Tiền Giang lên kế hoạch sẵn sàng phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tiền Giang đã lên Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, chủ động triển khai các giải pháp kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, căn cứ vào mức độ an toàn trong phòng, chống dịch dựa trên việc thiết lập các “vùng xanh”, tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động, nhân dân, yêu cầu của Chính phủ, Tiền Giang đã dự thảo kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2021 và trong năm 2022. Kế hoạch gồm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 từ ngày 1/10 đến ngày 31/10, giai đoạn 2 từ ngày 1/11 đến hết tháng 12/2021 và giai đoạn 3 từ đầu năm 2022 trở về sau.

Giai đoạn từ có nguy cơ cao sang nguy cơ

Giai đoạn 1 (từ nay đến ngày 31/10/2021), Tiền Giang sẽ khống chế được dịch bệnh và chuyển tỉnh từ có nguy cơ cao sang nguy cơ. Tập trung cho công tác phòng chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.Trong giai đoạn này, Tiền Giang sẽ triển khai 04 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch COVID-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với an toàn phòng chống dịch.

Thứ hai, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, hoạt động trở lại.

Thứ ba, thực hiện công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn Tiền Giang.

Thứ 4, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Đảm bảo việc đi lại của nhân dân thông suốt, thuận lợi và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Từ 04 nhóm giải pháp này sẽ ứng với 12 nhóm công việc cụ thể.

Tiền Giang nỗ lực bảo vệ “vùng xanh” gắn với đẩy mạnh khôi phục sản xuất

Tiền Giang nỗ lực bảo vệ “vùng xanh” gắn với đẩy mạnh khôi phục sản xuất

Giai đoạn từ nguy cơ sang bình thường mới

Giai đoạn 2 (từ 01/11/2021 đến 31/12/2021), Tiền Giang chuyển từ trạng thái “nguy cơ” sang “bình thường mới”. Đánh giá các nội dung đã triển khai giai đoạn 1, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch của ngành Y tế (tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân trong độ tuổi, đánh giá mức độ nguy cơ).

Ở giai đoạn này, Tiền Giang triển khai 05 nhóm giải pháp: Tập trung triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh gắn với chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh. Tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách hành chính. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và công tác truyền thông, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các nhóm giải pháp này ứng với 20 nhóm công việc cụ thể, chi tiết được phân công cho từng sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh.

Giai đoạn trở lại trạng thái "bình thường mới"

Giai đoạn 3 (từ đầu năm 2022 trở về sau), khi Tiền Giang đã trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được tổ chức theo luật quy định.

Trong quá trình triển khai, các ngành, các cấp chủ động nắm bắt tình hình, phản ánh khó khăn, vướng mắc qua các kênh thông tin phù hợp để có giải pháp xử lý ngay trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Tập trung các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội (Ảnh minh họa)

Tập trung các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” cần giữ lực lượng “lao động xanh” đã có và tuân thủ việc phòng, chống dịch trong tuyển dụng lao động mới. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp phải luôn tuân thủ việc giãn cách, đảm bảo quy tắc 5K.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Thông - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp, cơ quan, đơn vị được giao đầu mối hoặc chủ trì thực hiện sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành, xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Đảm bảo việc xử lý thống nhất, đồng bộ, tránh tình trạng xử lý khác nhau đối với cùng một vấn đề, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh...

Với những kế hoạch phục hồi kinh tế đề ra năm 2021, Tiền Giang hi vọng sẽ kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Giảm thiểu tối đa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động của dịch COVID-19. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động trở lại, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Đọc thêm