Thương hiệu Việt cần “vừa xây, vừa giữ”

(PLVN) - Thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn tăng hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu, nhưng nhiều thương hiệu mạnh của Việt Nam đã bị thôn tính hoặc bán cho ông chủ ngoại. Việc giữ gìn thương hiệu Việt cần phải đặt ra mạnh mẽ hơn trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở gần như lớn nhất thế giới…
Số lượng doanh nghiệp đạt THQG ngày càng tăng.

Giá trị thương hiệu quốc gia liên tục thăng hạng

Theo công bố của Brand Finance (công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới), năm 2021 thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng 33 trong danh sách top 100 thương hiệu mạnh thế giới bất chấp những tác động mạnh của dịch COVID-19 với mức tăng khoảng 21,69% so với năm 2020, từ 319 tỉ USD lên tới 388 tỉ USD.

Số liệu công bố cũng cho thấy, tổng doanh thu của các doanh nghiệp (DN) THQG hàng năm đều tăng. Năm 2020, doanh thu của các DN có sản phẩm đạt THQG đạt trên gần 1.350 tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 125 nghìn tỷ đồng và tiếp tục đóng góp tích cực cho an sinh xã hội. Số lượng các DN có sản phẩm đạt THQG Việt Nam cũng liên tục tăng qua các thời kỳ, từ con số 30 năm 2008 lên 124 DN năm 2020.

Cùng với đó, rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Có thể kể đến như Viettel hiện đang nằm trong top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến…

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - khẳng định, thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của DN và THQG có mối quan hệ rất chặt chẽ và mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Khi một quốc gia có nhiều DN với thương hiệu mạnh, sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của quốc gia. Ngược lại, khi THQG được nâng tầm trên thị trường quốc tế, sẽ tạo ra một sự bảo chứng về uy tín và chất lượng cho các DN, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Để đồng hành phát triển trong việc nâng tầm thương hiệu DN - THQG, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG Việt Nam và khuyến khích các DN tham gia xét chọn sản phẩm đạt THQG, cùng chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong. Từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của THQG Việt Nam trên trường quốc tế.

Cần giữ gìn từ những thương hiệu nhỏ…

Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, trong việc hình thành những thương hiệu sản phẩm, việc xây dựng thành công thương hiệu đã khó, việc gìn giữ, phát triển thương hiệu còn khó hơn. Thời gian gần đây, nhiều DN Việt, trong đó có những DN đã từng đạt THQG nhưng lần lượt rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài khi bị thôn tính hoặc thông qua mua bán - sáp nhập.

Mới đây nhất là thương hiệu bất động sản xây dựng Coteccons - một DN Việt lớn, do người Việt sáng lập nhưng lại rơi vào tay chủ đầu tư nước ngoài sau nhiều lần phát hành tăng vốn. Trong bức tâm thư từ nhiệm, thành viên Hội đồng Quản trị người Việt cuối cùng của doanh nghiệp này đã nhắc nhở: “Các tổ chức thương hiệu Việt cần cân nhắc về cách thức phát hành tăng vốn để tránh tình cảnh mất công ty”. Trước đó, nhiều doanh nghiệp đạt THQG cũng lần lượt rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài khi những “ông lớn” ngoại quốc nắm giữ trên 50% cổ phần như Sabeco, Thịnh Phát…

Về mặt chấm điểm THQG, việc một số DN Việt bị rơi vào sở hữu của các ông chủ ngoại không ảnh hưởng đến giá trị THQG của Việt Nam nhưng theo ông Lại Tiến Mạnh, đối tác của Brand Finance tại Việt Nam, dù vị trí THQG Việt Nam không bị ảnh hưởng nhưng nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể đến việc xây dựng được một thương hiệu khác, lớn mạnh và có vị thế như thương hiệu đã bán gần như không có cơ hội bởi thời cơ, thời điểm để xây dựng thương hiệu không dễ có thể gặp được.

Do đó, muốn hạn chế việc thương hiệu Việt bị rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài, hay nói cách khác, để giữ gìn và phát triển thương hiệu Việt, cần có chính sách hỗ trợ hoặc khuyến khích nào đó như các chương trình xây dựng hình ảnh quốc gia để khơi gợi lòng tự hào cho các chủ DN; Hoặc để chủ DN nhìn thấy lợi ích dài hạn của việc giữ gìn thương hiệu Việt.

“Thậm chí cần tính đến việc đưa thêm những điều khoản luật về việc mua lại thương hiệu Việt, tạo thêm các rào cản trong việc thương hiệu Việt có thể dễ dàng bị bán hoặc thôn tính” - ông Mạnh nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, ông Mạnh cho rằng, không chỉ để ý đến việc giữ gìn các thương hiệu mạnh mà ngay cả các thương hiệu nhỏ hơn cũng cần phải quan tâm và giữ gìn vì các DN nhỏ này rất lớn, chiếm đến 95-96% số lượng DN.

Đọc thêm