“Thương người như thể thương thân”

(PLVN) - Nước lũ đã bắt đầu rút trước cơn bão số 9, 10 đang tiếp tục tiến vào bờ biển miền Trung. Người miền Trung quật cường lại đứng lên, làm lại từ đầu. Những đoàn từ thiện, những số tiền quyên góp vẫn đang đổ về miền Trung ruột thịt. Nhưng giờ đây, cứu nguy không còn là câu chuyện bức thiết nữa…
Những đoàn cứu trợ miền Trung.
Những đoàn cứu trợ miền Trung.

Những bàn tay đưa ra trong cơn đại hồng thủy

Đêm 25/10 vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra đêm nhạc thiện nguyện “Việt Nam tử tế: Cơn lũ đi qua - Tình người ở lại”. Đêm nhạc có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ hàng đầu hiện nay, hoàn toàn không lấy cát xê, như Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Hiền Thục, Đức Tuấn, Phương Vy, Uyên Linh, Erik… Tổng số tiền quyên được sau đêm nhạc là 6,2 tỉ đồng, trong đó có gần 5.2 tỉ đồng tiền mặt và 1 tỉ đồng hiện vật gồm áo lạnh, mền, nhu yếu phẩm, thuốc men.

Đó không phải là đêm nhạc duy nhất được tổ chức để ủng hộ đồng bào miền Trung trong thời gian này. Lũ lụt diễn ra ở miền Trung nhưng khắp các nơi, cuộc sống vẫn đang bình yên, mọi hoạt động kinh tế, đời sống vẫn diễn ra bình thường. Cái “không bình thường” ở đây, là mọi người, từ người nổi tiếng, nghệ sĩ, doanh nghiệp, người dân - cả người già và trẻ em, đều chung sức chung lòng hướng về miền Trung, bằng những hành động thiết thực của mình.

Nghệ sĩ vẫn đi chạy show, quảng cáo, lưu diễn. Nhưng họ trích một phần thu nhập của mình, tổ chức quyên góp và ra tận nơi để cứu trợ, hoặc gửi tiền nhờ bạn bè, đồng nghiệp cứu trợ. Họ chung tay tổ chức những đêm nhạc nghĩa tình, không nhận cát xê, mong thông qua hoạt động âm nhạc có thể kêu gọi sự quan tâm của công chúng đến những đồng bào trong mưa lũ.

Lẽ dĩ nhiên, phần trình diễn của họ trên sân khấu càng tỏa sáng hơn bao giờ hết, bởi lúc ấy họ hát không phải để mưu sinh, mà tiếng hát cất ra từ trái tim giàu lòng trắc ẩn.

Các họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh thời gian qua cũng bằng hoạt động nghệ thuật của mình, đem lại những hiện vật hữu ích cứu trợ miền Trung. Đó là những bức tranh, bức ảnh được vẽ, chụp nhằm đem ra đấu giá, lấy tiền ủng hộ đồng bào. Một số nhóm đầu bếp, trong nước có, ngoại quốc có, cũng đã tổ chức những “bữa ăn quyên góp”. Tại những bữa ăn ấy đặc biệt ấy, họ sẽ nấu hết tài, hết lòng, và số tiền thu được cũng là dành cho miền Trung ruột thịt.

Những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thì ủng hộ tài vật và lên tiếng kêu gọi công chúng, cán bộ công nhân viên chức thì ủng hộ đồng lương. Ngay cả các em học sinh, từ tiểu học đến cấp 3, cũng viết nên những câu chuyện thật đẹp, có em còn nhỏ mà đã biết lập quỹ “Góp một bữa sáng ấm lòng miền Trung”, có em còn lên kế hoạch hẳn hòi, đi kêu gọi khắp nơi, từ gia đình đến bạn bè, được hàng trăm triệu.

Có em trích tiền thưởng, đập ống heo để ủng hộ đồng bào. Có những cụ già lấy tiền hưu, tiền tiết kiệm, tự mình hoặc nhờ con cháu đi gửi đến những tổ chức từ thiện để trao đến tay người dân vùng lũ…

Trong những ngày gian nguy và sôi động vừa qua, mạng xã hội cũng chứng kiến không ít anh hùng bàn phím, thích chỉ trích, phát ngôn thiếu suy nghĩ. Họ đi khắp nơi chê bai người này, phê phán người nọ. Gặp ai họ cũng nói một câu: Sao không làm từ thiện đi? Họ kêu gọi ngừng hoạt động nghệ thuật, giảm bớt vui chơi giải trí, ngưng kinh doanh các dịch vụ mà họ cho là không cần thiết.

Tiếng nói của họ, tuy không phải là ít ồn ào, nhưng rồi rơi tõm vào thinh lặng. Bởi những người mà họ chỉ trích vẫn đang còn bận rộn. Những người ấy đang bận sống vui vẻ, sống nhiệt thành, làm việc hết sức hăng say, không phải vì bản thân mình, mà còn để gửi gắm những tình thương thiết thực ra cho những người đang cần đến nó.

Những “người hùng” giản dị

Nhắc đến những tấm lòng thiện, trái tim quả cảm, không chỉ có những tổ chức từ các miền vượt lũ đến miền Trung trao quà. Ngay tại vùng rốn lũ, ngay trong mưa gió mịt mùng, vẫn không hiếm những người hùng. Những người hùng ấy có vẻ ngoài rất giản dị, là nông dân, là ngư phủ, là giáo viên địa phương, manh áo bạc, gương mặt sạm nắng. Bản thân mình và gia đình cũng nguy nan, nhưng họ chọn cách xông pha để giúp người.

Nước đã bắt đầu rút.
 Nước đã bắt đầu rút.

Cô giáo Trần Thị Phượng là giáo viên Trường tiểu học – Trung học cơ sở Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Những ngày mưa lũ lớn, người dân chung quanh vùng thấy một cô gái trẻ, chèo xuồng xuôi ngược khắp nơi không quản nguy khó để giúp bà con. Đó rất có thể là Phượng.

Là dân địa phương nên cô Phượng nắm khá rõ địa hình và hoàn cảnh gia đình từng người dân quanh vùng. Một mình cô chèo xuồng đi xin hàng từ thiện và làm giao liên chở những nhà hảo tâm tiếp tế đồ ăn, thức uống, cho một số người dân bị mắc kẹt trong vùng lũ. Không chỉ thế, cô đã kêu gọi giải cứu thành công và đưa được một số người dân sống trong căn nhà ngập nước đến nơi trú ẩn an toàn.

Điều đáng nói là nhà cô cũng ở trong vùng lũ, người cha cũng bị thiệt hại do lũ. Nhưng cô và chồng cùng em gái vẫn bươn bả đi giúp người, bởi biết rằng ba mình an toàn và có miếng ăn, còn ngoài kia nhiều người khổ lắm.

Những ngày lụt, các trường đều ngưng học tập. Thế nhưng, có những ngôi trường vẫn mở cửa, sáng ánh lửa. Như trường Trường mầm non Lộc Ninh, Trường Tiểu học số 1 Sen Thủy (Quảng Bình), Trường Trung học phổ thông Đông Hà (Quảng Trị)…, tổ chức đóng góp tiền bạc, nấu cơm phát cho người dân.

Anh Nguyễn Thành Trung, một thành viên nhóm thiện nguyện đến miền Trung kể, trong quá trình đoàn cứu trợ ở Quảng Bình, anh đã được gặp một người lái thuyền đặc biệt. Nhà anh cũng bị lũ cuốn trôi hết cả, thế mà anh vẫn nhận lái thuyền miền phí, vượt nguy hiểm để đưa các đoàn từ thiện cùng lương thực, nước uống vào tận nơi người dân bị chia cắt. Anh không nhận quà, không đòi hỏi gì cả. Đến khi anh Trung móc tiền túi gửi tặng anh 1 triệu anh cũng từ chối, nói mãi mới nhận mà mắt rưng rưng…

Có anh Lê Văn Thành (SN 1982, thôn Trần Phú, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng 3 người khác trong thôn đã bất chấp nguy hiểm, hai ngày đêm quên ăn ngủ, lái thuyền cứu sống hơn 300 người dân thoát khỏi cơn nước dữ. Rồi có ông Lê Văn Quyết, chủ tịch một xã ở Quảng Bình suốt 2 ngày dầm mình trong nước lũ cứu hàng trăm người dân.

Còn nữa, kể làm sao hết những chiến sĩ quân đội, dân quân xóm làng những ngày lũ không ngừng nghỉ, không sợ nguy hiểm, đối mặt với cái chết thực hiện công tác cứu hộ. Có những đoạn clip cho thấy các anh không ngủ, quên ăn. Đến lúc đói cũng chỉ dám lấy mì gói, lương khô của chính mình ra ăn chứ không dám nhận quà của đoàn cứu hộ vì không muốn va phải miệng đời đáng sợ ngoài kia.

Làm lại từ đầu

Giờ đây nước đã bắt đầu rút rồi. Người dân vùng lũ giờ đây đi tìm trâu bò lạc về, giặt phơi quần áo, dựng lại, sửa sang lại mái nhà. Cơn lũ dữ thật đáng sợ, nhưng nó cũng là một trong hàng ngàn cơn lũ lớn diễn ra trên mảnh đất này từ thuở mở cõi. Có ai lớn lên ở miền Trung mà chưa biết lũ bao giờ?

Đau thương cũng đã nhiều, nhưng than khóc chẳng ích chi. Người miền Trung quật cường lại đứng lên, làm lại từ đầu. Những “anh hùng” thời bình dân dã, chân phương rời việc làng nước, trở về mái nhà của chính mình để lo toan cho cuộc sống bản thân và gia đình. Những đoàn từ thiện, những số tiền quyên góp vẫn đang đổ về miền Trung ruột thịt.

Người dân miền Trung cần gì vào lúc này? Có, họ cần nhiều lắm. Họ không phải cần miếng ăn bỏ bụng tức thời, bởi các đoàn cứu trợ đã làm rất tốt việc cứu đói cứu nguy thời điểm lũ. Giờ đây, những phương tiện để mưu sinh của nhiều gia đình đã biến mất. Ruộng vườn đã xơ xác, cửa nhà tang hoang.

Người dân miền Trung cần được chung tay, hỗ trợ họ bắt đầu cuộc mưu sinh. Trước hết là lợp lại mái nhà. Là rũ bùn ở mảnh vườn, là con trâu, con gà, hạt giống. Là những đứa trẻ thiếu sách vở, thiếu học phí để đến trường…

Tái thiết, là câu chuyện của người miền Trung, nhưng cũng là câu chuyện của Chính phủ, của toàn dân. Giúp người sao cho hiệu quả, đi được đường dài, đến được tương lai, đó là cả một hành trình thay đổi tư duy quản lý, tư duy làm từ thiện. Hành trình ấy nên được bắt đầu từ lúc này.

Đọc thêm