Thường trong vô thường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chúng ta sinh ra đôi bàn tay để nắm lấy, để sẻ chia cho nhau nỗi khó khăn trong đời; sinh ra đôi bờ vai để nương tựa, để nâng đỡ và gánh vác. Đó chính là sợi dây tuyệt vời để kết nối con người lại gần nhau hơn và biết yêu thương, biết cần nhau hơn.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

1. Những ngày ở Thụy Ứng, tôi hay có thói quen nghe kinh. Đó là những phút giây tôi để lời kinh tự thấm vào mình như một mạch nguồn của dòng suối tự núi cao chảy xuống. Nhưng cũng có khi, tôi chú tâm hết lòng vào từng thanh âm vi diệu ấy và có cảm giác mình đã thâm nhập, đã hòa vào dòng suối ấy.

Những lời kinh và tiếng chuông đã nuôi dưỡng tâm thức tôi lớn lên theo năm tháng. Dù ngày xưa có chú tiểu nhỏ ham chơi nhưng dòng nước cam lồ cứ tưới tẩm vào hồn tôi như thế.

Cuộc sống này cũng vậy, vẫn đổi thay không ngừng, chỉ có tâm mình mải mê rong ruổi vì suy nghĩ của những vị kỷ, những sân si tham đắm mà buồn, mà vui.

Mình thấy ngày rằm, ánh trăng tròn đầy viên mãn thế. Trăng đẹp và trong khiến mình nhìn vào thôi đã nhận được nhiều hạnh phúc, bình an… Nhưng không có nghĩa là nếu trời mưa gió, hoặc đến một đêm 30 nào đó mình cảm thấy cô độc hay buồn bã. Mình hiểu rằng, ánh trăng không mất đi đâu cả, vẫn tròn đầy, đẹp đẽ như hôm nào.

Và mình tin rằng, có một ngày rằm, ấy là để mình có được rất nhiều ngày khác sống trong hạnh phúc của sự chờ đợi… là để mình biết trân quý những đêm trăng tròn và yêu thương cả những ngày trăng khuyết.

*****

2. Con người vốn sợ những xa cách, sợ những mất mát, sợ rất nhiều thứ trong đời bởi quy luật của vô thường, có đến là có đi, có tụ thì có tan…Và bởi thế, con người ta hoang mang và luôn có nhu yếu tìm đến một chỗ dựa. Trái tim ta thường vốn mềm yếu, vốn mong được tin yêu và sợ cô đơn, sợ thất bại. Thôi thì hãy cứ sợ, cứ khổ, cứ buồn lo, bởi đó chính là cuộc sống.

Nhưng khi ấy, mình cũng có thể tìm bình an và nương tựa nơi người, nơi vạn vật trong trời đất này.

Chúng ta sinh ra đôi bàn tay để nắm lấy, để sẻ chia cho nhau nỗi khó khăn trong đời; sinh ra đôi bờ vai để nương tựa, để nâng đỡ và gánh vác. Đó chính là sợi dây tuyệt vời để kết nối con người lại gần nhau hơn và biết yêu thương, biết cần nhau hơn. Nhưng, mỗi một trái tim đều có những yếu đuối, mỗi đôi bàn tay đều có những chai sần, mỗi bờ vai đều có lúc mỏi vì những gánh nặng cuộc đời… Nếu muốn bình an, ta trước nhất hãy là bình an. Hãy là một biểu hiện sống động của vững chãi và an yên trước mọi biến chuyển của đời thường.

Đó là điều mà mỗi người đều có thể có được. Kỳ diệu vô cùng là mình còn có một điểm tựa rất đỗi dịu dàng, tin cậy. Ấy là hơi thở. Vậy mà chẳng mấy người để tâm. Cứ tìm cầu những hiện hữu bên ngoài trong khi, kho báu và con đường đến bình an thực sự lại chỉ có ở bên trong mỗi chúng ta.

*****

3. Từ khi chào đời, hơi thở mang mình đến với cuộc sống và bảo hộ mình từng phút giây. Mình hoàn toàn có thể nương về hơi thở để lắng dịu khi thân tâm mình yếu đuối, mệt mỏi giữa những đoạn đường đời.

Làm sao tránh được những lo âu, làm sao tránh được những giận hờn, làm sao tránh được những xúc động khi tiếc nuối xót xa. Người mình thương ra đi, bản thân mình không đạt được thành tựu như ước nguyện, anh chị em quanh mình khổ đau, bệnh tật… Có vô vàn những nỗi buồn như vậy.

Ta có thể nương nơi cái nắm tay dịu dàng của người bạn đời, có thể nương vào tình yêu thương của mẹ cha nơi mái ấm gia đình, có thể ta cần nương vào nơi ánh mắt trong veo và những tiếng cười hồn nhiên của con trẻ để nhẹ bớt gánh âu lo. Nhưng, những điều đó chỉ được nhất thời. Bình an, vững chãi thực sự lại chỉ có thể xuất phát từ một trái tim biết thấu cảm, biết hiểu và thương bắt đầu từ chính những yếu đuối, âu lo nơi bản thân mình.

Thường trong vô thường, ấy chính là tâm thế của người khéo biết thực tập để có được sự an tĩnh trong lòng trước những được mất đổi thay.

Khi mỗi một cơn giận kéo đến, mỗi một sự thất vọng hay cảm xúc tiêu cực bủa vây, mình thực tập thở vào thật sâu, thở ra thật nhẹ. Trong từng hơi thở, ta thực tập quay trở về với chính mình để học chấp nhận những xúc cảm tiêu cực như là một phần yếu đuối của thân tâm.

Ta hiểu và mỉm cười, và thương những điều làm mình bất an ấy. Ta thương cái giận cái khổ trong mình, thương cái khó, cái khổ của người. Thực tập như vậy với sự khiêm cung và trái tim chân thành, chỉ một lát thôi, tất cả muộn phiền sẽ lắng dịu. Nỗi đau, nỗi sợ, sự cô đơn, sự thù hận cũng cần được thấu hiểu, cần được nhận diện và cần được thương. Ta thường hay nói đến những niềm thương cao vời ở mãi đâu, sao không thương ngay nơi những yếu mềm của chính mình?!!

Cũng như những lời kinh và tiếng mõ chuông thấm vào lòng và nuôi dưỡng chú tiểu nhỏ là tôi những ngày đã xa, ta có thể thực tập mỗi lúc để chánh niệm giúp cho mình. Rồi, tự nhiên thôi, sẽ chẳng có muộn phiền hay lo sợ nào chạm đến được bởi tâm ta đã đủ vững chãi, đủ thương để hiểu, để yêu thương hết thảy những phiền muộn bão giông trong đời.

*****

4. Thương để cảm thông, chia sẻ.

Không cần đợi như vạn vật giữa trời đôi lúc phải cần tới một cơn mưa rào để gột rửa hết những bụi bặm. Không cần đợi đến những cái xiết tay đầy thương lo, đợi những bờ vai vốn cũng mang quá nhiều gánh nặng cuộc đời để mong chút nâng đỡ, nương tựa… Chỉ một hơi thở có ý thức cũng có thể khiến lòng mình nhẹ vơi đi bao nhiêu phiền muộn đã vô tình hay hữu ý mà mang theo.

Mỗi sớm mai thức dậy, trái tim đập khẽ trong lồng ngực, hơi thở vẫn đều. Vậy rồi, mình mỉm cười dịu dàng với cả những hạt giống và điều kiện mang lại bất an hay những đắng cay. Dù điều gì làm mình nặng gánh và dù có thể buông được hay không, mình cũng cần đôi lúc đặt xuống 1 lát, có khi chỉ là để thở và mỉm cười, và yêu, thương… Thường trong vô thường là vậy. Hiểu rồi thì sẽ có thương, thương rồi thì sẽ có bình an, có hạnh phúc trong cả những được mất của cuộc đời.

Rồi sẽ thấy gánh mình mang nhẹ thênh thang, sẽ thấy con đường đang đi thật đẹp đẽ, ngọt ngào khi ngay cả những khổ đau, những nhỏ nhen, vị kỷ, những vụng về cũng được ôm ấp, được thương và được thấu hiểu.

Đọc thêm