòng ngoạn mục, tiếp tục đưa đế chế thời trang của mình tăng tốc mạnh mẽ.

Đọc thêm